|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Khó khăn về vốn là nguyên nhân ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á thất bại’

11:26 | 02/07/2024
Chia sẻ
Đây là quan điểm của TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tại một sự kiện về chuyển đổi xanh do Vingroup tổ chức vừa qua.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngành ô tô của Đông Nam Á có thể coi là “bị thất bại thảm hại”. Những hãng như Proton của Malaysia, hay Thái Lan cũng phấn đấu để có một ngành ô tô đứng riêng tên mình nhưng chưa làm được.

Ông Nghĩa lý giải khó khăn về vốn là nguyên nhân toàn ngành công nghiệp ô tô của Đông Nam Á thất bại. Trong khi đó, Hàn Quốc với thương hiệu xe Hyundai, là một dẫn chứng cho thành công của ngành công nghiệp ô tô khi đã giải quyết được bài toán vốn. Hyundai được đích thân cựu Tổng thống Park Chung-hee chỉ định phải phát triển ngành này, cho đất, bảo lãnh cho vay vốn nước ngoài để đầu tư vì khối lượng vốn cần rất lớn. 

Do đó, theo ông Nghĩa, Hàn Quốc đã có bước đi thông minh khi tận dụng sức mạnh từ hai nền tảng, đó là sự hỗ trợ sân sau của Chính phủ, và quan trọng nhất là huy động lực lượng dân chúng và doanh nghiệp nội địa. Điều này khiến cho tất cả các đối thủ quốc tế muốn lợi dụng WTO hay hiệp định GATT để chống lại Hyundai đều không thành công.

 Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa trong một toạ đàm. (Ảnh: VNEconomy)

Chuyên gia kinh tế khẳng định tất cả các ngành công nghiệp ô tô trên thế giới đều đi lên bằng sự bảo hộ của Chính phủ: “Cho đến nay, họ [các doanh nghiệp ô tô lâu đời] đã đứng trên đỉnh cao và đạp đổ thang bảo hộ đi. Họ nói với tất cả doanh nghiệp đi sau rằng chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng, công bằng.

Hiệp định GATT hay quy chế của WTO là trở ngại rất lớn cho các quốc gia phát triển ô tô sau, cho các quốc gia có ngành ô tô non trẻ. Cơ hội để tài trợ cho ngành ô tô đều bị soi rất kỹ bởi các quốc gia có ngành ô tô phát triển bởi họ không muốn quốc gia nào phát triển được”.

Tuy nhiên, theo vị tiến sĩ, tại Việt Nam, mà câu chuyện ở đây là VinFast lại chưa có được sự hỗ trợ tương tự. Ông cho rằng tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng đã được tư nhân hóa từ sớm, ngân hàng đều rất nhỏ. Các ngân hàng cũng ưu tiên cho vay các dự án ngắn hạn, vì vậy không có nhiều tiền tập trung cho công nghiệp. Toàn bộ mặt bằng lãi suất được nâng lên rất cao, ngang bằng lãi suất của bất động sản, như vậy ko thể làm công nghiệp, làm ô tô được. 

“Do đó có thể nói những khó khăn mà VinFast phải vượt qua về tài chính, vốn là rất lớn. Vingroup đã rất sáng tạo khi đưa VinFast lên sàn để có thể huy động vốn quốc tế. Nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ. Những khó khăn mà VinFast phải trải qua trong thời gian vừa rồi chúng tôi cho là nỗ lực phi thường”, ông đánh giá.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy VinFast, Hải Phòng. (Ảnh: Đức Huy).

Ông Nghĩa cho rằng vốn ngành công nghiệp ô tô phải tính bằng tỷ đô, do đó các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và sự ủng hộ của người dân.

“Thành công vang dội của Hyundai đến nay là nhờ sức mạnh tổng hợp của người tiêu dùng nội địa Hàn Quốc. Họ có ý thức đến mức ngay cả người sống ở nước ngoài khi mua xe ô tô để đi họ cũng vẫn đi xe Hàn, ko bao giờ mua xe nước khác. Ý thức dân tộc của họ ghê gớm đến vậy. Đó không chỉ là sức mạnh tinh thần, mà còn là lá chắn để đối chọi với cạnh tranh quốc tế từ các hãng ô tô khác”, vị tiến sĩ chia sẻ.

Do đó, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói người Việt Nam cần tự hào khi là nước duy nhất ở Đông Nam Á, phát triển ngành ô tô sau nhất nhưng hiện tại đã có một hãng ô tô thương hiệu nội địa thực sự.

Ngoài vốn, vị tiến sĩ cho biết công nghiệp ô tô đối với Việt Nam là ngành kinh tế non trẻ, trong khi đó chúng ta đã mở cửa hoàn toàn cho thương hiệu nước ngoài vào từ lâu. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ phải đối chọi với những đối thủ cạnh tranh rất lớn, rất có kinh nghiệm, giàu cả về tiền tài lẫn công nghệ. Ông Nghĩa đánh giá việc tiến vào ngành ô tô của Vingroup có thể coi là lựa chọn táo bạo.

“Nếu ko có sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ, của hệ thống ngân hàng và của người tiêu dùng, nhất là tầng lớp trẻ, thì cuộc chiến tạo lập một ngành ô tô trụ cột công nghiệp quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Đức Huy

Vì sao thanh khoản chứng khoán bất ngờ tụt áp?
Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 ghi nhận khối lượng giao dịch sụt giảm so với các tháng trước. Theo một số chuyên gia phân tích, thị trường điều chỉnh cùng thanh khoản đi xuống trong ngắn hạn xảy đến sau đợt tăng điểm trước đó, và tín hiệu hạ nhiệt về thanh khoản không đồng nghĩa chứng khoán đang giảm sức hút so với các kênh đầu tư khác.