|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam

07:57 | 16/09/2023
Chia sẻ
Trong 4 tháng còn lại của năm 2023, dự báo giá lương thực, thực phẩm, nhà ở đi thuê, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ y tế sẽ tăng; giá xăng dầu và giá gas giảm; giá dịch vụ giáo dục không tăng.

Với sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, lạm phát bình quân của nền kinh tế tháng sau giảm so với tháng trước. Từ đó, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân cả năm thấp hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Để hiểu rõ hơn về dự báo lạm phát cả năm 2023 và điều hành giá trong thời gian tới, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: TTXVN)

Phóng viên: Lạm phát của nền kinh tế có xu hướng giảm dần với chỉ số CPI bình quân 8 tháng năm 2023 ở mức 3,1%. Tuy vậy, lạm phát cơ bản ở mức 4,57% cao hơn lạm phát chung và lạm phát mục tiêu của năm. Ông có nhận xét gì về hiện tượng này?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Thị trường hàng hoá thế giới trong 8 tháng năm 2023 có nhiều biến động, tổng cầu thế giới còn yếu, hàng rào bảo hộ có xu hướng gia tăng. Mỹ, Liên minh châu  u và một số quốc gia tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đưa lạm phát dần về mức mục tiêu.

Bên cạnh đó, chỉ số giá lương thực thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống mức đáy và bắt đầu tăng trở lại trong tháng 7/2023 do lo ngại hiện tượng El Nino phá hoại mùa màng, thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, bão lũ, thiên tai xảy ra tại nhiều quốc gia và bất ổn địa chính trị đã đặt an ninh lương thực toàn cầu trước thách thức mới.

Ngày 11/8/2023, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2023 lên mức kỷ lục 102,2 triệu thùng/ngày. Nguồn cung thắt chặt đã tạo động lực cho đà đi lên của giá dầu mỏ. Trong phiên giao dịch ngày 10/8, giá dầu Brent đã tăng lên mức 88 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, bình quân 8 tháng năm 2023, giá dầu Brent vẫn giảm gần 22% so cùng kỳ năm trước. IEA cảnh báo trữ lượng dầu thế giới có thể giảm mạnh trong giai đoạn còn lại của năm 2023, dẫn đến việc giá cả tiếp tục leo thang.

Trong bối cảnh đó, chỉ số CPI bình quân 8 tháng năm 2023 của Việt Nam tăng 3,1% do giá lương thực, thực phẩm, giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng...tăng.

Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức lạm phát bình quân chung do giá một số mặt hàng như: xăng dầu, gas giảm khiến lạm phát tổng thể giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đồng thời, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tính toán lạm phát cơ bản có xu hướng tăng dai dẳng như nhà ở đi thuê tăng 21 tháng liên tiếp; ăn uống ngoài gia đình tăng 29 tháng liên tiếp.

Phóng viên: Với xu hướng lạm phát bình quân giảm dần qua các tháng, ông dự báo gì về lạm phát cả năm 2023?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Do tổng cầu tiêu dùng còn yếu; các địa phương thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng; đặc biệt, giá của một số hàng hoá và dịch vụ chiến lược do nhà nước quản lý không điều chỉnh tăng như dịch vụ giáo dục và y tế, giá điện bán lẻ chỉ tăng ở mức thấp.

Bên cạnh đó, lạm phát thế giới hạ nhiệt làm giảm áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam. Đó là những nguyên nhân khiến cho xu hướng lạm phát bình quân của những tháng sau giảm so với những tháng trước.

Trong 4 tháng còn lại của năm 2023, dự báo giá lương thực, thực phẩm, nhà ở đi thuê, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ y tế sẽ tăng; giá xăng dầu và giá gas giảm; giá dịch vụ giáo dục không tăng. Khi đó, dự báo lạm phát bình quân cả năm trong khoảng từ 3-3,5%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu 4,5% đã được Quốc hội thông qua.

Phóng viên: Với dự báo lạm phát năm 2023 thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 4,5%, phải chăng việc xây dựng mục tiêu lạm phát năm nay không sát với diễn biến giá trong nước và thế giới?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Việc xây dựng mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5% dựa trên quan điểm mở rộng chính sách tài khoá và tiền tệ, thực hiện các gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% năm 2023 cao hơn mục tiêu 4% của các năm trước còn tính đến việc điều chỉnh tăng giá của một số loại hàng hoá và dịch vụ chiến lược do Nhà nước quản lý như: dịch vụ giáo dục; dịch vụ y tế; điện bán lẻ.

Những loại hàng hoá này chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình, biến động tăng giá sẽ tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế. Đồng thời, giá các loại hàng hoá và dịch vụ chiến lược này đã nhiều năm chưa được điều chỉnh.

Thực hiện chủ trương giảm bớt một phần khó khăn cho đời sống của nhân dân trong bối cảnh nền kinh tế chưa được phục hồi như trước đại dịch COVID-19, Chính phủ chỉ đạo không điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục và y tế trong năm nay; giá điện đã được điều chỉnh ở mức thấp. Vì vậy, dự báo lạm phát năm 2023 thấp hơn mục tiêu do Quốc hội thông qua.

 

Phóng viên: Với dự báo lạm phát cả năm thấp hơn lạm phát mục tiêu, ông có đề xuất gì về việc điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2023?

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Dự báo lạm phát bình quân năm 2023 nằm trong khoảng từ 3-3,5%, thấp hơn mục tiêu lạm phát ít nhất 1 điểm phần trăm, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần tận dụng dư địa này có được trong năm 2023 để điều chỉnh kịp thời giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Cụ thể là điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế để một mặt giúp các đơn vị trong ngành giáo dục và y tế hoạt động ổn định. Đồng thời, cũng là giảm bớt áp lực dồn tích phải điều chỉnh giá các mặt hàng này với biên độ lớn trong các năm tiếp theo và để không lặp lại bất cập như đối với giá điện bán lẻ trong thời gian qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan cũng tính toán, thống nhất trình Chính phủ điều chỉnh phí dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, góp phần giảm bớt khó khăn cho đội ngũ viên chức của hai ngành này.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết kém thuận lợi diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu; giá lương thực thế giới đã tăng cao trở lại, gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam. Đồng thời, giá thực phẩm có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng và do dịch bệnh trên vật nuôi.

Vì vậy, Chính phủ tiếp tục thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm, tránh việc tăng cục bộ tại một vài địa phương. Bên cạnh đó, có biện pháp hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi, từ đó gia tăng khả năng người nuôi bỏ chuồng, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu và cân đối nguồn điện để đảm bảo an sinh xã hội, tránh việc tăng cục bộ tại một vài địa phương. Cùng với đó, Chính phủ làm tốt công tác truyền thông để tránh việc tạo ra kỳ vọng lạm phát, đẩy mặt bằng giá tăng lên tại một số thời điểm diễn biến kinh tế thế giới và trong nước bất lợi.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền