Iraq đồng ý giảm sản lượng nhưng với mức thấp hơn chỉ tiêu của OPEC+
Các chuyên gia dầu mỏ của Iraq cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với 5 nhà sản xuất dầu lớn nhất phía nam với tổng mức cắt là 300.000 thùng/ngày.
Thỏa thuận này cũng sẽ hạ mức sản lượng của các nhà sản xuất độc lập khác, nâng tổng mức giảm của toàn Iraq thành khoảng 700.000 thùng/ngày.
Mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu Iraq theo hiệp định của OPEC+ là 1,06 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Vào tháng 4, OPEC+ đã đồng ý cắt sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, một mức giảm kỉ lục.
Việc các công ty dầu lớn từ chối cắt sản lượng sâu hơn nữa cho thấy khó khăn của Iraq trong việc thực hiện chính sách của OPEC+.
Hai quan chức cấp cao của Iraq đã tham gia đối thoại với các công ty nước ngoài cho biết họ phải đồng ý với thỏa thuận này để tránh phải trả một khoản phí cắt giảm sản lượng cho các công ty đó, theo Reuters.
"Tình huống nguy cấp"
Các công ty dầu khí nước ngoài như BP, Exxon Mobil Corp, Eni của Italy và Lukoil của Nga đang phát triển các mỏ dầu khổng lồ phía nam Iraq, hoạt động theo hợp đồng dịch vụ, được trả một khoản phí cố định cho sản lượng của họ và cũng được hưởng hoa hồng bằng dầu thô.
Loại hợp đồng này bảo vệ các công ty dầu mỏ khỏi sự sụt giá mạnh. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng Iraq đang sở hữu lượng dầu thô ít hơn, khiến lợi nhuận quốc gia bị sụt giảm.
Một quan chức cấp cao của Công ty Dầu mỏ Basra (BOC) cho biết: “Các công ty có thể chấp nhận cắt giảm khoảng 300.000 thùng/ngày, một mức giảm được coi là bình thường”.
Một quan chức khác của BOC cho biết: “Chúng tôi đang ở trong một tình huống nguy cấp khi chúng tôi không thể gây thêm áp lực cho các công ty nước ngoài và đồng thời, chúng tôi phải tôn trọng một yêu cầu rất khó thực hiện của OPEC.
Tuy nhiên, chúng tôi rất lạc quan rằng OPEC và các nhà sản xuất khác sẽ hiểu tình hình của Iraq khi chúng tôi họp mặt vào tháng tới.
Nguồn cung từ Iraq tới ít nhất một khách hàng châu Âu và hai khách hàng châu Á sẽ giảm vào tháng 6, vì quốc gia Trung Đông đã giảm một phần sản lượng, theo nguồn thạo tin.
Lượng dầu vận chuyển cho Tập đoàn Total tại châu Âu sẽ giảm hơn 25% trong tháng 6, còn Bharat Petroleum của Ấn Độ sẽ nhận ít đi khoảng 25%.
Công ty GS Caltex của Hàn Quốc cũng cho biết sẽ nhận được lượng dầu ít hơn từ Iraq trong tháng tới.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 6,8% lên 29,43 USD, tiến sát mốc 30 USD/thùng sau khi dữ liệu mới nhất chỉ ra hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,9% trong tháng 4 so với một năm trước, theo Investing.
Giá dầu WTI, duy trì ở mức thấp kể từ khi chạm đáy 12,34 USD vào ngày 28/8, tăng gần 140% chỉ sau hơn hai tuần.
Giá dầu Brent cũng tăng tới 4,4% lên 32,5 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI đã tăng 19%, kéo dài đà tăng 25% của tuần trước và 17% trong tuần trước nữa.