|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ chối bán công ty cho Coca-Cola, Tân Hiệp Phát tự tin đưa sản phẩm 8.000 - 10.000 đồng của người Việt ra thế giới

17:23 | 03/04/2019
Chia sẻ
Là một doanh nghiệp địa phương ngành nước giải khát dám đầu tư 10 dây chuyền công nghệ Đức trị giá 300 triệu USD thời điểm 2014, từ chối hợp đồng hợp tác trị giá 2,5 tỉ USD, Tân Hiệp Phát còn gây chú ý bởi tham vọng 'ra biển lớn'.

Từ chối lời mời hợp tác trị giá 2,5 tỉ USD và cuộc đầu tư lớn vào công nghệ

Đó là câu chuyện mà bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát chia sẻ tại Hội thảo Doanh nghiệp Việt ra biển lớn do báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 2/4 tại TP HCM.

Theo bà Uyên Phương, năm 2012, Tân Hiệp Phát nhận được lời mời hợp tác từ "anh cả đầu ngành" Coca-Cola. Đó là một cơ hội lớn với Tân Hiệp Phát và bất kỳ doanh nghiệp nào tại thời điểm đó. Tuy nhiên, mất gần 1 năm đàm phán, chia sẻ chủ trương phát triển công ty nhưng cuối cùng, doanh nghiệp đã từ chối lời mời hợp tác trị giá 2,5 tỉ USD từ "ông lớn" này.

Lý giải nguyên nhân của sự hợp tác bất thành, bà Trần Uyên Phương cho biết: "Tiền không phải là tất cả. Đối tác yêu cầu chúng tôi chỉ bán sản phẩm ở Việt Nam, Lào và Campchia và ngừng sản xuất các sản phẩm mới. Đó không phải là sứ mệnh và tầm nhìn của Tân Hiệp Phát".

Từ chối bán công ty cho Coca-Cola, Tân Hiệp Phát tự tin đưa sản phẩm 8.000 - 10.000 đồng của người Việt ra thế giới - Ảnh 1.

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát chia sẻ tại Hội thảo Doanh nghiệp Việt ra biển lớn do báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 2/4 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh

Hai năm sau đó, vào năm 2014, công ty đầu tư 10 dây chuyền công nghệ Aseptic trị giá lên đến 300 triệu USD của Tập đoàn GEA (Đức). Thời điểm công bố kế hoạch, không ai tin rằng một doanh nghiệp địa phương dám đầu tư đến 10 dây chuyền công nghệ Aseptic. 

Bà Phương nhận định: "Mọi người nghĩ vậy cũng bình thường bởi khi đàm phán với doanh nghiệp Đức từ những năm 2007-2008, họ cũng không tin một công ty địa phương như chúng tôi có tiền để trả và việc đàm phán kéo dài 7 năm sau mới ký kết được hợp đồng." 

Việc đầu tư dây chuyền công nghệ Aseptic đã thay đổi chất lượng của nước giải khát. Đó là câu chuyện rất thách thức cho các doanh nghiệp Việt và lý do "một doanh nghiệp địa phương" lại dám đầu tư lớn như vậy theo bà Phương: "Chúng tôi vẫn nghĩ là chất lượng phải là yếu tố đầu tiên, chất lượng bao gồm từ mùi vị đến sản phẩm".

Tham vọng dẫn đầu trong nước và đưa sản phẩm Việt ra thế giới

Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát tiết lộ, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã xúc tiến triển khai các dự án đầu tư, xây dựng các nhà máy nước giải khát hiện đại tại Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang. 

"Tân Hiệp Phát vừa hoàn tất nhà máy ở Hậu Giang. Nhà máy sẽ phục vụ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và phục cho hoạt động xuất khẩu vì nó thuận tiện ở đường biển". Và hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã được xuất sang nhiều thị trường, thậm chí, có những nơi chủ động liên hệ với doanh nghiêp: "Như hôm trước chúng tôi vừa nhận cuộc điện thoại từ Maldives chẳng hạn", bà Phương nói.

Tuy nhiên, đưa một thương hiệu Việt ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Theo bà Trần Uyên Phương, việc thay đổi khẩu vị, sở thích của người tiêu dùng đối với một sản phẩm bình quân từ 8.000 - 10.000 đồng như nước uống đóng chai là rất nhanh, chỉ cần một thông tin sai lệch là họ có thể chuyển đổi sang một thương hiệu khác. 

"Vì thế, làm sao xây dựng uy tín, xây dựng thương hiệu từ Việt Nam, từ đó xây dựng thương hiệu ra thế giới là một trong những bài toán mà chúng tôi luôn trăn trở", bà Phương thổ lộ.

Từ chối bán công ty cho Coca-Cola, Tân Hiệp Phát tự tin đưa sản phẩm 8.000 - 10.000 đồng của người Việt ra thế giới - Ảnh 2.

Thị trường nước giải khát ngày càng đa dạng mang đến sự lựa chọn phong phú cho người tiêu dùng. Ảnh: Như Huỳnh

Hiện nay người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những  sản phẩm tự nhiên Organic, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, ở châu Á sở hữu nhiều công thức, bí quyết mà ở châu Âu, ở Mỹ họ không hiểu vì sao người châu Á ngày càng trẻ. "Châu Á có bí quyết về công thức, thảo mộc, thứ mà người tiêu dùng châu Âu, Mỹ muốn. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt", bà Phương cho hay.

Nắm bắt được nhu cầu ấy, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát khẳng định sản phẩm của doanh nghiệp sẽ ra "biển lớn". Và theo bà Phương, "biển lớn" không chỉ là ra khỏi biên giới, mà biển lớn còn ở ngay trong sân nhà với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay. 

"Rất nhiều sự đầu tư và doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu ngành muốn vào Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải cải tiến, hoàn thiện mình để có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường", Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nhấn mạnh.




Như Huỳnh

Sếp Vicem Hà Tiên: Giá bán xi măng vào sân bay Long Thành 'rất chua chát'
Lãnh đạo công ty cho biết thường cung cấp 50-100% sản lượng xi măng ở các dự án lớn phía Nam, theo đó kỳ bạn cung cấp ít nhất gần nửa triệu tấn cho siêu dự án này dù giá biên lợi nhuận không cao.