|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nếu ngưng nhập khẩu xăng dầu, Việt Nam sẽ vi phạm cam kết FTA

19:30 | 15/05/2020
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nếu cấm nhập thì Việt Nam sẽ vi phạm cam kết FTA với các nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng bày tỏ quan ngại khả năng các nước sẽ cấm ngược lại các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.

Nếu tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu, Việt Nam sẽ vi phạm cam kết trong các FTA

Liên quan đến đề xuất ngưng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tại buổi họp báo thường kì chiều ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết rằng cần phải cân nhắc thật kĩ lưỡng vì điều này đã vi phạm vào cam kết FTA giữa Việt Nam với các nước.

"Nếu cấm nhập thì chúng ta vi phạm cam kết FTA với các nước, liệu các nước có cấm Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng chúng ta có thế mạnh hay không?", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nếu ngưng nhập khẩu xăng dầu, Việt Nam sẽ vi phạm cam kết FTA - Ảnh 1.

Họp báo thường kì tháng 4 của Bộ Công Thương. Ảnh: Đức Quỳnh

Ngoài ra nếu phụ thuộc vào duy nhất một đầu mối cung cấp nếu thiếu thì Việt Nam phải đảm bảo sản xuất, tiêu dùng trong nước ra sao.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra rủi ro nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoặc Bình Sơn gặp sự cố có thể gây tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Một năm, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải mất một tháng rưỡi cho việc bảo dưỡng. Năm 2019 chỉ cần 1 sự cố kéo dài 1 tháng 4 ngày, Bộ Công Thương đã phải yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu xăng dầu bù đắp. 

Ngoài ra, nếu tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại trong khoản đền bù hợp đồng mua đã kí trước đó với đối tác.

Trước đó, hôm 10/4, PVN đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc ngừng nhập khẩu xăng dầu để tránh tình trạng tồn kho vượt ngưỡng giới hạn tại Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Cân nhắc hài hòa lợi ích giữa các đối tượng

"Cá nhân tôi đã trao đổi với Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và báo cáo với ban chỉ đạo điều hành giá. 

Trước mắt chúng ta phải cân nhắc để hài hòa lợi ích của các nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và quan trọng nhất đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Ông Hải cho hay bản thân các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu kinh doanh khó khăn. Khi xem xét vấn đề này, Bộ Công Thương đã bàn bạc rất kĩ với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiệp hội xăng dầu, hiệp hội các ngành nghề trực tiếp sử dụng xăng dầu để sản xuất. 

Hai nhà máy này Nghi Sơn và Bình Sơn không phải xuất khẩu dầu thô mà dùng dầu thô để chế biến xăng dầu để bán hoặc xuất khẩu. 

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là nhà máy liên doanh trong đó nước ngoài chiếm 75% cổ phần. Đối với nhà máy lọc dầu Bình Sơn, 100% cổ phần là của nhà nước.

Theo PVN, việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của tập đoàn và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN ở mức độ khác nhau.

Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2.200 tỉ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55.000 tỉ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).

Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh  COVID-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm.

Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao.

Ngoài ra, hiện có 33 nhà máy nhập khẩu xăng dầu để bán ở thị trường trong nước. Vừa qua, các doanh nghiệp này đã gặp nhiều khó khăn khi trong 3 tháng giá xăng dầu trải qua 8 lần liên tiếp giảm mạnh. Lần thứ 9 vừa rồi giá xăng dầu chỉ tăng khoảng 500 - 600 đồng/lít

Chúng ta phải cân nhắc khi đưa ra quyết định. Nếu cấm nhập khẩu xăng dầu ảnh hưởng tới giá cả và quyền lợi người tiêu dùng và toàn bộ doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào.