|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VPS: Lãi quý II giảm trên 60%, dư nợ cho vay margin lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng

22:09 | 21/07/2023
Chia sẻ
Chứng khoán VPS ghi nhận đa số các mảng doanh thu trong quý II đều giảm hai chữ số so với cùng kỳ, theo đó kéo lãi giảm trên 60%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, doanh thu hoạt động của VPS giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm trước về mức 1.557 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 37% còn 594 tỷ đồng.

Với sự đi lùi đáng kể của tự doanh, mảng môi giới trở thành nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất quý II với 613 tỷ đồng, dù vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm hơn 13% về 279 tỷ đồng. Ở chiều tích cực, doanh thu lưu ký gấp 3,4 lần lên gần 46 tỷ đồng.

Khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận giảm 32% về 626 tỷ đồng. Công ty kết thúc quý II với lãi trước thuế 111 tỷ đồng và lãi sau thuế 83 tỷ đồng, giảm lần lượt 60% và 63% so với cùng kỳ năm trước.

 

Giai đoạn 6 tháng đầu năm, VPS có doanh thu hoạt động 2.919 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu này giảm lần lượt 38% và 57%.

Tại thời điểm 30/6, VPS ghi nhận giá trị tài sản tài chính FVTPL đạt gần 9.557 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối quý I. Phần lớn danh mục tự doanh nằm vẫn nằm ở công cụ thị trường tiền tệ với giá trị 7.850 tỷ đồng, giảm 11%. Công ty đã tăng hơn 1.580 tỷ đồng trái phiếu đầu tư, tức gấp 21 lần thời điểm cuối quý I, lên trên 1.660 tỷ đồng. Ngoài ra, VPS phát sinh khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng với kỳ hạn 3 tháng, ghi nhận ở khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).

VPS vẫn đang duy trì là đơn vị dẫn đầu thị phần chứng khoán trong năm nay. Thậm chí, công ty đã lập kỷ lục về thị phần môi giới sàn HOSE trong quý II vừa qua với 19,1%. Nếu so sánh với quý I, doanh thu môi giới của VPS đã tăng 50%, lãi từ cho vay margin cũng tăng 35%, cho thấy sự cải thiện về doanh thu. Tuy nhiên, lãi quý II vẫn thấp hơn quý đầu năm.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán đã lập kỷ lục (riêng VPS) tại 30/6 với 10.758 tỷ đồng, trong đó 95% là cho vay margin, tương ứng với 10.215 tỷ đồng. Con số dư nợ margin này cao hơn cả giai đoạn cuối 2021 đến đầu năm 2022 lúc thị trường chứng khoán bùng nổ, VN-Index hướng lên vùng 1.400-1.500 điểm (dư nợ margin chưa đến 9.000 tỷ đồng).

 

 

Xuân Nghĩa

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.