|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khai thác tóc tự nhiên: Người bán nhận thù lao rẻ mạt, dân sản xuất hưởng lợi nhuận kếch sù

15:30 | 28/10/2019
Chia sẻ
Buôn bán tóc tự nhiên là một phân khúc lớn trong ngành công nghiệp tóc toàn cầu. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực nghèo đói của Đông Nam Á, nạn khai thác tóc của phụ nữ nghèo rất đáng báo động.

Buôn bán tóc tự nhiên - ngành kinh doanh triệu USD

Tóc nối đã trở thành một phân khúc quan trọng trong ngành công nghiệp tóc trị giá hàng tỉ USD, với doanh số thường niên ước tính từ 250 triệu USD đến hơn 1 tỉ USD.

Dựa theo báo cáo Nghiên cứu và Thị trường năm 2018, thị trường tóc giả và tóc nối được dự đoán sẽ đạt doanh thu hơn 10 tỉ USD vào năm 2023.

Tóc người tự nhiên có giá trị thương mại cao. Nhu cầu tóc tự nhiên trên thị trường quốc tế rất lớn. Người ta dùng tóc để sản xuất tóc giả và tóc nối. Theo báo cáo của Observatory Economic Complexity (OEC), tổng giá trị tóc xuất khẩu toàn cầu năm 2017 là 126 triệu USD.

Trong đó, châu Á xuất khẩu một giá trị tương đương 72,4 triệu USD, chiếm 58% tổng thương mại toàn cầu của mặt hàng "lạ" này.

middle_part_bob_wig_2

Một bộ tóc giả từ tóc thật của người. Ảnh: Getty Images

Theo The Asean Post, buôn bán tóc tự nhiên là một ngành kinh doanh có lợi nhuận. Ở Ấn Độ, 10% lợi nhuận của ngôi đền Tirupati Balaji đến từ việc bán đấu giá tóc tự nhiên được các tín đồ tặng cho đền. Trung bình, Tirupati Balaji có thể kiếm từ 25 - 40 triệu USD/năm từ kinh doanh tóc.

Ở Đông Nam Á, tóc dài được xem là một dấu ấn đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ, với ý nghĩa tôn giáo và xã hội sâu sắc. Tại Myanmar, buôn bán tóc là một ngành kinh doanh sinh lời với lợi nhuận 6,2 triệu USD trong năm 2017.

Tuy nhiên, trên khắp khu vực, buôn bán tóc tự nhiên không bị ràng buộc bởi luật pháp, điều đó có thể tạo điều kiện cho các thương nhân dùng nhiều mánh khóe để thu hoạch tóc.

Lợi dụng sự nghèo khó của người phụ nữ để khai thác tóc vô đạo đức

Mặc dù hầu hết thương hiệu đã chọn mua tóc từ Ấn Độ, nơi tóc được quyên góp cho các nghi lễ tôn giáo, thì ở Đông Nam Á, các thương nhân thường nhắm vào những khu vực nghèo khó để thu mua tóc từ dân lao động nghèo khổ.

Sự tuyệt vọng khiến họ dễ trở thành con mồi của những kẻ khai thác tóc. Sản phẩm tóc nối tại Mỹ thường có giá từ 500 - 2.000 USD, song chủ nhân của mái tóc có thể chỉ nhận về một phần nhỏ trong mức giá ấy.

Chẳng hạn, chị Nguyễn Thị Thủy cho biết mức giá cao nhất chị từng được đề nghị cho mái tóc là 70.000 đồng (tương đương 3 USD). Bà Pheng Sreyvy từ quận Ponhea Leu (Campuchia) lại nhận mức giá "nhỉnh" hơn một chút - 15 USD.

Ông Soeng Sen Karuna thuộc Hiệp hội Phát triển và Nhân quyền Campuchia, cho biết những người phụ nữ thường không biết cách mặc cả cho mái tóc của họ. 

"Họ quyết định bán tóc vì nghèo, và họ cũng không biết có thể bán với giá trên thị trường quốc tế ở đâu", ông Sen Karuna nói.

Người dân Campuchia vẫn đang vật lộn để kiếm sống và cho con cái đi học. Theo World Bank, 4,5 triệu người dân Campuchia là hộ cận nghèo, với 90% sống ở khu vực nông thôn.

Ông Sen Karuna nhận định: "Nếu tình trạng buôn bán tóc tiếp diễn, chính phủ nên nghĩ cho người dân. Chúng ta không nên cho phép hành vi khai thác tóc quá mức diễn ra".

Thật không may, cầu đang vượt cung. Giá trị cao của tóc tự nhiên đã khiến cho nạn trộm tóc tái diễn ở một số quốc gia. Một số công ty còn bán tóc giả đã qua xử lí hóa học hoặc sử dụng hỗn hợp tóc người với lông dê.

Buôn bán tóc có đạo đức và minh bạch nhen nhóm trong giới doanh nghiệp

Nhận thức về nạn khai thác tóc ngày càng tăng đã thúc đẩy nhiều công ty thu thập tóc từ các nguồn cung ứng minh bạch và đạo đức hơn.

Công ty Arjuni của bà Janice Wilson giao dịch trực tiếp với khách hàng, loại bỏ chi phí gia tăng của thương lái trung gian.

Bà Wilson thuê những người phụ nữ từng là nạn nhân bị buôn người và dạy họ cách sản xuất tóc thu thập được, thậm chí còn dạy thêm toán và tiếng Anh để họ có cơ hội trở thành nhà quản lí.

Một startup khác cũng giúp thúc đẩy nhận thức trong ngành tóc chính là Remy New York của ông Dan Choi. Để đảm bảo tính minh bạch, công ty cho phép các bên thứ ba theo dõi chuỗi cung ứng và liên lạc với nhóm phụ nữ cần bán tóc.

Ngoài ra, Remy New York còn đề xuất mức giá cao hơn, từ 65 - 200 USD. Sau khi nhất trí về mức giá, ông Choi sẽ tự cắt tóc của người bán. Tại Việt Nam, ông Choi đã mua tóc của chị  Thủy với giá 100 USD, đủ cho chi mua con giống trang trải cuộc sống trong vài năm tới.

Mặc dù buôn bán tóc tự nhiên giúp nhiều cộng đồng có thêm thu nhập và cơ hội, hoạt động khai thác vô đạo đức phải dừng lại. Qui định và thương mại công bằng sẽ trao quyền cho phụ nữ phát triển trong ngành này.

Khả Nhân