Trái phiếu chính phủ toàn cầu bị bán tháo, lợi suất ở Mỹ cận kề mức đáng ngại
Áp lực lớn
Tình trạng bán tháo đang diễn ra trên khắp các thị trường trái phiếu trên thế giới trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về lạm phát cao, tình hình chính trị căng thẳng và nợ công ngày càng tăng.
Hôm 8/1, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc leo lên 4,73%, tiến gần đến mức đỉnh 5% hồi tháng 10/2023 trước khi hạ xuống. Ở Anh, lợi suất trái phiếu cùng kỳ hạn tăng đến 4,82%, mức cao nhất kể từ năm 2008, gợi nhớ đến đợt náo loạn đã chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng của bà Liz Truss khoảng hai năm trước.
Ngay cả Nhật Bản, nơi nổi tiếng với sự ổn định, cũng chứng kiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vượt 1%, đánh dấu mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Những diễn biến đó cho thấy áp lực đang ngày càng chồng chất trên thị trường trái phiếu toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững vàng và lạm phát đe dọa sẽ ngăn cản các quan chức hạ lãi suất.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ càng đẩy mạnh xu hướng trên. Kế hoạch thuế quan của ông làm tăng thêm sự khó đoán đối với thương mại toàn cầu. Cùng lúc đó, lời hứa cắt giảm thuế làm dấy lên nghi ngờ về khả năng trả nợ của Mỹ.
Ông James Athey, nhà quản lý danh mục tại Marlborough Investment Management, bình luận: “Thị trường Mỹ đang gây tác động cực kỳ lớn tới thế giới trong bối cảnh các nhà đầu tư vật lộn với lạm phát dai dẳng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự khó đoán định về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump”.
Kể từ đại dịch COVID-19, thị trường đôi khi cũng xuất hiện lo ngại về khả năng trả nợ của các chính phủ. Tuy nhiên, những mối lo này thường dịu đi khi nhà đầu tư có sự chú ý mới. Động thái gần đây nhất cũng có thể sẽ tuân theo xu hướng đó.
Hôm 8/1, giá trái phiếu kho bạc Mỹ đã đi lên một chút sau khi nhà đầu tư trở nên an tâm hơn nhờ các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ tại buổi bán đấu giá trái phiếu kỳ hạn 30 năm.
Tuy nhiên, hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất lần nữa trong nửa đầu năm 2025 đã bị dập tắt. Biên bản tóm tắt cuộc họp chính sách tháng 12/2024 cho thấy các quan chức rất nóng lòng hạ tốc độ giảm lãi suất.
Các nhà quản lý quỹ cũng bày tỏ lo ngại mới về núi nợ ngày càng lớn của chính phủ nhiều nước sau khi các cuộc bầu cử năm ngoái tạo ra nhiều thay đổi. Trong những ngày gần đây, áp lực đã khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của chính phủ Anh lên mức cao nhất kể từ năm 1998.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu đã tăng mạnh kể từ khi Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 năm ngoái, riêng lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng hơn 1 điểm %. Hiện tại loại lợi suất này vẫn đang dao động quanh ngưỡng cao nhất kể từ tháng 4/2024.
Ngưỡng thử thách tiếp theo
Các công ty tài chính bao gồm Amundi SA, Citi Wealth và ING đang cảnh báo về rủi ro lợi suất trái phiếu duy trì ở mức cao. Các nhà đầu tư quyền chọn coi 5% là cột mốc quan trọng tiếp theo đối với trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Trái phiếu kỳ hạn 20 năm đã chạm mốc này vào ngày 8/1 và kỳ hạn 30 năm cũng đã tiến rất sát.
Bà Lilian Chovin, trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại Coutts, đánh giá: “Rất có thể lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ chạm mức 5%. Nhà đầu tư đòi hỏi được nhận phần bù rủi ro, phần bù kỳ hạn do thâm hụt ngân sách tài khóa của Mỹ rất lớn”.
Những yếu tố căng thẳng này đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi chính phủ Mỹ phát hành 119 tỷ USD nợ mới trong tuần này. Buổi bán đấu giá trái phiếu kỳ hạn 30 năm hôm 8/1 ghi nhận mức lợi suất cao nhất kể từ năm 2007 là hơn 4,9%.
Trái lại, ông Zachary Griffiths, trưởng bộ phận chiến lược kinh tế vĩ mô và cấp đầu tư tại CreditSights, cho biết cuộc đấu giá cho thấy nhu cầu lành mạnh đối với trái phiếu chính phủ Mỹ. Bằng chứng là số lượng người tham gia và thực tế là số trái phiếu đó được bán với mức lợi suất thấp hơn một chút so với lợi suất thị trường.
Ông dự đoán: “Lợi suất có thể sẽ tạm thời bình ổn khi nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang báo cáo việc làm hôm 10/1”.