|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kết quả kinh doanh 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất: Phân hóa mạnh, không khởi sắc như diễn biến thị trường

19:30 | 23/07/2023
Chia sẻ
Khác với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, ngành chứng khoán không ghi nhận kết quả kinh doanh quý II khả quan so với cùng kỳ năm trước. Trong Top10 thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE quý II, chỉ có 4 đơn vị ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.

Quý II khép lại với việc VN-Index, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán (TTCK), tăng hơn 5% so với cuối quý I. Thị trường đã sôi động trở lại, khối lượng giao dịch bình quân sàn HOSE đạt khoảng 11.700 tỷ đồng mỗi phiên, qua đó chặn đứng đà giảm thanh khoản 5 quý liên tiếp (kể từ quý I/2022-quý I/2023).

Số lượng tài khoản mở mới sau khi chạm đáy 23.000 đơn vị vào tháng 4 đã bật tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6 với tổng cộng khoảng 250.000 đơn vị, nâng tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước lên mức 7,2 triệu đơn vị.

Diễn biến giá và khối lượng VN-Index theo tháng. (Biểu đồ: FireAnt).

Tuy nhiên trong bối cảnh đó, một số công ty chứng khoán vẫn ghi nhận tình hình kinh doanh quý II giảm so với cùng kỳ năm trước, với lý do tình hình tài chính chung còn khó khăn, giảm doanh thu hoạt động môi giới hay còn thận trọng đối với hoạt động tự doanh,...

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam ghi nhận doanh thu quý II đạt 607 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đóng góp 55,5% tổng doanh thu là lãi từ các khoản cho vay và phải thu 336,7 tỷ đồng, giảm 3,5%; tiếp đến là doanh thu môi giới chứng khoán 136 tỷ đồng, giảm 20%; lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) 26 tỷ đồng, giảm 57%. Trong khi đó, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 88% lên 99 tỷ đồng.

Ngược chiều với doanh thu, chi phí hoạt động quý II tăng 3% lên 399 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay, lỗ từ các khoản cho vay và phải thu chiếm gần 63% tổng chi phí, đạt 251 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 87,4% xuống còn 10 tỷ đồng. Kết quả, Mirae Asset lãi sau thuế 136 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, lãi sau thuế ghi nhận 264,5 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.

Đa phần các mảng kinh doanh của Chứng khoán Techcom (TCBS) đều đi xuống trong quý II, trong đó nghiệp vụ cho vay đem lại nguồn thu cao nhất với 398 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động môi giới có doanh thu giảm 50%, nguồn thu từ hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán giảm 33,9%, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 36%. Chiều ngược lại, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) gấp 3,6 lần cùng kỳ lên hơn 101 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động khác cũng tăng mạnh từ 0,6 tỷ đồng kỳ trước lên 25 tỷ đồng kỳ này.

Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động giảm 20% so với quý II/2022 xuống còn gần 177 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ FVTPL gấp 5 lần cùng kỳ lên mức 54 tỷ đồng. Kết quả, TCBS báo lãi sau thuế 442 tỷ đồng, thấp hơn 34% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 2.015 tỷ đồng, giảm 34% so với 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế giảm 50% còn 1.000 tỷ đồng.

Đơn vị dẫn đầu thị phần môi giới toàn thị trường là Chứng khoán VPS cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm. Doanh thu hoạt động quý II giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm trước về mức 1.557 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 37% còn 594 tỷ đồng.

Với sự đi lùi đáng kể của tự doanh, mảng môi giới trở thành nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất quý II với 613 tỷ đồng, dù vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm hơn 13% về 279 tỷ đồng. Ở chiều tích cực, doanh thu lưu ký gấp 3,4 lần lên gần 46 tỷ đồng. Khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận giảm 32% về 626 tỷ đồng. Công ty kết thúc quý II với lãi trước thuế 111 tỷ đồng và lãi sau thuế 83 tỷ đồng, giảm lần lượt 60% và 63% so với cùng kỳ năm trước.

Giai đoạn 6 tháng đầu năm, VPS có doanh thu hoạt động 2.919 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu này giảm lần lượt 38% và 57%.

 

Nhóm doanh nghiệp vốn lớn ghi nhận sự phân hóa. Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) cho biết trong quý II, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân chính làm cho doanh thu môi giới của công ty giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, với nhận định tình hình kinh tế cần thêm nhiều thời gian để phục hồi, công ty khá thận trọng đối với hoạt động tự doanh, dẫn đến doanh thu mảng này giảm.

Vietcap khép lại quý II với doanh thu 501 tỷ đồng và lãi sau thuế 117 tỷ đồng, giảm lần lượt 52% và 61% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu ghi nhận 1.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 190 tỷ, giảm lần lượt 46% và 74% so với cùng kỳ 2022.

Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) cho biết trong quý II vừa qua, doanh thu hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và hoạt động môi giới chứng khoán đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do là tác động tiêu cực của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Theo đó, VNDirect báo kết quả quý II với doanh thu 1.587 tỷ đồng và lãi sau thuế 421 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 20%. Giai đoạn bán niên, doanh thu ghi nhận 2.878 tỷ và lãi sau thuế 561 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 56% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính quý II của Chứng khoán VPBank (VPBankS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 477 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL đạt 328 tỷ đồng, gấp 4,1 lần; lãi từ các khoản cho vay và phải thu 115 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Các mảng môi giới, tư vấn tài chính hay lưu ký chứng khoán cũng đều ghi nhận doanh thu gia tăng đáng kể.

Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 25% so với quý II năm trước lên trên 42 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí cho nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Trong khi đó, khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL thu hẹp 58%. VPBankS báo lãi sau thuế 314 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ quý II năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 884 tỷ đồng và lãi sau thuế 573 tỷ đồng, gấp lần lượt 5,4 lần và 7,7 lần so với nền thấp của cùng kỳ năm 2022.

Chứng khoán SSI (Mã: SSI) hiện là đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất ngành với 15.011 tỷ đồng (VPBankS: 15.000 tỷ đồng, VNDirect: 12.178 tỷ đồng). Doanh thu quý II của SSI đạt gần 1.575 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu doanh thu hoạt động, lãi từ các tài sản tài FVTPL chiếm tỷ trọng cao nhất, với gần 692 tỷ đồng. Mảng cho vay và môi giới chứng khoán lần lượt đem lại doanh thu 360,2 tỷ đồng và 335,8 tỷ đồng.

SSI báo lãi sau thuế quý II đạt 525 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Theo dõi từng quý, mức lợi nhuận trong quý II/2023 của SSI hiện cao nhất trong 5 quý trở lại, trong khi đó doanh thu cao nhất trong 4 quý.

 

Quan sát bức tranh chung ngành chứng khoán trong quý II, số lượng đơn vị báo lãi giảm vẫn chiếm áp đảo. Như trong Top10 thị phần môi giới HOSE quý II, 6 đơn vị giảm lãi và chỉ có 4 đơn vị báo lãi tăng trưởng, gồm SSI (tăng 26%), Chứng khoán MB (Mã: MBS) (tăng 3%), Chứng khoán FPT (FPTS) (tăng 87%) và Chứng khoán KIS Việt Nam chuyển lỗ sang lãi 105 tỷ đồng.

Trường hợp FPTS, kết quả đi lên chủ yếu do việc đánh giá lại khoản đầu tư chủ lực là cổ phiếu May Sông Hồng (Mã: MSH) với chênh lệch tuyệt đối tăng hơn 100 tỷ đồng.

Đối với KIS, công ty ghi nhận doanh thu vẫn giảm 54% nhưng chi phí hoạt động quý II thu hẹp đến 73% so với cùng kỳ năm trước, phần nhiều do lỗ từ các tài sản tài chính và lỗ từ các tài sản tài chính phái sinh phòng ngừa rủi ro giảm mạnh. Lãi sau thuế đạt trên 105 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 38 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động giảm 39% nhưng nhờ giảm 52% chi phí, lãi sau thuế vẫn tăng 83% so với cùng kỳ lên 184 tỷ đồng. 

Tuy so với cùng kỳ năm trước chưa có nhiều tín hiệu tăng, tình hình kinh doanh ngành chứng khoán quý II đã khởi sắc hơn quý I/2023. Trong bối cảnh môi trường lãi suất có xu hướng giảm, TTCK tăng sức hút trở lại, nền kinh tế chung dần hồi phục, cùng với đó là nền so sánh thấp của quý III/2022, kỳ vọng các công ty chứng khoán sẽ có kết quả tăng trưởng khả quan hơn trong quý III.

Xuân Nghĩa

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.