|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hứa hẹn về lợi ích của thỏa thuận giai đoạn một, ông Trump cũng khó giấu ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến lên nền kinh tế Mỹ

18:05 | 19/12/2019
Chia sẻ
Ông Trump hứa hẹn thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc lên 200 tỉ USD trong hai năm. Tuy nhiên, có một thực tế khó chối cãi là ngay cả khi lời hứa phô trương này thành hiện thực, nó cũng không thể bù đắp được phí tổn mà cuộc chiến thương mại gây ra cho nền kinh tế Mỹ.

Phí tổn kinh tế khó xác định, nhưng hậu quả sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa

Bloomberg cho rằng rất khó để xác định chính xác phí tổn của cuộc xung đột thương mại còn chưa chấm dứt này. Đồng thời, đây là hệ quả của nhiều yếu tố như tác động trực tiếp của thuế quan hay những sự việc vô hình như bất ổn đè nặng niềm tin doanh nghiệp.

Một số nhà kinh tế học đã từng tính toán tác động của thuế quan thương mại mà Washington áp lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, mà phần lớn trong số này sẽ được giữ nguyên, cũng như thuế quan trả đũa của Trung Quốc.

Sau đó, họ kết luận chỉ riêng trong năm nay phí tổn kinh tế của cuộc thương chiến, bao gồm cả tác động của tình trạng bất ổn, tương đương 0,3 - 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước Mỹ.

Cho dù hai nước kí kết thành công thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhiều nhà kinh tế dự đoán ảnh hưởng của thuế quan sẽ tiếp diễn trong vài năm nữa, khi mà hoạt động đầu tư bị kìm hãm, bất ổn kéo dài và thuế quan hàng tỉ USD còn đang có hiệu lực sẽ đè nặng lên tăng trưởng trong tương lai.

Mặc dù tổn thất chưa đến 1 điểm % GDP, nó lại gây ra hệ quả nghiêm trọng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính theo giá trị đồng USD năm 2019, Bloomberg Economics ước tính tổn thất mà thương chiến gây ra cho GDP của Mỹ đến nay đã đạt 134 tỉ USD và sẽ tăng lên tổng cộng 316 tỉ USD vào cuối năm 2020.

Một nghiên cứu thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực New York, Đại học Princeton và Đại học Columbia ước tính phí tổn của thuế quan đối với người tiêu dùng (phần lớn sẽ được giữ nguyên, bất chấp thỏa thuận giai đoạn một) là 831 USD/hộ gia đình/năm, hay hơn 106 tỉ USD/năm cho toàn nền kinh tế Mỹ.

Chỉ riêng tổn thất đó đã quét sạch lợi ích từ việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ mà hai bên đã nhất trí.

"Điều khoản tăng mua nông sản đưa chúng ta trở về thời điểm trước khi mọi thứ bắt đầu", ông Maurice Obstfeld, Cựu Kinh tế trưởng của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kiêm cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama, cho hay.

"Vì thế, bạn nên tự hỏi: 'Chúng ta đã đạt được gì? Và liệu lợi ích đó có đáng để khiến nền kinh tế biến động hay không?'", ông nói thêm.

Dựa theo ước tính của các nhà kinh tế, tổn thất cũng không phải chỉ xuất hiện một lần và có khả năng sẽ tăng lên trong nhiều năm tới, ngay cả khi doanh nghiệp đã quen với thuế quan, hoặc điều chỉnh chuỗi cung ứng và thỏa thuận giai đoạn một giúp giảm bớt nỗi lo về khả năng thuế quan leo thang.

IMF ước tính thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump sẽ tác động tiêu cực vào GDP thực tế liên tục từ nay đến năm 2023. Theo IMF, GDP thực tế năm 2023 sẽ thấp hơn 0,5% so với GDP trong kịch bản không có thuế quan.

XiTrumpFeature

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg)

Vào đầu năm nay, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã thực hiện phân tích dựa trên giả định rằng thuế quan vẫn có hiệu lực vào năm 2029 và ước tính GDP khi đó sẽ thấp hơn 0,1% so với kịch bản không có thuế quan.

Chính quyền Tổng thống Trump và người ủng hộ lập luận rằng họ đang trong một cuộc chiến lớn hơn nhằm giải quyết các khiếu nại đã có từ lâu của Mỹ với Trung Quốc, mà việc này sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ.

Họ chỉ ra nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh hơn so với các nước khác và vẫn đang tiếp tục tạo ra nhiều việc làm như minh chứng cho thành quả từ chính sách thương mại của mình.

Dữ liệu bản cập nhật dự kiến công bố vào ngày 20/12 tới sẽ xác nhận liệu nền kinh tế Mỹ có tăng trưởng ở mức 2,1% trong quí III so với cùng kì năm ngoái hay không. Vào tháng 11, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra hơn 266.000 việc làm, vượt trội hơn so với kì vọng.

Ông Trump cũng đã nhiều lần phủ nhận tác động tiêu cực từ chính sách thương mại của mình và thay vào đó, đổ lỗi cho Fed và đồng USD quá mạnh, khiến nền kinh tế không tăng trưởng như ông muốn.

"Không có gì bất ổn hết", ông phát biểu trước Câu lạc bộ Kinh tế New York hôm 12/11.

Quan chức chính phủ khoe tác động tích cực, chuyên gia kinh tế nói ngược lại

Ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, trong tuần này cho biết ông kì vọng sự kết hợp giữa thỏa thuận thương mại giai đoạn một (dự kiến kí vào đầu tháng 1/2020) và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ bản cập nhật mới được Quốc hội thông qua sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm 0,5%.

Nhà Trắng cho hay ước tính của ông Kudlow xuất phát từ một số phân tích cả từ nội bộ lẫn từ bên ngoài. Tuy nhiên, Nhà Trắng không thông tin thêm cũng như chưa công bố bất kì phân tích nào về tác động kinh tế của thỏa thuận thương mại hay của cuộc xung đột kinh tế giữa hai nước.

Các nhà phê bình về những cuộc chiến thương mại của ông Trump cũng gặp khó khi hiệu ứng của thương chiến đối với Mỹ bị cản lại bởi dữ liệu mạnh mẽ và khả năng phát triển của một nền kinh tế ổn định, chủ yếu nhờ tiêu dùng trong nước, đã hấp thụ hết tác động tiêu cực đối với lĩnh vực nông nghiệp và chế tạo.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực là có thật, các chuyên gia như ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, lập luận.

Từ quí III/2018 đến quí III năm nay, giai đoạn mà cuộc thương chiến thực sự bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng, ông Zandi tính toán Mỹ đã mất 0,4% GDP thực tế cho loạt thuế quan trừng phạt của ông Trump, tương đương 88 tỉ USD.

Hơn nữa, nhà kinh tế trưởng của Moody's cho biết thêm rằng Mỹ còn mất 340.000 việc làm vì thương chiến do hoạt động đầu tư đình trệ và giá cả leo thang vì thuế nhập khẩu mới.

Tình trạng bất ổn ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp không biến mất và "sẽ tiếp tục đè nặng lên đầu tư kinh doanh, tuyển dụng và tăng trưởng thu nhập, từ đó gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ".

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.