Kenya tụt lại sau Uganda, Ethiopia trong sản xuất cà phê
Ảnh minh họa
Gần hai thập kỉ trước, ngành cà phê ở Kenya đã đạt được những thành tựu đáng ấn tượng. Sản lượng đạt yêu cầu, giá tăng cao và thu nhập của người nông dân ổn định.
Kenya là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các nước trồng cà phê chính ở miền Đông châu Phi gồm Uganda, Ethiopia và Tanzania. Theo thống kê của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tính đến năm 1990, sản lượng cà phê của Kenya ngang bằng với sản lượng của Uganda và Ethiopia.
Tuy nhiên hiện nay ngành cà phê Kenya đang trong tình trạng hỗn loạn, bị lu mờ bởi các đối thủ trong khu vực. Sản lượng cà phê giảm mạnh trong khi thu nhập của nông dân thấp hơn và không còn dự đoán được nữa.
Kể từ đầu những năm 1990 đến niên vụ 2010 - 2011, diện tích trồng cà phê ở Kenya đã giảm 35% từ 170.000 ha xuống 109.795 ha và sản lượng giảm từ 130.000 tấn trong năm 1988 xuống còn 45.000 tấn trong niên vụ trước (2016 - 2017) do người nông dân từ bỏ vụ mùa.
Nguồn: ICO
Ngược lại, năm 2017, Uganda đã sản xuất 5,2 triệu tấn cà phê và xuất khẩu 4,6 triệu bao khối lượng 60kg, mang lại cho nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu châu Phi đồng thời là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này mức lợi nhuận kỉ lục lên tới 544 triệu USD. Tất cả là nhờ ngành cà phê nước này được đầu tư sâu hơn và chương trình trồng lại cà phê do Cơ quan phát triển cà phê Uganda (UCDA) triển khai.
Tại Ethiopia, sản lượng cà phê năm 2018 - 2019 dự kiến sẽ không thay đổi nhiều so với năm trước, ở mức 7,1 triệu bao 60 kg (426.000 tấn) trong khi sản lượng xuất khẩu được dự đoán duy trì ở mức kỉ lục 3,98 triệu bao (239.000 tấn).
Nhiều nông dân ở Kenya đã bỏ canh tác cà phê và chuyển sang các loại cây trồng có hiệu quả tốt hơn như bơ.
Các dự án bất động sản cũng đã xóa sổ việc trồng cà phê ở những vùng đất rộng lớn, xu hướng này dự kiến sẽ xấu đi trong những năm tới khi người nông dân tìm kiếm nguồn thu nhập thay thế tốt hơn.
Diện tích trồng cà phê đã giảm đáng kể từ 170.000 ha năm 1998 xuống mức thấp nhất 107.000 ha trong năm 2010. Hiện tại con số này là 115.000 ha
Vụ mùa ngày càng trở nên tồi tệ ở Kenya, ước tính của Tổng cục Cà phê quốc gia này cho thấy năng suất cây trông của người nông dân hiện là 2 kg/cây so với tiêu chuẩn từ 10kg/cây trở lên.
Giám đốc Tổng cục cà phê, bà Isabella Nkonge cho rằng do đầu tư kém dẫn đến việc năng suất cây trồng giảm ở Kenya, không giống như các đối thủ trong khu vực.
"Ví dụ, chính phủ Ugandan đã đầu tư rất nhiều việc trong lĩnh vực cà phê, từ việc cung cấp cây giống cho người nông dân thậm chí trồng giúp họ tại một số điểm. Tất cả những điều này đảm bảo cho sản lượng cà phê Uganda duy trì ở mức cao".
Nguồn: KNBS
Những thành phần trong ngành cà phê cho rằng do sự thông đồng của các nhà quản lí, nhà sản xuất, thương nhân và nhà môi giới nhằm giữ giá cà phê giảm ngay cả khi các sản phẩm cao cấp có giá cao trên thị trường quốc tế.
Trong nỗ lực giảm tình trạng ngột ngạt của giá, năm 2016 một nhóm người đã đề xuất tăng doanh số bán cà phê trực tiếp từ 10% hiện tại lên 30%, quảng bá loại cà phê đặc sản và chuyển đổi Sàn giao dịch cà phê Nairobi (NCE) thành một công ty TNHH đại chúng.
Người nông dân có thể chọn bán cà phê trực tiếp cho khách hàng quốc tế hoặc kí hợp đồng ủy quyền cho các đại lí tiếp thị bán thông qua các cuộc đấu giá hàng tuần tại NCE.
Hiện tại, 90% cà phê Kenya được giao dịch tại NCE trước khi tiếp cận thị trường xuất khẩu và chỉ 10% được bán trực tiếp trên thị trường quốc tế.
Điều này trái ngược hoàn toàn với Uganda với hơn 95% sản lượng cà phê được xuất khẩu thông qua bán hàng trực tiếp bởi hơn 30 công ty. Tuy nhiên, 10 công ty kiểm soát hơn 80% thị trường. Italy, Đức và Bỉ vẫn là những điểm đến hàng đầu cho cà phê xuất khẩu của Uganda.
Nguồn: Business Daily
"Phần lớn cà phê Uganda được xuất khẩu sang các thị trường bên ngoài Cộng đồng Đông Phi, cà phê Robusta được dùng để chế biến tại nhà máy cà phê hòa tan ở nước láng giềng Tanzania và được đóng gói để phân phối tại các thị trường địa phương và khu vực", Cơ quan phát triển cà phê Uganda cho biết.
Các bên liên quan trong ngành cho rằng việc thiếu thị trường trực tiếp đã không mang lại cho nông dân thu nhập ổn định và buộc họ phải bán vụ mùa trên sàn giao dịch NCE.
Nhiều kiến nghị đưa ra nhằm thành lập Đơn vị lưu kí trung tâm, đây sẽ là một khối xây dựng theo hướng chuyển đổi NCE sang trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, ngành cà phê Kenya đang quay cuồng vì nợ nần. Theo báo cáo năm 2017 của Lực lượng cải cách ngành cà phê quốc gia, tổng số tiền mà người nông dân nợ các công đoàn, hợp tác xã và tổ chức tính dụng lên tới 4,78 tỉ shilling.
Trong năm tài chính 2016 - 2017, chính phủ Kenya đã thanh toán 4 tỉ shilling, số dư còn lại là 784 triệu shilling.
Ngoài ra, nông dân còn nợ quĩ Stabex khoản tiền lên tới 1,7 tỉ USD vay từ Liên minh châu Âu và được quản lí thông qua Ngân hàng Hợp tác xã Kenya (tiền lãi tích lũy từ quỹ Stabex là 700 triệu shilling).