Kế hoạch sa thải nhân sự của Grab không phải 'con đường tắt' hướng tới mục tiêu có lãi
Thông tin siêu ứng dụng Grab có trụ sở tại Singapore cắt giảm 1.000 nhân sự, tương đương 11% tổng lực lượng lao động của doanh nghiệp, đến vào thời điểm ít ai ngờ, theo Tech in Asia.
Mặc dù công ty gọi xe và giao đồ công nghệ có trụ sở tại Singapore này không cung cấp thông tin chi tiết về thị trường hoặc bộ phận nào bị ảnh hưởng, song phía Tech in Asia hiểu rằng đợt sa thải này sẽ không loại trừ bất kỳ thị trường hay bộ phận nào.
Sau khi xem xét bài đăng trên LinkedIn của những nhân viên bị ảnh hưởng, tờ Tech In Asia cho biết phần lớn những người này đến từ các bộ phận như kỹ thuật, marketing và nhân sự. Trong khi đó, một trong những bộ phận chức năng bị ảnh hưởng trong đợt sa thải này của Grab là nghiên cứu người dùng, theo chia sẻ từ một nhân viên Grab với Tech in Asia. Những người đảm nhận vị trí nghiên cứu người dùng của Grab đa số ở Singapore và Mỹ.
Nguồn tin từ nhân viên này còn tiết lộ thêm rằng trong số những người không bị cắt giảm, đã có những người than thở rằng “một số người thực sự có năng lực và phẩm chất tốt đã bị ảnh hưởng” và mô tả tâm trạng chung của các nhân viên là “buồn bã”.
Theo Tech in Asia, các nhân viên Grab có lý do để tỏ ra buồn bã. Cụ thể, khi các công ty công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á khác như Sea Group (công ty mẹ Shopee) và GoTo Group (công ty mẹ Gojek) thực hiện nhiều đợt cắt giảm việc làm bắt đầu từ năm ngoái, Giám đốc vận hành (COO) của Grab Alex Hungate, từng cho biết vào tháng 9/2022 rằng siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore này sẽ không nằm trong số những công ty sa thải nhân sự hàng loạt.
Lãnh đạo của Grab nói thêm rằng công ty đã “rất cẩn thận và thận trọng” trong việc tuyển dụng và kết quả là Grab chưa đến mức “tuyệt vọng” đến nỗi phải ngừng tuyển dụng hoặc giảm số lượng nhân viên. Trước đó, phía Grab đã sa thải khoảng 5% tổng lực lượng lao động doanh nghiệp khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại khu vực Đông Nam Á.
Quan điểm không cắt giảm nhân viên của công ty đã được Anthony Tan, CEO kiêm đồng sáng lập của Grab, nhắc lại trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, vị CEO này tiết lộ rằng Grab đang tạm dừng tuyển dụng những vị trí không quan trọng và thực hiện đóng băng tiền lương cho các nhà quản lý cấp cao trong bối cảnh vẫn đang hướng tới mục tiêu có lãi.
Do đó, việc Grab sa thải số lượng nhân viên nhiều nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ngạc nhiên vì điều này đi ngược lại với những gì mà các lãnh đạo của công ty từng tuyên bố.
Sa thải nhân sự không phải là “con đường tắt dẫn đến lợi nhuận”
Sau khi thông tin sa thải nhân sự của Grab xuất hiện trên truyền thông, đã có nhiều ý kiến cho rằng siêu ứng dụng này đang thực hiện các bước để đạt được mục tiêu có lợi nhuận. Tuy nhiên, CEO Anthony Tan đã nhanh chóng bác bỏ những ý kiến như vậy, đồng thời nhấn mạnh đây không phải "lối tắt dẫn đến lợi nhuận" và dù có cắt giảm nhân sự hay không, Grab vẫn đang trên đà đạt trạng thái hòa vốn.
Thực tế, Grab vẫn đang đi đúng hướng trong việc cắt lỗ. Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Grab lỗ ròng 250 triệu USD, thu hẹp 43% so với khoản lỗ 435 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc điều hành Grab, ông Anthony Tan cho biết: “Trong quý I, chúng tôi đã báo cáo một loạt kết quả vững chắc khác, phản ánh sự tập trung có kỷ luật của chúng tôi để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận bền vững”.
Tổng doanh thu của tập đoàn đạt 525 triệu USD trong ba tháng đầu năm, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh gọi xe cốt lõi của Grab đã tăng 72% trong quý I so với cùng kỳ năm trước lên 194 triệu USD khi công ty tuyển dụng thêm tài xế trên toàn khu vực và hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu đi lại của khách du lịch sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong mảng kinh doanh giao hàng, phân khúc kinh doanh lớn nhất của công ty. Doanh thu từ mảng giao hàng của Grab trong ba tháng đầu năm 2023 đạt tổng cộng 275 triệu USD, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu là do việc mua chuỗi siêu thị cao cấp Jaya Grocer của Malaysia.
GMV cho phân khúc này là 2,34 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, giảm 9% so với một năm trước, thời điểm nhu cầu đặt hàng về nhà tăng cao bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Giá trị giao dịch đang chậm lại khi nhiều người quyết định ra khỏi nhà để tới các nhà hàng ăn uống thay vì gọi đồ về nhà sau đại dịch COVID-19.