Kẻ mạnh càng thêm mạnh sau đại dịch
Vào đầu tháng 4, chuyên gia kinh tế Bharat Ramamurti nhận được cuộc gọi từ Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Chuck Schumer, thông báo rằng ông đã được lựa chọn làm thành viên đầu tiên của Ủy ban Giám sát của Quốc hội. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm giám sát hàng nghìn tỉ USD để giải cứu nước Mỹ khỏi khủng hoảng COVID-19.
Công việc mới của ông Ramamurti ban đầu khá là cô đơn. Không những phải làm việc tại nhà ở Washington, phải đến vài tuần sau khi được bổ nhiệm, ông vẫn là thành viên duy nhất trong một ủy ban chịu trách nhiệm theo dõi hàng nghìn tỉ USD tiền thuế của dân.
Trong quá trình làm việc, ông Ramamurti ngày càng trở nên lo sợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị "nghiền nát" bởi COVID-19, trong khi đó các doanh nghiệp lớn thì lại vác về cả một đống tiền.
Theo NPR, tình hình tài chính khó khăn khiến nhiều người Mỹ cắt giảm mua sắm hàng hóa từ những doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, tiền của khách hàng càng ngày càng chảy vào túi những doanh nghiệp lớn như Amazon, Facebook và Google.
Đây là lí do vì sao cựu CEO Eric Schmidt của Google dự đoán rằng đại dịch COVID-19 sẽ giúp những tập đoàn công nghệ khổng lồ càng trở nên lớn mạnh.
Nhờ vào lượng tiền mặt lớn, các kế toán chuyên nghiệp, đội ngũ pháp lí đông đảo và khả năng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, các tập đoàn khổng lồ dễ dàng vượt qua cú sốc kinh tế hơn là các cửa hàng địa phương hay những công ty sản xuất nhỏ.
Quốc hội Mỹ đã cố gắng giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ. Chương trình Bảo vệ Tiền lương mới cấp cho doanh nghiệp nhỏ khoản vay để trang trải đủ chi phí hoạt động trong hai tháng. Chương trình này được coi là khá hào phóng, doanh nghiệp nào không sa thải nhân viên sẽ không cần phải trả lại tiền cho chính phủ.
Quốc hội đã cấp 659 tỉ USD để tài trợ Chương trình Bảo vệ Tiền lương, nhưng các nhà quan sát cho rằng số tiền này vẫn không đủ để giảm bớt áp lực kinh tế đang đè nặng lên doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc.
Mặc khác, các doanh nghiệp lớn lại vay tiền không giới hạn từ Cục Dự trữ liên bang (Fed). Hợp tác cùng với Bộ Tài chính, Fed hứa hẹn sẽ mua hàng nghìn tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi các doanh nghiệp nhỏ phải cạnh tranh lẫn nhau để giành được một mẩu nhỏ của miếng bánh cứu trợ, doanh nghiệp lớn lại được chạm vào cỗ máy in tiền không giới hạn của Fed. Ông Ramamurti tin rằng điều này là bất công.
Ngoài ra, chương trình mua trái phiếu của Fed cũng không kèm theo các điều kiện ràng buộc như giới hạn lương thưởng của quản lí cấp cao, cấm mua cổ phiếu quĩ hoặc giữ nhân viên trong biên chế. Còn doanh nghiệp nhỏ thì không được sa phép thải người lao động nếu muốn nhận được tiền hỗ trợ.
Dù ông Ramamurti không thích điều này, nhưng Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đã lên tiếng bênh vực sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.
Khác với các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc Fed mua trái phiếu không phải là cho vay trực tiếp. Và doanh nghiệp lớn sẽ phải hoàn trả số tiền này, khác với Chương trình Bảo vệ Tiền lương dành cho doanh nghiệp nhỏ.
Nhưng ông Ramamurti lo ngại rằng với việc thiếu vắng các điều kiện ràng buộc, các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ sẽ không thực hiện mục đích quan trọng nhất của gói cứu trợ.
"Tôi nghĩ lí do căn bản của việc dùng tiền thuế thu từ người dân để hỗ trợ doanh nghiệp lớn hiện nay là để đảm bảo họ không sa thải nhân viên", ông Ramamurti nói.
Ông Ramamurti lo rằng nếu không có các hạn chế đi kèm, doanh nghiệp sẽ sử dụng tiền vay để đẩy giá cổ phiếu, tăng chi trả cổ tức và trả các khoản tiền thưởng béo bở cho các giám đốc. Ông khẳng định: "Chúng ta không thể tin tưởng doanh nghiệp sẽ tự nguyện sử dụng tiền hỗ trợ cho mục đích đúng đắn" là hỗ trợ người lao động.
Chỉ với thông báo của Fed rằng cơ quan này sẽ cho doanh nghiệp vay hàng nghìn tỉ USD cũng đã đủ để khiến giá cổ phiếu nhảy vọt. Bất chấp sự sụp đổ tai hại của thị trường lao động – tỉ lệ thất nghiệp lên cao nhất trong lịch sử - chứng khoán Mỹ lại ghi nhận tháng tăng điểm mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỉ.
Cá lớn nuốt cá bé
Ông Ramamurti lo rằng sau khi khủng hoảng COVID-19 qua đi, các doanh nghiệp lớn sẽ càng mạnh mẽ hơn, còn doanh nghiệp nhỏ thì bị suy yếu. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp lớn sẽ ở vào vị thế tuyệt vời để mua lại những công ty nhỏ, chiếm thêm thị phần và ngày càng độc quyền hóa nền kinh tế.
Ông Ramamurti đặc biệt lo ngại về số phận các công ty qui mô vừa: "Họ nằm trong nhóm những nhà tuyển dụng lớn nhất nước Mỹ, và trong vài trường hợp, họ còn là những doanh nghiệp sáng tạo nhất. Rất nhiều hãng sản xuất có đầy đủ các tiêu chí này".
Với cách thiết kế của gói giải cứu kinh tế hiện nay, qui mô của những doanh nghiệp này quá lớn để được tham gia Chương trình Bảo vệ Tiền lương, nhưng lại quá nhỏ để phát hành trái phiếu để được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Fed. Nói tóm lại, doanh nghiệp cỡ vừa đang ở trong tình thế xấu nhất.
Ông Neil Barofsky, người từng là quan chức giám sát gói giải cứu Phố Wall của chính phủ Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cũng có lo lắng tương tự về gói giải cứu hiện tại.
"Thực tế là nếu bạn hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn nhất và bơm cho họ khối tiền rẻ, nhưng lại không có ưu đãi tương xứng dành cho các đối thủ nhỏ hơn, thì kẻ giàu lại càng giàu hơn, doanh nghiệp lớn lại càng lớn hơn", ông Barofsky nói.
Hiện tại, ông Ramamurti vẫn đang làm việc tại nhà. Dù Ủy ban Giám sát của Quốc hội đã có 4 thành viên, nhưng họ vẫn chưa bầu ra Chủ tịch, và thậm chí vẫn chưa tổ chức cuộc họp trực tuyến nào để "gặp mặt" nhau. Và trong lúc này, hàng nghìn tỉ USD đã bắt đầu chảy đi.