|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng chế biến sâu để nâng cao giá trị cà phê

14:40 | 05/03/2019
Chia sẻ
Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực, mang về ngoại tệ lớn cho tỉnh, nhưng lượng cà phê chế biến sâu vẫn còn khiêm tốn. Với những lợi thế sẵn có thì việc thúc đẩy công nghiệp chế biến sẽ nâng cao giá trị, khẳng định vị thế cho mặt hàng này.


Theo thống kê, trên diện tích hơn 200.000 ha, mỗi năm cà phê của tỉnh cho sản lượng khoảng 460.000 tấn. Mặt hàng này cũng giúp tỉnh thu về nguồn ngoại tệ đáng kể. Chỉ tính riêng niên vụ cà phê 2017 - 2018, xuất khẩu cà phê đạt 191.169 tấn, chiếm tỷ trọng 10,65% sản lượng của cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 365 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,47% tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.

Hiện trên địa bàn có 301 cơ sở chế biến cà phê, tăng 41 cơ sở so với niên vụ 2016 - 2017; trong đó, có 204 cơ sở chế biến cà phê bột, 95 cơ sở chế biến cà phê nhân và 2 cơ sở chế biến cà phê hòa tan (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái và Công ty TNHH Cà phê Ngon). Cà phê chế biến của tỉnh đã được xuất đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng, như các sản phẩm của Trung Nguyên, An Thái, G20… Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vifoca), cà phê chế biến, cụ thể là cà phê hòa tan đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và được dự báo sẽ còn tăng trưởng rất tốt trong nhiều năm tới. Theo các chuyên gia, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng tốt nhất (thêm từ 70 - 100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân).

Tăng chế biến sâu để nâng cao giá trị cà phê - Ảnh 1.

Rang xay cà phê xuất khẩu tại xưởng chế biến của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.


Trên thực tế, cà phê chế biến dù mang lại giá trị lớn và có nhu cầu tiêu dùng cao, tuy nhiên lâu nay trên địa bàn tỉnh, cà phê chế biến sâu vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng sản lượng cà phê xuất khẩu và chưa đem lại giá trị gia tăng tương xứng cho ngành cà phê Đắk Lắk. Cà phê dù đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, với tỷ trọng chiếm khoảng 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh, nhưng xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê nhân. Đơn cử như trong niên vụ 2017 - 2018, cà phê hòa tan xuất khẩu chỉ đạt 4.330 tấn, chiếm tỷ lệ 2,27% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 26,877 triệu USD, chiếm 7,36% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh. Hơn nữa, việc xuất khẩu phần đa dưới dạng thô do công nghệ chế biến còn lạc hậu; mẫu mã chưa hấp dẫn... dẫn đến cạnh tranh kém, chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường thế giới, dễ bị ép giá trên thị trường.

Để khắc phục điều này, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã có nhiều cố gắng trong việc mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị, đẩy mạnh sản xuất, chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, chế biến cà phê trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế như: hầu hết cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ của các DN còn lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Số cơ sở chế biến quy mô lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại còn ít, chỉ có từ 4 - 5 DN; hàng hóa chưa đa dạng, chất lượng chưa thật sự cao và sức cạnh tranh còn hạn chế...

Tăng chế biến sâu để nâng cao giá trị cà phê - Ảnh 2.

Rõ ràng, muốn nông nghiệp phát triển bền vững thì phải phát triển mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản, nhất là trong giai đoạn ngành cà phê đang tiến vào kỳ cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay. Những năm qua, lĩnh vực chế biến cà phê của tỉnh cũng đã chứng kiến sự quan tâm, hợp tác và đầu tư tích cực của các DN. Tính đến nay, tỉnh đã thu hút được 20 dự án đầu tư vào ngành chế biến cà phê, với tổng vốn đầu tư 3.469,6 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án đã đi vào hoạt động. Xác định con đường tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm chỉ có thể là đầu tư vào chế biến sâu, DN của tỉnh cũng đã năng động, có những bước chuyển mình tích cực, quan tâm đầu tư vào chế biến, có nhiều cố gắng trong việc đẩy mạnh sản xuất cà phê bột và cà phê hòa tan, song vẫn còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho mặt hàng cà phê địa phương, quan điểm của tỉnh là sẽ tập trung đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, cùng với sự chủ động của DN, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở sẽ tăng cường mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu (chế biến tinh) tại Việt Nam (như Nestlé, Vinacafé Biên Hòa, NutiFood, Starbucks, Highland Coffee, Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe...) đầu tư vào Đắk Lắk thông qua các hình thức như: Hội nghị, hội thảo chuyên đề; tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê, nhất là sản phẩm cà phê có Chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột". Bên cạnh đó, tích cực cung cấp thông tin, hỗ trợ DN về thị trường xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhất là các thị trường mà hiện nay Đắk Lắk chưa xuất khẩu…

Đỗ Lan