|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cà phê Việt: Loay hoay với 'lượng' và 'chất'

14:17 | 03/03/2019
Chia sẻ
Ngành cà phê Việt Nam được yêu cầu phải giữ vững vị trí thứ 2 thế giới về XK và sản lượng, phấn đấu đạt giá trị kim ngạch 6 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, thực tế không mấy lạc quan khi liên tiếp những năm gần đây và ngay trong niên vụ cà phê 2019 này, giá cà phê liên tục giảm.


Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Trong 10 ngày giữa tháng 2/2019, giá cà phê Robusta nhân xô trong nước giảm theo giá cà phê toàn cầu. So với ngày 9/2/2019, giá cà phê Robuta nhân xô giảm từ 0,9 - 1,5%. Ngày 18/2/2019, giá cà phê Robusta nhân xô thấp nhất là 32.700 đồng/kg tại các huyện Di Linh và Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng); mức cao nhất là 33.400 đồng/kg tại huyện Cư Mgar tỉnh Đăk Lăk. So với cùng kỳ năm 2016, mức giá này đã giảm gần 10.000 đồng/kg. Các chuyên gia phân tích, với áp lực bán ra từ thu hoạch cà phê niên vụ mới trong bối cảnh sức mua yếu từ các thương nhân, nhà đầu cơ… giá cà phê Việt Nam sẽ khó có thể cải thiện.

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam - nhận định: Việt Nam có 640 nghìn hộ trồng cà phê và rất nhiều các đại lý thu mua cà phê. Tuy nhiên, các đại lý thu mua này chủ yếu kinh doanh đơn thuần chứ không chú ý nhiều đến chất lượng. Việc sơ chế, bảo quản sau thu hoạch của người nông dân khi vào vụ thu hoạch cũng có "vấn đề". Ở khâu chế biến, ngành cà phê Việt Nam vẫn đang loay hoay với bài toán tìm giải pháp nâng tỷ lệ cà phê chế biến sâu.

Cà phê Việt: Loay hoay với lượng và chất - Ảnh 1.

Cần chú trọng ngay từ khâu sơ chế cà phê

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, XK cà phê của Việt Nam tháng 1/2019 đạt 183,7 nghìn tấn, trị giá 324,24 triệu USD, tăng 19,4% về lượng và 17,6% về trị giá so với tháng 12/2018, nhưng giảm 15,1% về lượng và 22,7% về trị giá so với tháng 1/2018. Giá XK bình quân mặt hàng cà phê tháng 1/2019 đạt mức 1.765 USD/tấn, giảm 1,5% so với tháng 12/2018 và giảm 9,6% so với tháng 1/2018. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, 6 tháng đầu năm 2019, XK cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cà phê toàn cầu ở mức thấp; lượng cà phê XK có khả năng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do sản lượng giảm. Bên cạnh đó, thị trường cà phê toàn cầu vẫn chịu áp lực dư cung, kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng sẽ có tác động nhất định đến nhu cầu tiêu thụ cà phê.Mỗi năm thế giới chi khoảng 500 tỷ USD cho tiêu dùng cà phê nhưng doanh thu từ XK cà phê của Việt Nam mới ở mức 3,4 tỷ USD. Như vậy, miếng bánh thị phần cà phê thế giới mà Việt Nam đang có còn rất nhỏ, trong khi lượng XK lớn thứ hai thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, để nâng cao giá trị mặt hàng cà phê XK, ngành cà phê Việt Nam cần có sự chuyển đổi về cơ cấu mặt hàng, gia tăng XK chủng loại cà phê chế biến thay vì XK cà phê thô như hiện nay.

Ông Jack Scoville - Phó Chủ tịch Tập đoàn Price Futures (Mỹ) - nêu quan điểm: Việt Nam mới tập trung vào số lượng, nhưng chất lượng chưa được tập trung. Bên cạnh đó, cần có chiến lược marketing để nâng cao thương hiệu và vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Rõ ràng, để thay đổi thực trạng là một nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam chỉ thu được 10% trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu thì không chỉ cần điều chỉnh lại cơ cấu ngành hàng cà phê, mà ngay từ khâu thu hái, sơ chế cũng còn rất nhiều bất cập phải tháo gỡ.

Hiện, sản lượng cà phê nhân XK vẫn chiếm tới hơn 92%, sản lượng cà phê hòa tan XK đạt khoảng 6% và cà phê rang xay XK chỉ đạt khoảng 1%.

Nguyễn Hạnh