|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CNBC: Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ còn khuấy đảo thế giới mạnh hơn nữa?

15:14 | 18/12/2019
Chia sẻ
Mặc dù các ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đang giành được sự chú ý nhất định, nhiều chuyên gia Phố Wall đang chuẩn bị cho nhiệm kì thứ hai của Tổng thống Donald Trump cũng như các thay đổi chính sách kinh tế mới của ông.

Trong nhiệm kì thứ hai, nhiều nhà phân tích chính sách Phố Wall nhận định chính quyền Tổng thống Trump sẽ tấn công nhiều tổ chức thương mại đa phương trên toàn cầu.

Ngoài ra, nhiệm kì thứ hai còn tạo cơ hội cho ông Trump tiếp tục gây áp lực lên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và cuối cùng thay thế ông Powell khi nhiệm kì của ông kết thúc vào năm 2022 bằng một nhà hoạch định chính sách tiền tệ biết nghe lời hơn.

22Dowd-articleLarge

Tổng thống Donald Trump có thể được giải phóng hoàn toàn khỏi các ràng buộc nếu tái đắc cử vào năm 2020. (Ảnh: New York Times)

CNBC dẫn lời nhà phân tích Chris Krueger từ công ty tài chính Cowen cho biết một chiến thắng lần hai có thể thúc đẩy ông Trump theo đuổi các gói chi tiêu ngân sách tốn kém hơn và chỉ trích bất kì ai mà ông tin là đang cản trở tăng trưởng kinh tế.

"Tôi nghĩ nếu ông Trump đắc cử lần nữa vào năm tới, chúng ta sẽ thấy ông ấy không còn bị ràng buộc gì nữa", ông Krueger nói. "Ông ấy sẽ đối xử với Chủ tịch Powell như đã từng làm với cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions".

Ngày 7/11/2018, ông Jeff Sessions phải nộp đơn từ chức Bộ trưởng Tư pháp theo yêu cầu của Tổng thống Trump.

Ông Trump tiếp tục đối đầu với WTO, World Bank?

Tại cuộc vận động tranh cử hồi tháng 6/2016, ông Trump từng nói với cử tri ủng hộ mình ở Monessen, Pennsylvania rằng việc làm trong ngành chế tạo của nước Mỹ giảm sút vì nhiều lí do, "đầu tiên là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, hay NAFTA. Sau đó phải kể đến việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".

Ngay tại buổi vận động trên, ông Trump đã gọi tình trạng suy giảm việc làm trong ngành chế tạo Mỹ là một "thảm họa". CNBC nhận định các ưu tiên của Tổng thống Trump không thay đổi nhiều.

Một trong các chiến thắng quan trọng về mặt ngoại giao của chính quyền ông Trump đến vào ngày 13/12, khi Nhà Trắng đạt được thỏa thuận với Đảng Dân chủ Hạ viện về việc triển khai phương án thay thế NAFTA, cụ thể là hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Cũng trong ngày 13/12, Washington và Bắc Kinh tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Mặc dù có thể giành hai thắng lợi lớn trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump vẫn còn nhiều việc phải làm.

Hiện tại, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow sẽ có thêm thời gian để giải quyết các mối quan tâm khác liên quan đến hệ thống thương mại toàn cầu, ông Clete Willems, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng, cho hay.

106094226-1566576021279gettyimages-929397538

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) trò chuyện cùng Giám đốc Hội đồng Thương mại Mỹ Peter Navarro. (Ảnh: Bloomberg)

Theo ông Willems, nhiều nhân vật tại Washington kì vọng một Nhà Trắng đổi mới sẽ tham gia cuộc chiến chống lại các đối thủ kinh tế như Trung Quốc hay các định chế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thế bế tắc giữa Mỹ và các thành viên WTO có nguy cơ gây cản trở Cơ quan Phúc Thẩm đưa ra phán quyết về một loạt vụ kiện liên quan đến việc chính quyền ông Trump sử dụng thuế quan vô tội vạ.

Tuy nhiên, các quan chức thương mại hàng đầu nước Mỹ cho biết họ có lí do chính đáng khi ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan Phúc thẩm của WTO và làm tê liệt tổ chức thương mại này cho đến khi WTO bắt đầu xử lí hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post nhận định có nhiều vấn đề thương mại Mỹ lưu tâm nhưng các thành viên châu Âu lại phớt lờ, do đó Washington mới quyết định "làm căng" với cả châu Âu và Trung Quốc.

Chiến dịch gây sức ép của Mỹ tại WTO được thể hiện đầy đủ vào tuần trước, khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách hàng hóa châu Âu mà họ đang cân nhắc đánh thuế lên tới 100% do cuộc tranh chấp kéo dài về vấn đề châu Âu trợ cấp cho hãng máy bay Airbus.

"WTO đã đưa ra phán quyết có lợi cho Mỹ sau nhiều năm kiện tụng về vụ Boeing - Airbus này. Chúng tôi đang áp thuế đối với 7,5 tỉ USD hàng hóa châu Âu. Chúng tôi còn đang cân nhắc tăng thêm thuế", ông Lighthizer trả lời tờ Fox Business hôm 17/12.

"Mục tiêu của chúng tôi là có được một giải pháp thông qua đàm phán. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu có mối quan hệ rất mất cân bằng", ông nói thêm.

"Có rất nhiều vấn đề. Bạn biết đấy, đó là điều mà Tổng thống Trump quan tâm: Ông ấy nghĩ đến nó mỗi ngày. Ông ấy muốn công việc chế tạo trở lại Mỹ. Ông ấy muốn nhân viên dịch vụ có thu nhập cao hơn. Ông muốn người nông dân đảo ngược xu hướng thu nhập đi xuống hiện tại. Có rất nhiều thứ cần phải làm", Đại diện Thương mại Mỹ chia sẻ.

Tranh chấp Mỹ - Trung cũng đang được thể hiện tại World Bank. Cụ thể, các nhà lập pháp và nhà đầu tư Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang lợi dụng các khoản vay hỗ trợ vốn dành cho những quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp.

Vào tuần trước, Bộ trưởng Steven Mnuchin cùng Hạ nghị sĩ Anthony Gonzalez đều nhất trí rằng Trung Quốc nên ngừng lợi dụng World Bank.

Ông Gonzalez đang làm việc để thông qua một dự luật có thể loại Bắc Kinh khỏi chương trình cho vay hỗ trợ của World Bank. Các nhà lập pháp Mỹ lập luận Trung Quốc không đủ điều kiện để vay hàng tỉ USD từ nguồn vốn tài trợ mà Mỹ hậu thuẫn, vốn dành cho các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, nếu ông Trump nghiêm túc về việc kí các hiệp định thương mại mới, ông sẽ luôn cần sự giúp đỡ của Quốc hội, nơi nắm quyền lực tối cao để phê chuẩn các thỏa thuận.

Bất mãn và tiếp tục gây sức ép lên Chủ tịch Fed

Khi Fed không điều chỉnh lãi suất theo hướng và tốc độ mà ông Trump muốn, Tổng thống Mỹ có xu hướng trút giận lên Chủ tịch Jerome Powell.

Theo nhà phân tích chính sách Ed Mills của Raymond James Washington, sự giận dữ của ông Trump với Chủ tịch Powell, nhà lãnh đạo Fed do chính ông lựa chọn, đã trở nên quá thường xuyên và cá nhân đến mức gần như chắc chắn ông chủ Nhà Trắng sẽ không đề cử ông Powell lần nữa vào cuối nhiệm kì của ông này, năm 2022.

2019-05-02T161121Z_1536517275_RC1FB244AC60_RTRMADP_3_USA-ECONOMY-1024x683

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)

"Nếu ông Trump tái đắc cử thì rõ ràng ông Powell khó có thể được đề cử cho nhiệm kì thứ hai", nhà phân tích Ed Mills cho biết.

"Và nếu một thành viên Đảng Dân chủ được bầu vào ghế tổng thống, tôi nghĩ họ sẽ muốn Chủ tịch Fed riêng của mình. Vì vậy, theo một số cách nghĩ, ông Powell chỉ có thể ra đi bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống như thế nào", ông nói thêm.

Trong hai năm trở lại đây, Tổng thống Trump đã liên tục yêu cầu Fed giữ lãi suất ở mức thấp và lập luận rằng chi phí đi vay tương đối cao của Mỹ đang làm suy yếu nỗ lực xóa thâm hụt thương mại của ông.

Trong khi đó, Quốc hội, cơ quan giám sát Fed, lại yêu cầu họ phải điều chỉnh lãi suất để đảm bảo toàn dụng việc làm và duy trì giá cả ổn định. CNBC nhận định Fed đã làm tốt nhiệm vụ này trong vài năm qua, khi mà tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm là 3,5%. 

Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn có xu hướng thúc ép Fed phải hỗ trợ nền kinh tế Mỹ hơn nữa.

"Fed phải hạ lãi suất xuống mức 0, hoặc thấp hơn, và sau đó chúng ta nên bắt đầu tái cấp vốn cho các khoản nợ. Chi phí đi vay có thể giảm xuống rất nhiều", ông Trump viết trên Twitter hôm 11/9.

"Thật ngây ngô khi ông Jerome Powell và Fed không cho phép chúng ta làm những gì các quốc gia khác đang làm. Cơ hội chỉ đến một lần trong đời mà chúng ta lại đang bỏ lỡ vì 'bọn đần độn' ấy", ông viết thêm.

Thái độ không hài lòng với Fed của ông Trump có thể thúc đẩy ông đề cử bà Judy Shelton, người có quan điểm phi chính thống về chính sách tiền tệ, trở thành nhà lãnh đạo Fed.

Tích cực cắt giảm thuế

Về chính sách đối nội, nhà phân tích Ed Mills cho biết trong nhiệm kì thứ hai của ông Trump, Nhà Trắng sẽ tập trung vào một số ưu tiên chính có thể thu hút sự ủng hộ từ Đảng Dân chủ Hạ viện.

Đầu tiên có thể kể đến đợt cắt giảm thuế thứ hai, được biết đến với tên gọi "Tax Cuts 2.0". Chính sách này được dựa trên Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế mang tính bước ngoặt trước đó, hạ mức thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%.

Tháng trước, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow chia sẻ với CNBC rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông nghiên cứu về một kế hoạch như vậy, song cố vấn kinh tế Nhà Trắng cảnh báo vẫn còn quá sớm để đi sâu vào chi tiết của kế hoạch.

Bình luận của ông Kudlow được đưa ra sau khi The Washington Post đưa tin rằng các cố vấn hàng đầu của ông Trump đang nghiên cứu một đề xuất giảm thuế của tầng lớp trung lưu xuống còn 15%.

"Chúng tôi chỉ đang ở giai đoạn sơ bộ", ông Kudlow cho hay hồi tháng 11. "Kế hoạch này phải sau nhiều tháng nữa mới hoàn thiện được, như tôi nói thì nó sẽ được công bố như một tài liệu củng cố tăng trưởng chiến lược cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Chúng tôi muốn người dân có thu nhập trung bình nộp mức thuế thấp nhất có thể", ông khẳng định.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.