|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê robusta lập đỉnh mới trong 28 năm, trong khi arabica tiếp tục giảm

07:40 | 10/07/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê robusta thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/1995 do nhu cầu về cà phê chất lượng cao giảm dần để nhường chỗ cho các loại cà phê có giá cạnh tranh hơn. Ở chiều ngược lại, giá arabica đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua do áp lực từ vụ thu hoạch mới tại Brazil.

Robusta và arabica diễn biến trái chiều

Trong tháng 6, giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO đã giảm 2,4% xuống mức trung bình 171,3 US cent/pound (158,5 – 182 US cent/pound). Sự sụt giảm này chủ yếu phản ánh đà đi xuống của giá cà phê arabica, trong khi robusta tiếp tục tăng mạnh trong tháng thứ 7 liên tiếp và đạt mức cao lịch sử mới.

Theo đó, giá cà phê robusta đã tăng 7,8% lên 132,1 US cent/lb trong tháng 6, mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 2/1995.

Ngược lại, giá cà phê arabica Colombia và nhóm cà phê arabica khác lần lượt giảm 6,6% và 5,8%, xuống mức trung bình 211,9 và 207,4 US cent/pound. Giá cà phê arabica Brazil cũng giảm 5,5% xuống còn 176,5 US cent/pound. 

Trên thị trường kỳ hạn New York giá arabica giảm 4,7% xuống còn 174,5 US cent/pound, trong khi robusta trên sàn London tăng 5,9% lên 119,2 US cent/pound. Chênh lệch giá cà phê arabica và robusta tiếp tục thu hẹp xuống còn 50,3 US cent/pound, giảm 22,6% so với tháng trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Dự trữ cà phê được chứng nhận trên sàn New York và London lần lượt giảm 8,5% và 9,7% trong tháng 6, xuống còn 0,60 và 1,25 triệu bao (loại 60 kg).

Diễn biến giá cà phê toàn cầu từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2023

Nguồn: ICO

Nhận định về diễn biến của thị trường, ICO cho biết giá cà phê arabica giảm là do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil, nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới và các báo cáo gần đây cho thấy điều kiện thời tiết thuận lợi đang hỗ trợ cho vụ thu hoạch hiện tại.

Trong khi đó, cà phê robusta đang được hưởng lợi bởi xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ cà phê arabica có chất lượng và giá cao sang các loại cà phê có giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí sinh hoạt người tiêu dùng tăng cao.

ICO dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.

Niên vụ 2022-2023, sản lượng cà phê arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao. Sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.

Cà phê robusta gia tăng thị phần

Số liệu của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,7 triệu bao trong tháng 5, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng10/2022 đến tháng 5/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn giảm 5,1% so với niên vụ 2021-2022, đạt 83 triệu bao.

Xét về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm đến 89% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5 với 9,5 triệu bao, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây đã là tháng sụt giảm thứ 6 liên tiếp của xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu kể từ đầu niên vụ 2022-2023.

Do đó, luỹ kế trong 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đã giảm 5,6% (4,41 triệu bao) so với cùng kỳ vụ trước, chỉ đạt 74,6 triệu bao. 

Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh arabica Brazil giảm 14,8% trong tháng 5 và giảm 9,8% sau 8 tháng đầu niên vụ, đạt 25,9 triệu bao.

Xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh arabica Colombia trong tháng 5 cũng giảm 7,2% so với cùng kỳ xuống còn 0,9 triệu bao. Đánh dấu tháng sụt giảm thứ 11 liên tiếp của nhóm cà phê này. Luỹ kế trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê arabica Colombia đã giảm tới 14,1% xuống chỉ còn 7,3 triệu bao.

Xuất khẩu nhóm cà phê arabica khác lại đang cho thấy sự phục hồi khi tăng tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 8,7% trong tháng 5 lên 2,6 triệu bao. Mặc dù vậy, khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê này vẫn giảm tới 10,5% trong 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuống 13,8 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh trong 8 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 5)

 Nguồn: ICO 

Trái ngược với arabica, xuất khẩu cà phê robusta tăng 6,8% trong tháng 5 lên 3,6 triệu bao. Luỹ kế sau 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đã có tổng cộng 30,1 triệu bao robusta được xuất khẩu so với 29,2 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Tỷ trọng của cà phê robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu theo đó đã tăng lên mức 40,4% từ 37% của cùng kỳ niên vụ trước và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi tỷ trọng cà phê arabica giảm xuống chỉ còn 59,6% so với 63% của cùng kỳ.

Tỷ trọng cà phê arabica và robusta xuất khẩu toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023

Nguồn: ICO  

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan trong tháng 5 bất ngờ tăng mạnh 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 triệu bao. Tổng cộng 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đã có 7,9 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm 0,4% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước. 

Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 9,6% từ 9% của cùng kỳ 2021-2022. Brazil nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới đã vận chuyển 0,3 triệu bao vào tháng 5.

Xuất khẩu cà phê đã rang sau khi tăng vào tháng trước đã giảm 4,8% trong tháng 5 xuống 72.925 bao. Lũy ​​kế từ đầu niên vụ cà phê 2022-2023 đến nay đã có 0,48 triệu bao cà phê hoà tan được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm so với 0,52 triệu bao cùng kỳ.

Xuất khẩu các loại cà phê trong 8 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023

 Nguồn: ICO  

Xuất khẩu giảm ở hầu hết khu vực, trừ châu Á và châu Đại Dương

Trong tháng 5, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ tiếp tục giảm 11,5% xuống còn 3,5 triệu bao, chủ yếu do tổng xuất khẩu của ba quốc gia sản xuất chính của khu vực là Brazil, Colombia và Peru giảm 12,3%.

Trong đó, Brazil và Colombia có lượng xuất khẩu giảm lần lượt là 12,2% và 10,6%, xuống còn 2,5 triệu và hơn 0,8 triệu bao. Sự không sẵn có của nguồn cung là lý do chính đằng sau sự sụt giảm trong xuất khẩu ở cả hai quốc gia này. 

Mưa lớn đã khiến sản lượng của Colombia giảm 21% vào tháng 5, trong khi nguồn cung của Brazil tương đối eo hẹp sau hai năm liên tiếp thu hoạch dưới mức trung bình, đặc biệt là niên vụ 2022-2023 bị ảnh hưởng bởi sương giá và hạn hán.

Còn với Peru, ​​xuất khẩu cà phê của nước này tiếp tục sụt giảm mạnh 24,9% do thời tiết bất lợi và tình hình chính trị bất ổn tại các khu vực sản xuất chính đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xuất khẩu. Bên cạnh đó là khối lượng xuất khẩu cao bất thường của cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5/2022 xuất khẩu cà phê của Peru tăng 54,7% lên 137.948 bao, trong khi khối lượng xuất khẩu trung bình của tháng 5 giai đoạn 2014–2021 là 97.969 bao và con số 103.649 bao đạt được vào tháng 5/2023 vẫn cao hơn 5,7% so với mức trung bình. 

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023 

 Nguồn: ICO   

Xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi cũng giảm 7,2% trong tháng 5 và giảm 5,8% trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuống còn 8,1 triệu bao. Bờ Biển Ngà và Ethiopia là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của khu vực, với tổng lượng xuất khẩu của hai nước giảm 19,4% xuống 0,45 triệu bao trong tháng 5. 

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê từ khu vực Trung Mỹ và Mexico trong tháng 5 tăng 12,4% lên hơn 2,1 triệu bao. Đây đã là tháng tăng trưởng thứ ba trong tám tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại. Mặc dù vậy, tổng xuất khẩu cà phê của khu vực vẫn giảm nhẹ 2,1% trong 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 10 triệu bao.

Tại khu vực, xuất khẩu cà phê của Honduras tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 0,8 triệu bao, tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong tháng 5 kể từ mức tăng 80,4% đạt được vào năm 2000. Nguyên nhân là bởi mức nền so sánh thấp vào năm ngoái và một số hợp đồng giao hàng vào tháng 4 bị trì hoãn sang tháng 5. 

Trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, Honduras đã xuất khẩu tổng cộng 3,6 triệu bao, tăng 7,5% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Riêng xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 13,1% lên 3,9 triệu bao trong tháng 5 và tăng 3,2% lên 31,7 triệu bao trong 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do xuất khẩu cà phê của Indonesia, nước sản xuất chính trong khu vực tăng mạnh 2,7 lần lên 0,6 triệu bao trong tháng 5.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Hiệp

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.