HP, Dell, Microsoft và Amazon muốn rời Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại
Ảnh: AP
HP và Dell lên kế hoạch chuyển 30% sản lượng máy tính đi khỏi Trung Quốc
Các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng toàn cầu, gồm HP, Dell, Microsoft và Amazon, đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, từ đó đe dọa vị thế quốc gia sản xuất thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới của nước này.
HP và Dell, hai hãng sản xuất máy tính cá nhân số một và số ba thế giới, đang lên kế hoạch chuyển 30% sản lượng máy tính xách tay ra khỏi Trung Quốc. Theo Nikkei Asian Review, hai hãng trên cùng nhau chiếm khoảng 40% thị trường toàn cầu.
Microsoft, Google, Amazon, Sony và Nintendo cũng sắp lũ lượt rời đi
Microsoft, Google, Amazon, Sony và Nintendo cũng đang xem xét chuyển khâu sản xuất một số máy chơi game và loa thông minh khỏi đất nước tỉ dân dân.
Các nhà sản xuất máy tính cá nhân hàng đầu khác như Lenovo Group, Acer và Asustek Computer cũng đang đánh giá kế hoạch di dời.
Kế hoạch "di cư" của loạt công ty công nghệ, vốn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thúc ép, không thay đổi bất chấp hai nước đã nhất trí hòa hoãn để nối lại đàm phán sau cuộc gặp Trump - Tập hồi cuối tuần trước ở hội nghị thượng đỉnh G20 (Osaka, Nhật Bản).
Nhiều nguồn tin cho biết, tình hình vẫn còn không chắc chắn, trong khi chi phí gia tăng tại Trung Quốc cũng khiến nhà sản xuất phải nhanh chóng đánh giá phương án thay thế.
Quyết định dời sản xuất của một số thương hiệu máy tính và máy chơi game hàng đầu thế giới, mà sản phẩm vốn hướng đến thị trường Mỹ, diễn ra sau nhiều đánh giá của các công ty công nghệ khác.
Apple đang nghiên cứu tác động về chi phí của việc chuyển địa điểm sản xuất 30% sản lượng điện thoại thông minh của hãng, Nikkei Asian Review đưa tin vào tháng trước.
Cùng lúc đó, các nhà sản xuất máy chủ, sản phẩm mạng và linh kiện điện tử quan trọng đang rời khỏi Trung Quốc, thường là do yêu cầu của khách hàng tại Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ mất nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính
Động thái này sẽ giáng đòn nặng nề vào hoạt động xuất khẩu hàng điện tử của Trung Quốc, vốn là lĩnh vực tiếp "nhiên liệu" cho tăng trưởng của đất nước trong nhiều thập kỉ qua. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất máy tính cá nhân và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Tổng nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc trong phân khúc hàng điện tử đã tăng vọt 136 lần từ 10 tỉ USD năm 1991 lên con số 1,35 nghìn tỉ USD năm 2017, theo công ty cung cấp dữ liệu QianZhan.
Tuy nhiên, nhiều công ty công nghệ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Trước đó, Mỹ đã áp thuế quan lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và mối đe dọa về một đợt thuế quan mới vẫn còn treo "lủng lẳng".
Rủi ro dài hạn của Trung Quốc mới là nguyên nhân quan trọng nhất của cơn địa chấn?
Các hãng chuyên xây dựng trung tâm dữ liệu lớn như Quanta Computer, Foxconn Technologies và Inventec đều đã chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan, Mexico và Cộng hòa Séc để tránh mối đe dọa về thuế quan bổ sung và làm giảm bớt lo ngại của khách hàng đối với cáo buộc về rủi ro an ninh quốc gia của Mỹ.
"Sau khi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 24/9/2018, chúng tôi đã bắt đầu sản xuất và vận chuyển máy chủ ra khỏi Trung Quốc từ tháng 10/2018", giám đốc của một hãng sản xuất máy chủ Đài Loan cho hay.
Thay đổi trên đang làm dấy lên mối lo ngại về nạn thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, vốn đã ghi nhận tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.
Mỹ có thể sẽ cảm thấy một số tác động tiêu cực từ cuộc dịch chuyển sản xuất bởi giá sản phẩm có thể đắt hơn, ông Darson Chiu, nhà kinh tế về thương mại tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định. "Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ gánh chịu phần tác động còn lại vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải chuẩn bị cho một đợt chững lại và nhiều công nhân nhà máy phải tìm kiếm việc làm ở nơi khác".
HP và Dell chủ yếu sản xuất máy tính ở các thành phố Trùng Khánh và Côn Sơn - hai cụm sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới. Vào năm ngoái, hai hãng này đã xuất xưởng tổng cộng 70 triệu máy tính xách tay trên toàn cầu.
Máy tính xách tay, với số lượng xuất xưởng vượt 160 triệu chiếc trên toàn cầu, là thiết bị điện tử tiêu dùng lớn thứ hai thế giới tính theo khối lượng, chỉ đứng sau 1,4 tỉ chiếc điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, Trung Khánh (từng sản xuất một phần ba máy tính xách tay trên thế giới) đang mất dần sự thu hút trước các nhà sản xuất toàn cầu. Một quan chức thuộc chính quyền địa phương cho hay, HP đã hạ dự báo sản xuất năm 2019 xuống dưới 10 triệu chiếc máy tính xách tay, giảm khoảng một nửa sản lượng hai năm trước.
"Chi phí sản xuất tăng vọt đã dẫn đến sự sụt giảm về số lượng đơn đặt hàng trên toàn cầu. Hiện tại, bất ổn gắn liền với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến tình trạng tồi tệ hơn", vị quan chức này nói.
HP đã vạch ra kế hoạch chuyển khoảng 20 - 30% sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Hãng đang xem xét việc xây dựng dần chuỗi cung ứng mới ở Thái Lan hoặc Đài Loan. Quá trình này có thể bắt đầu sớm nhất là vào cuối quí III/2019, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến mới của chiến tranh thương mại.
Dell đã bắt đầu vận hành thử nhà máy sản xuất máy tính xách tay ở Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Nguồn tin thân cận cho hay Dell muốn né tránh khả năng đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sụp đổ, nhưng hãng cũng lo ngại về sự thiếu hụt công nhân nhà máy và chi phí gia tăng ở Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Amazon (sản xuất máy đọc sách điện tử Kindle và trợ lý ảo), Echo và Nintendo đang xem xét Việt Nam như một lựa chọn thay thế, trong khi Microsoft để mắt đến Thái lan và Indonesia.
Ngay cả khi Washington và Bắc Kinh giải quyết tranh chấp lâu dài giữa họ, sự chuyển dịch này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng dưới vai trò là một cơ sở sản xuất thiết bị điện tử.
"Doanh nghiệp không còn đường lùi, không chỉ vì thuế quan mà còn để giảm rủi ro dài hạn (chẳng hạn như chi phí lao động tăng)", một chuyên gia nhận định. "Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử có khả năng cạnh tranh cao trong những năm tới".