|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Indonesia 'lo sốt vó' vì nằm trong tầm ngắm đánh thuế của ông Trump

15:36 | 15/05/2019
Chia sẻ
Theo một bộ trưởng cấp cao, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Indonesia đang lo ngại về việc sẽ nằm trong tầm ngắm đánh thuế bảo hộ của Tổng thống Donald Trump.

Lo vì thặng dư thương mại

Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia - ông Bambang Brodjonegoro cho biết, việc Indonesia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể khiến chính phủ của ông Trump tăng cường giám sát lên quốc gia Đông Nam Á này, mặc dù tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mang lại lợi ích tiềm năng cho Indonesia, theo Bloomberg.

Chiến tranh thương mại kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến thâm hụt tài khoản vãng lai, dòng vốn ngoại và giá trị đồng nội tệ của Indonesia, ông Brodjonegoro cho hay trong một cuộc phỏng vấn tại Jakarta vào hôm 14/5.

Các thị trường tài chính thế giới trong tuần này đã một phen náo loạn khi Trung Quốc và Mỹ lần lượt công bố áp thuế quan lên hàng trăm chủng loại hàng hóa, từ đó làm tăng thêm lo ngại về tác động tiềm tàng có thể lan tỏa đến các quốc gia châu Á.

Indonesia, quốc gia Đông Nam Á có thặng dư thương mại 10,7 tỉ USD với Mỹ vào năm ngoái, từng là đối tượng trong một cuộc điều tra do Tổng thống Trump yêu cầu, liên quan đến các quốc gia bị nghi ngờ lạm dụng mối quan hệ thương mại với Mỹ.

Hiện tại, khả năng Indonesia tiếp tục được hưởng chương trình thương mại ưu đãi của Mỹ đang được xem xét.

"Indonesia và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, chỉ là khác nhau về qui mô. Cả hai nước đều gây thâm hụt cho phía Mỹ", ông Brodjonegoro nói. "Bây giờ câu hỏi được đặt ra là, Indonesa có thể tiếp cận Mỹ như thế nào để đất nước chúng tôi không trở thành nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ thương mại của họ và bằng cách nào Indonesia tận dụng được tiềm năng từ việc hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ suy giảm".

Tăng cường vận động hành lang

Các quan chức Indonesia đang tăng cường vận động hành lang chính quyền Trump để tiếp tục được tham gia Hệ thống Ưu đãi Chung (GSP), ông Brodjonegoro nói.

Chương trình trên được thiết kế để thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách cho phép nhập cảnh miễn thuế cho hàng nghìn sản phẩm từ các nước thụ hưởng đã được chỉ định. Đầu năm nay, Mỹ cho biết họ sẽ loại bỏ Ấn Độ khỏi chương trình này.

"Chúng tôi vẫn đang thảo luận và vận động hành lang nhằm đảm bảo rằng Indonesia sẽ không bị tước bỏ ưu đãi", Bộ trưởng Brodjonegoro cho hay. "Tôi không thể nói rằng quá trình đang diễn ra tích cực nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được tin tiêu cực nào. Nhưng bạn chẳng bao giờ biết trước tương lai sẽ ra sao", ông nói, đồng thời trích dẫn trường hợp của Ấn Độ.

Sự bất ổn về quan hệ thương mại với Mỹ xuất hiện khi Indonesia tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu để giúp kìm chế thâm hụt tài khoản vãng lai - vốn được coi là một lỗ hổng quan trọng đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Trong quí I, mức thâm hụt là 2,6% GDP, cao hơn mức dự báo của ngân hàng trung ương nước này là 2,5%.

Indonesia lo sốt vó vì nằm trong tầm ngắm đánh thuế của ông Trump - Ảnh 2.

Các nước ghi nhận thâm hụt thương mại với Indonesia nhiều nhất. Nguồn: Bloomberg.

"Chúng tôi biết sự leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tác động đến tiền tệ. Vì vậy, điều này sẽ gây áp lực lên thâm hụt tài khoản vãng lai, dòng vốn đầu tư và cuối cùng, đồng tiền tệ của chúng tôi".

Dữ liệu về tài khoản vãng lai và lo ngại về chiến tranh thương mại đã khiến đồng rupiah ngừng tăng trong những tháng gần đây và đã ở mức 11.440 rupiah/USD vào ngày 15/5 sau khi suy yếu xuống mức thấp nhất trong 4 tháng một ngày trước đó.

Rupiah đã giảm 2,6% trong tháng qua, nằm trong nhóm những đồng tiền mất giá mạnh nhất tại châu Á.

Chưa vội giảm lãi suất

Sự biến động của thị trường có thể khiến ngân hàng trung ương Indonesia trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, ông Brodjonegoro nói. Nhận định này được đưa ra vài ngày trước buổi quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Indonesia vào hôm 16/5 tới.

Phần lớn nhà kinh tế kì vọng ngân hàng này sẽ duy trì tỉ lệ lãi suất chuẩn ở mức không đổi là 6%.

"Chúng tôi có thể phải chờ một chút trước khi nới lỏng lãi suất", Bộ trưởng Kế hoạch nói. "Ngân hàng trung ương và chính phủ Indonesia cần xem xét sự biến động của thị trường toàn cầu. Tôi không nghĩa rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ có ích trong bối cảnh biến động như hiện nay".

Tổng thống Joko Widodo được kì vọng sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 17/4 khi kết quả chính thức sẽ được công bố vào tuần tới.

Do sắp bước vào nhiệm kì 5 năm thứ hai, ông Widodo đã giảm tham vọng tăng trưởng kinh tế xuống khoảng 5,6% vào năm 2020.

Mặc dù đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất kể từ năm 2013, nó vẫn thấp hơn nhiều so với  mục tiêu 7% của ông Widodo trước nhiệm kì đầu tiên 5 năm trước.

Trần Nam Thi