Chuyên gia: Chính sách tiền tệ năm tới khó đảo chiều nhưng sẽ cẩn trọng hơn với lạm phát
Trong năm 2023, lạm phát tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại vào cuối năm cùng với các diễn biến bất lợi từ bên ngoài như xung đột Israel - Hamas hay thời tiết xấu khiến giá nhiên liệu, lương thực tăng cao.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng các yếu tố này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024 và gây nguy cơ lạm phát. Dù vậy, các chuyên gia vẫn đánh giá với bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, sức cầu yếu, tín dụng và cung tiền tăng chậm, lạm phát có khó thể vọt lên trong năm tiếp theo.
Lạm phát 2023 chủ yếu do chi phí đẩy
Đánh giá về yếu tố lạm phát năm 2023, Chuyên gia kinh tế TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng lạm phát năm nay chủ yếu do chi phí đẩy chứ sức cầu trong nước vẫn còn rất thấp.
Theo ông lạm phát lõi đang giảm dần, mặc dù giảm chậm. Trong giai đoạn cuối năm ngoái, đầu năm nay lạm phát rất đáng quan ngại nhưng hiện đã giảm dần, lạm phát hiện giảm xuống chỉ còn hơn 3%.
Tuy nhiên, lạm phát tổng thể bao gồm cả lương thực, năng lượng và cả một số mặt hàng nhà nước quản lý bao gồm giá điện, giá y tế từ khoảng giữa năm nay đã tăng trở lại.
"Lạm phát tổng thể có xu hướng đảo chiều tăng tăng trở lại từ tháng 6 do giá nhiên liệu và điện, nước tăng. Các mặt hàng nhiên liệu hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới nên cũng khá thất thường nhưng đang duy trì ở mức cao", ông cho hay.
Ông Thế Anh nhận định một số yếu tố cần lưu ý khi dự báo lạm phát năm tới như xu hướng tăng của giá cả, tình hình xung đột chính trị trên thế giới và ảnh hưởng từ tỷ giá khiến nhập khẩu lạm phát.
Chuyên gia cho biết các cuộc xung đột ở Nga – Ukraine và mới đây là Israel – Hamas tác động rất rõ nét tới lạm phát qua hai vấn đề giá nhiên liệu và lương thực. Bên cạnh đó, do thời tiết không thuận lợi, giá lương thực tăng cao và xu hướng này có thể kéo dài tới năm 2025.
Cùng với đó, tỷ giá tăng, VND mất giá cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam nhập khẩu lạm phát.
Kể từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 3-4% khiến giá cả hàng hoá nhập khẩu tăng cao.
Phân tích sâu vào các nhóm hàng trong rổ hàng hoá, PGS TS. Phạm Thế Anh cho rằng các nhóm hàng không thiết yếu như: Văn hoá, giải trí và du lịch, thiết bị đồ dùng gia đình, đồ may mặc tăng trưởng rất thấp, dưới 2% cho thấy sức cầu tiêu dùng trong nước rất thấp, trong khi năng lực sản xuất của các mặt hàng này tương đối tốt.
Theo chuyên gia, lạm phát cao ở Việt Nam trong các tháng vừa qua chủ yếu do chi phí đẩy và điều tiết giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý chứ sức cầu vẫn rất yếu.
Ông nhấn mạnh lạm phát năm tới khó có thể tăng mạnh chủ yếu do tổng cầu thấp song vẫn cần lưu ý về yếu tố quốc tế, khi giá dầu, giá lương thực lên cao sẽ gây ra nhập khẩu lạm phát đối với Việt Nam. Nếu không kiểm soát tốt lạm phát, lãi suất, tín dụng, để tăng trưởng nóng sẽ gây ra các rủi ro bong bóng trên các thị trường tài sản.
"Do đó, xu hướng chính sách trong năm tới tiếp tục là nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, tuy nhiên chính sách tiền tệ tuy chưa phải đảo chiều nhưng sẽ cần cẩn trọng hơn với lạm phát cũng như rủi ro về thị trường tài sản", chuyên gia dự báo.
Lạm phát có chịu áp lực từ tăng trưởng cung tiền, vụ việc SCB?
Một yếu tố khác được lo ngại sẽ tác động đến lạm phát trong tương lai là tăng trưởng cung tiền tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia yếu tố này không đáng lo ngại.
Tính đến hết tháng 9, tăng trưởng cung tiền mới chỉ đạt 5,6% thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu cả năm và giai đoạn trước đó. Chuyên gia kinh tế - tài chính Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng chỉ số cung tiền (M2) từ đầu năm đến giờ đạt gần 6% như NHNN công bố.
Theo ông, mặc dù mức tăng trưởng này khá thấp nhưng cũng gấp 1,6 lần so với năm ngoái. Nếu so sánh M2 của tháng 9/2023 với tháng 9/2022 thì tăng trưởng cung tiền ở khoảng gần 9%.
Chuyên gia nhìn nhận lượng cung tiền đang phục hồi khá ổn từ tháng 7 đến giờ song chưa đến mức gây ra lạm phát. Việc cung tiền phục hồi tốt trong quý III/2023 cho thấy sự hồi phục cả về tín dụng lẫn các lượng cung tiền khác.
Song lạm phát năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở khoảng 3,3% và đang giảm do sức cầu trong nước còn yếu, vòng quay tiền, cung tiền vẫn ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng.
Ông Lực cho rằng các diễn tiến mới của các vụ án như Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường do câu chuyện đã xảy ra cách đây một năm, vừa rồi là công bố kết quả điều tra.
Lâu nay NHNN vẫn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Với Ngân hàng SCB, khó khăn về thanh khoản đã được NHNN xử lý trong cả năm vừa qua chứ không phải bây giờ mới làm. Vì vậy, không cần quá lo ngại về vấn đề này, ông cho hay.