Chứng khoán Vietcap báo lãi bán niên giảm hơn 70%, còn cách xa mục tiêu 1.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính quý II, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 76% về 101 tỷ đồng; lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 6% còn 169 tỷ đồng, doanh thu môi giới cũng thu hẹp 55% so với cùng kỳ năm trước về mức 140 tỷ đồng. Tổng doanh thu hoạt động giảm 52% về mức 501 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ gần 141 tỷ đồng, giảm 73% do giảm 89% khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL, chỉ ghi nhận 36 tỷ đồng.
Vietcap khép lại quý II với kết quả lãi sau thuế 117 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty có doanh thu hoạt động 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 190 tỷ đồng, giảm lần lượt 46% và 74% so với cùng kỳ năm trước.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua kế hoạch lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, đơn vị mới thực hiện 21% chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với để hoàn thành kế hoạch, công ty cần có lãi trước thuế tối thiểu 790 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm.
Cũng tại đại hội, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Vietcap, đánh giá kế hoạch nêu trên khá tham vọng và không dễ để hoàn thành khi tình hình thị trường khó lường, mảng môi giới gặp cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán khác. Mặt khác, cổ đông cũng đã chấp thuận việc đổi tên thương hiệu đơn vị thành Vietcap.
Đến thời điểm 30/6, công ty đang sở hữu tổng tài sản đạt 14.520 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 44% về 1.903 tỷ đồng.
Vietcap thường xuyên nắm giữ danh mục tự doanh lớn nhất trong số các công ty chứng khoán, tập trung ở khoản tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).
Cụ thể, giá trị tài sản AFS cuối kỳ đạt 5.893 tỷ đồng, tăng 18% tương ứng với tăng 918 tỷ đồng so với cuối quý I. Trong khi đó, tài sản tài chính FVTPL đạt 557 tỷ đồng và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 471 tỷ đồng, giảm lần lượt 21% và 47% sau một quý. Cùng với thị trường khoản khởi sắc trong quý II, nhiều khoản đầu tư cổ phiếu của Vietcap đã gia tăng lãi so với cuối quý I. Một số cổ phiếu đang chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục cổ phiếu kể đến như: IDP (2.652 tỷ đồng), KDH (864 tỷ đồng), MSN (242 tỷ đồng),... Trong khi đó công ty hạ giá trị đầu tư vào MWG từ 91 tỷ còn 40 tỷ đồng (giảm 56%).
Vietcap đang cho vay margin số tiền 5.295 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối quý I và tăng 7% so với đầu năm. Nợ phải trả tại thời điểm 30/6 là 1.7149 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Thu hẹp nợ chủ yếu do khoản trái phiếu phát hành chỉ còn 120 tỷ đồng, giảm 78% so với đầu năm. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả tăng 84% lên mức 477 tỷ đồng.