|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khẩu vị đầu tư của VinaCapital trong nửa năm có gì mới?

14:00 | 10/07/2018
Chia sẻ
Đầu tư vào trứng sạch Ba Huân, CenLand của Shark Hưng hay thoái vốn tại Yeah1 ngay trước chào sàn... cho thấy khẩu vị của ‘tay to’ VinaCapital đã có nhiều thay đổi trong nửa năm nay.

Những thương vụ khủng

Tính đến 31/5, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ Vietnam Oppoturnity Fund (VOF) thuộc quản lí của VinaCaptital còn 1.076,2 triệu USD, giảm gần 22% sau một tháng. Danh mục đầu tư của quỹ cũng có nhiều xáo trộn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc.

khau vi dau tu cua vinacapital trong nua nam co gi moi
Diễn biến NAV của VOF tính đến 31/5 (Nguồn: VOF)

Vào hồi tháng 2, quỹ VOF chi gần 25 triệu USD mua 10% cổ phần trong đợt IPO của của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), trở thành một trong 10 cổ phiếu có tỷ trọng giá trị tài sản ròng (NAV) lớn của quỹ.

Theo VOF, giá khởi điểm của cổ phiếu BSR là “rất hấp dẫn” (14.600 đồng/cp), tương đương P/E 2017 là 5,6 lần so với chỉ số P/E chung toàn thị trường là 20 lần. Đồng thời, khoản đầu tư này có thể mang lại tỷ suất hoàn vốn (IRR) ở mức 25% trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm hoặc có thể lâu hơn nữa.

Tuy nhiên, sau hai tháng nắm giữ, BSR không còn có mặt trong danh sách 10 cổ phiếu có tỷ trọng NAV lớn, thay vào đó là cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông. VinaCapital mua gần 5% cổ phần của OCB sau khi cổ đông lớn nhất của OCB là Ngân hàng BNP Paribas thoái.

So với đầu năm (tính đến 31/5), bên cạnh các doanh nghiệp lớn mà quỹ nắm giữ cổ phần chiếm tỷ trọng NAV lớn như HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với 15,7%; VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk 8,4%; KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền 7,5% ; PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận 6,9% đã có sự trở lại của cổ phiếu ngân hàng như Eximbank, HDBank, OCB.

khau vi dau tu cua vinacapital trong nua nam co gi moi
Danh sách 10 cổ phiếu có tỷ trọng NAV lớn của VOF tính đến 31/5/2018 (Nguồn: vof.vinacapital.com)
khau vi dau tu cua vinacapital trong nua nam co gi moi
Danh mục đầu tư của VOF tính đến 31/5/2018 (Nguồn: VOF)

Không chỉ quan tâm vào những cổ phiếu bluechips trên sàn, VinaCapital khá cần mẫn tìm kiếm những khoản đầu tư có tiềm năng dài hạn, hưởng lợi từ tăng trưởng trong nước. Gần đây nhất, quỹ này chi 32,5 triệu USD đầu tư vào CTCP Ba Huân của “nữ hoàng trứng vịt” Nguyễn Thị Huân.

Ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành của VinaCapital cho biết, khoản đầu tư này phù hợp với chiến lược tập trung vào những công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế hưởng lợi từ tăng trưởng trong nước. Các công ty thực phẩm và đồ uống của Việt Nam nói riêng có những cơ hội tăng trưởng to lớn trước mắt họ vì người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chất lượng cao và lành mạnh. Ba Huân chiếm hơn 30% thị phần trứng gia cầm trong cả nước với doanh thu dự kiến khoảng 90 triệu USD trong năm 2018.

Không những thế, VinaCapital rót 10 triệu USD vào Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CENLand - công ty của "Shark" Hưng). Đánh giá về khoản đầu tư này, ông Andy Ho cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng, tuy nhiên hoạt động môi giới vẫn chưa thực sự phát triển, CENLand là công ty môi giới chiếm 40% thị phần phía Bắc… Ông Ho cũng lưu ý, các điều khoản đầu tư bao gồm các biện pháp phòng ngừa giảm giá, cam kết về hiệu quả đầu tư giữa CENLand với VOF sẽ được công bố vào quý III/2018.

Mối lương duyên 10 năm với Yeah1 đến hồi kết?

Trước thềm niêm yết của CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) không lâu, Quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital đã bán 7,82 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah 1 từ 35,7% xuống 7,1% sau hơn 10 năm gắn bó. Sau đó, tại phiên 27/6 xuất hiện giao dịch thỏa thuận 7,84 triệu cổ phiếu YEG với mức giá 300.000 đồng/cp. Khối lượng này trùng khớp với lượng đặt mua của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị giao dịch lên tới 2.352 tỷ đồng (hơn 104 triệu USD).

Chia sẻ bên lề niêm yết về kế hoạch thoái vốn của DFJ VinaCapital, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT cũng cho biết, sau 10 năm đầu tư, đáng lẽ năm ngoái là thời điểm để DFJ VinaCapital thoái vốn để đóng quỹ. Việc thoái vốn này là cơ hội cho nhà đầu tư mới vào, nên Yeah1 rất sẵn lòng. Trong khi đó, ông Andy Ho cho rằng sẽ tiếp tục đồng hành với Yeah1 bởi với mức tăng trưởng 30-50%/năm và giá cổ phiếu 250.000 đồng/cp không cao, mà cần nhìn vào tổng thể Công ty.

Được biết vào tháng 6/2008, DFJ VinaCapital đầu tư vào Yeah1 thông qua mua phát hành riêng lẻ 213.333 cp với giá hơn 128.000 đồng/cp. Qua 10 năm, Yeah1 đã nhiều lần chia tách và phát hành riêng lẻ, nâng vốn điều lệ trước khi niêm yết lên mức gần 273,7 tỷ đồng, trong đó sở hữu của DFJ VinaCapital là 35,7% vốn điều lệ. DFJ VinaCapital cũng có một đại diện trong Hội đồng quản trị Yeah 1 là ông Don Lam.

Thị trường giảm sâu, VinaCapital có tìm ‘'miền đất hứa’' khác?

Trả lời phỏng vấn kênh Truyền hình Quốc hội về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Andy Ho cho biết từ đầu năm đến nay nhà đầu tư ngoại có nhiều lý do để thoái vốn và chốt lời dẫn tới đợt suy giảm mạnh vừa qua.

Khi được hỏi cổ phiếu nào sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018, ông Andy Ho đánh giá các cổ phiếu lớn, bluechips, đặc biệt là ngành tiêu dùng và ngân hàng dự kiến có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Theo ông Andy Ho, 2-3 năm qua, các ngân hàng đã xử lý xong phần lớn nợ xấu, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững sắp tới.

Ngoài ra, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital cho rằng, ngành vật liệu xây dựng cũng rất đáng quan tâm.

Ông chia sẻ thêm, các nhà đầu tư nước ngoài thích thanh khoản cao và do vậy thường nhắm tới các cổ phiếu bluechips. Tuy nhiên các bluechips này phải có định giá ở mức hợp lý, hấp dẫn.

VinaCapital cho rằng từ nay đến cuối năm là thời gian tốt để mua vào. Tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý biến động của thị trường khi đồng USD tăng lên do Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.

Xem thêm

Thu Hà