|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones bay gần 700 điểm sau báo cáo việc làm vượt xa dự báo

07:33 | 11/01/2025
Chia sẻ
Thị trường lao động nóng hơn kỳ vọng đã kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên gần 4,8% và khiến cổ phiếu bị bán tháo trên diện rộng.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 10/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 697 điểm, tương đương 1,63% và đóng cửa ở mức 41.938 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 1,54% xuống 5.827 điểm. Tương tự, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,63% và kết thúc với 19.162 điểm. Kết quả phiên 10/1 đã đẩy cả ba chỉ số chính xuống thấp hơn so với đầu năm.

Cả ba chỉ số trung bình chính đều tiếp tục kết thúc tuần với kết quả tiêu cực. Trong đó, S&P 500 giảm 1,9%, Nasdaq Composite giảm 2,3% và Dow Jones mất 1,9%. 

 

Theo báo cáo vừa công bố, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 256.000 việc làm trong tháng 12, cao hơn đáng kể so với dự báo 155.000 việc làm do các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 4,1%, so với dự báo 4,2% trong tháng. Sau báo cáo, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vọt lên gần 4,8%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2023. 

Thị trường lao động Mỹ nóng hơn đáng kể so với dự báo trong tháng 12. 

Theo CNBC, cổ phiếu tăng trưởng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi lãi suất tăng đột biến. Trong đó, cổ phiếu nhà sản xuất bán dẫn Nvidia đã giảm 3%, Advanced Micro Devices (AMD) và Broadcom lần lượt mất 4,8% và 2,2%. Tương tự, cổ phiếu Palantir cũng tụt hơn 1%. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn cũng nhạy cảm với lãi suất cho vay cũng đã đi xuống, với chỉ số Russell 2000 mất hơn 2%. 

Các nhóm cổ phiếu công nghệ, tài chính, bất động sản đã mất hơn 2% trong phiên. 

"Lợi suất đang biến động quá nhiều, quá nhanh và thị trường chứng khoán đang bán tháo", ông Adam Turnquist, chiến lược gia kỹ thuật trưởng của LPL Financial cho biết. Ông cũng nói thêm rằng động thái gần đây về lợi suất báo trước khả năng giảm hoặc điều chỉnh đối với chỉ số S&P 500.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng thị trường thường quên mất rằng lý do lợi suất tăng cao hơn trong giai đoạn gần đây là nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn dự kiến. 

“Điều này có nghĩa là tiềm năng lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn, rủi ro suy thoái kinh tế thấp hơn và [nền kinh tế mạnh] sẽ quyết định kết quả trong dài hạn, chứ không phải đợt bán tháo hôm nay”, ông khẳng định. 

Lợi suất trái phiếu tiến sát mốc 4,8%.

“Thông tin trên tốt cho nền kinh tế nhưng không phải cho thị trường, ít nhất là thời điểm hiện tại”, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao của Wells Fargo Investment Institute, ông Scott Wren, nhận định. “Tuy nhiên, mức tăng bất ngờ so với dự báo không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi rằng thị trường lao động có khả năng giảm tốc hơn nữa trong các quý tới”. 

Thị trường tương lai đang đặt cược rằng Fed gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 1 và nhiều khả năng tiếp tục duy trì lãi suất vào tháng 3. Theo công cụ FedWatch của CME Group, kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong tháng 3 đã giảm từ 41% xuống khoảng 25% sau báo cáo việc làm mới nhất. 

Ngoài ra, báo cáo chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan tiếp tục báo hiệu về mối lo lạm phát. Chỉ số này đạt 73,2 trong tháng 1, thấp hơn ước tính của Dow Jones là 74. Kỳ vọng lạm phát một năm đã tăng từ 2,8% lên 3,3%. Đồng thời, kỳ vọng lạm phát 5 năm cũng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.

Minh Quang