Bloomberg: Có nhiều điểm chung, tại sao Trung Quốc thua còn Việt Nam thắng trong chiến tranh thương mại?
Đến đây, nhiều người sẽ lập tức nghĩ đến Trung Quốc – nước đang tranh chấp thương mại gay gắt với Mỹ. Nhưng không, câu trả lời ở đây là Việt Nam.
Nhận thấy mặt bằng chi phí sản xuất rẻ, nhiều tập đoàn quốc tế như Nike hay Ikea mấy năm gần đây đã bắt đầu chuyển một phần chuỗi cung ứng của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng 6 năm liên tiếp, nền kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng tốt với tốc độ khoảng 7% mỗi năm và chính phủ đã bắt đầu nới lỏng các qui định về sở hữu nước ngoài. Đây chính là những lí do khiến Việt Nam được coi là một trong số ít những quốc gia hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại.
Nhưng những điểm này cũng đặt ra câu hỏi tại sao Việt Nam lại tránh được những đòn đánh thuế quan của ông Trump trong khi Trung Quốc liên tiếp bị "vặt lông, bẻ cánh"?
Ngay cả một nước ít đe dọa, có chi phí lao động cao và sử dụng đồng tiền chung như Đức cũng bị chính quyền Tổng thống Trump đưa vào danh sách đen thì tại sao Việt Nam lại thoát?
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng tăng (đơn vị: triệu USD). Nguồn: Bloomberg, Cục Thống kê Mỹ.
Mới đây, Bloomberg đưa tin Mỹ có thể mở rộng danh sách những quốc gia bị điều tra về thao túng tiền tệ và theo một số nguồn tin thân cận, Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị Mỹ gắn "mác" là một nước thao túng tiền tệ. Bản thân cái "mác" này không có quá nhiều ý nghĩa, nhưng đó là một dấu hiệu cảnh báo về chính sách của Mỹ trong tương lai – đặc biệt là đối với số lượng ngày càng đông đảo các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang xem xét đổ tiền và nguồn lực vào Việt Nam.
Tờ Bloomberg nhận định, sở dĩ kinh tế Việt Nam vẫn sống sót giữa cuộc "đồ sát thương mại" của ông Trump có lẽ là nhờ qui mô khiêm tốn của mình.
Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, tương đương với Philippines; và GDP của Việt Nam chỉ bằng vỏn vẹn 1% GDP của Mỹ.
Nói cách khác, Việt Nam khác Trung Quốc rất nhiều, cả về địa lí, nhân khẩu, thương mại và quân sự. Việt Nam hiện cũng không bị coi là mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Mỹ. Trong mấy năm qua, mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington là khá nồng ấm.
Truyền thông Việt Nam đang kể nhiều câu chuyện về các doanh nghiệp Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí là Trung Quốc đến Việt Nam thăm dò, tìm địa điểm đặt nhà máy để tránh cuộc chiến thương mại ác liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, còn đó những nghi ngờ về việc liệu hệ thống bến cảng và đường xã chật hẹp của Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng đột biến hay không? Đội ngũ lao động có kĩ năng cần thiết hay không và liệu giá đất có đang tăng quá nóng hay không?
Phải chăng Việt Nam quá nhỏ để có thể so sánh với Trung Quốc? Cũng có thể. Nhưng chiến lược và mô hình phát triển công nghiệp của Việt Nam rất giống Trung Quốc vài thập kỉ trước đây.
Nhiều năm trước, nước Mỹ từng coi nền kinh tế tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc là một cơ hội đầu tư hiếm có trong đời. Các sếp ngân hàng đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ lũ lượt "đăng đàn" khẳng định với hết thảy mọi người rằng Trung Quốc chính là địa điểm hoàn hảo để xây nhà xưởng, mở văn phòng. Câu chữ hoa mỹ, khen ngợi đầy rẫy.
Họ cho rằng bất ổn quan hệ chính trị đã là chuyện của quá khứ và nền kinh tế tư bản kiểu phương Tây sẽ giúp quan hệ hai nước càng thêm thân thiết. Thực tế tại Trung Quốc lại không diễn ra như vậy.
Tư tưởng lạc quan về Việt Nam hiện nay có thể là có căn cứ chắc chắn, nhưng nhìn vào bài học Trung Quốc trước đây, chúng ta vẫn cần đặt ra câu hỏi: Rủi ro là gì?