|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2022

14:33 | 13/12/2021
Chia sẻ
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại.

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, vừa đưa ra một số nhận định về tình kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng trong năm 2022.

Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp đúng như kỳ vọng trong quý I khi kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ. 

Tuy nhiên, trước tác động khó lường của biến chủng Delta, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tới mức các chỉ số GDP của quý III ghi nhận mức thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP.

HSBC: Giá nguyên liệu tăng kéo theo chi phía vận chuyển là nguyên nhân chính gây nên lạm phát - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans. (Ảnh: Đầu tư Chứng khoán).

Nhìn lại kinh tế 2021

Sau vài tháng khó khăn do phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, tình hình đang ngày càng ổn định hơn. Chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11 cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ tư khởi phát từ hồi tháng 4. 

Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua và tâm lý vững tin đang dần trở lại bất chấp vẫn còn nhiều trở ngại do lao động chưa trở lại nhà máy. Chuỗi cung ứng của Việt Nam đã bị tác động bởi tình trạng thiếu nhân công trên diện rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực cần nhiều lao động. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kế Việt Nam (GSO), khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê trong giai đoạn từ tháng 7 tới giữa tháng 9 do các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19. Hệ quả là 17,8% trong số 22.764 doanh nghiệp mà GSO khảo sát cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu nhân công, trong đó nặng nề nhất là khu vực Nam Bộ với 30,6%. 

Mặc dù vậy, đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã bắt đầu ổn định, các nhà sản xuất đang giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Áp lực về giá cũng giảm nhẹ trong mấy tháng qua nhờ giá nguyên liệu thô bắt đầu hạ nhiệt.

Theo Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, việc Việt Nam có trở lại mạnh mẽ với đà tăng trưởng bền vững hay không là điều chưa ai dám nói chắc. 

"Khi gián đoạn sản xuất và những áp lực dồn nén trong chuỗi ứng toàn cầu được 'xả' bớt, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy sự phục hồi mặc dù cần sẵn sàng đón nhận bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xuất khẩu tăng trưởng chậm lại khi các thị trường phát triển bắt đầu chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ", ông nhận định.

Ông Tim Evans cho rằng cần nhìn lại kỹ hơn về lĩnh vực công nghệ vốn có tác động tích cực không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Đơn hàng điện tử tiêu dùng bắt đầu giảm nhẹ. 

Một phần nguyên nhân là trong những đợt giãn cách đầu tiên, các hộ gia đình trên thế giới đã chi tiêu mạnh tay để mua sắm từ máy tính xách tay tới thiết bị kết nối và TV mới tới máy chơi game.

Kết quả là nhu cầu bắt đầu giảm dần nhưng bù lại nhu cầu về điện tử công nghiệp cũng như linh kiện lắp ráp máy móc và các thiết bị sản xuất khác lại gia tăng. 

HSBC dự báo nếu cơn khủng hoảng COVID qua đi, thế giới sẽ có một chu kỳ đầu tư vốn lớn diễn ra trên diện rộng, đảm bảo nhu cầu điện tử công nghiệp sẽ duy trì mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.

Một động lực quan trọng ngày càng đóng góp nhiều cho kinh tế Việt Nam trước COVID-19 chính là du lịch. Để tất cả các động lực kinh tế Việt Nam cùng khởi động, ở chừng mực nào đó chúng ta cần khôi phục lại lượng du khách.

Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 33 tỷ USD vào GDP. Trước khi xảy ra COVID-19, Việt Nam được dự báo sẽ đón 20 triệu lượt khách du lịch trong năm 2020, kỳ vọng sẽ đóng góp 36 tỷ USD cho GDP, tương đương 14% tổng GDP. 

Tới tháng 11, Việt Nam mới chỉ đón 140.106 lượt khách nước ngoài, tương đương mức giảm trên 96%.

Động lực kinh tế này đã nguội lạnh trong 24 tháng qua nhưng với tình hình biến chủng Delta đang dần yếu đi cùng với tỷ lệ phủ vắc xin tăng lên, các cơ quan chức năng đã thảo luận về khả năng nới lỏng một số hạn chế du lịch và từng bước mở cửa lại biên giới. 

Ngành du lịch Việt Nam có tác động trực tiếp lên tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động trong nước. 

Theo đại diện HSBC Việt Nam, thách thức đặt ra trong năm 2022 là diễn biến khó lường của đại dịch COVID, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng mới mang tên Omicron. Mặc dù số ca nhiễm mới của Việt Nam đã giảm mạnh khoảng 70% so với đỉnh dịch hồi tháng 8, con số này đang có dấu hiệu tăng trở lại và khả năng sẽ trì hoãn thời điểm thực sự mở cửa ngành du lịch, gián tiếp ảnh hưởng lên tiến độ khôi phục của cả nền kinh tế trong năm tới.

Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2022

Khi đánh giá những tháng cuối năm và tình hình trong tương lai, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt. 

HSBC: Giá nguyên liệu tăng kéo theo chi phía vận chuyển là nguyên nhân chính gây nên lạm phát - Ảnh 2.

Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2022. (Ảnh minh họa: AFP).

Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch. 

Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục "tiếp thêm nhiên liệu" cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26, cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước. 

Theo ông, đây tất nhiên là một mục tiêu rất tham vọng nhưng nếu theo dõi tình hình ở Việt Nam thường xuyên, chúng ta sẽ hiểu vì sao không nên hoài nghi khả năng của Việt Nam và người dân trong việc đạt những mục tiêu và thử thách họ đặt ra cho bản thân. 

"Chúng ta sẽ cần theo dõi sát sao một số vấn đề để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai. Một chỉ số cần giám sát kỹ là giá năng lượng đang tăng lên. Hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam phân tích.

Quan điểm hiện tại là nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, HSBC đánh giá lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của chính phủ. 

Yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là COVID mặc dù quan điểm cá nhân của ông là trong tương lai, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. 

Tóm lại, năm 2021 đã sắp khép lại, đây là lúc để chúng ta hít một hơi thật sâu và tin rằng tình huống tệ nhất đã nằm lại sau lưng chúng ta, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng kinh tế vượt bậc của năm 2019. 

"Đồng nghiệp tại HSBC nói với tôi rằng chúng ta sắp sửa đón năm Nhâm Dần và có thể yên tâm phần nào vì linh vật năm sau là loài hổ vốn tự tin, bản lĩnh, dũng cảm và mạnh mẽ. Tất cả những phẩm chất này sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hồi thực sự", ông Tim Evans chia sẻ.

Phương Trang