Không thể xây dựng niềm tin, doanh nghiệp Việt đừng mơ nhận vốn từ các quỹ đầu tư ngoại
Gọi vốn trong bốn từ "xây dựng niềm tin"
Đó là bí quyết gọi vốn thành công của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản An Gia chia sẻ tại Hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 2/4 tại TP HCM.
Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản An Gia, cho biết doanh nghiệp khởi đầu là một đơn vị môi giới vào năm 2008. Đến năm 2014, doanh nghiệp mới thể hiện vai trò chủ đầu tư dự án đầu tiên là The Garden.
Cộc mốc lớn trong quá trình phát triển của An Gia là tháng 7/2015, khi công ty đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ Đầu tư Creed Group của Nhật Bản. Quá trình kêu gọi vốn với quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, nổi tiếng với những tiêu chuẩn, khắt khe theo ông Tín, gói gọn trong bốn từ "xây dựng niềm tin".
"Đó là phải khiến đối tác tin tưởng, dựa trên sự hợp tác chân thành. Và một khi đã tin tưởng lẫn nhau, quá trình gọi vốn cũng trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt An Gia và Creed Group luôn tâm niệm là hướng đến sự hợp tác lâu dài, xây dựng một thương hiệu bất động sản uy tín và hướng đến khách hàng, chứ không phải hoàn toàn dựa trên lợi nhuận", ông Tín chia sẻ.
Hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 2/4 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh
Creed Group, một quỹ đầu tư hàng đầu Nhật Bản, đang quản lý nguồn vốn lên đến 5 tỉ USD và đã đồng hành cùng An Gia Investment trong phát triển các dự án căn hộ đẳng cấp với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả trong và ngoài nước.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Tín cho hay, hợp tác với người Nhật tiêu chuẩn đầu tiên là đường dài, chứ không phải là lợi nhuận."Kinh nghiệm lớn nhất khi chúng tôi làm việc với đối tác nước ngoài, mà cụ thể là Creed Group, là luôn minh bạch và công khai thông tin. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên", ông Nguyễn Trung Tín nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, đối tác nước ngoài cũng đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Yamaguchi Masakazu, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Creed Group, nhận định rằng, Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ, chịu khó làm việc và giải quyết khó khăn, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nên các đối tác Nhật sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín để đầu tư.
"Bí quyết của sự hợp tác thành công giữa công ty nước ngoài và công ty Việt Nam là sự tôn trọng lẫn nhau và chìa khóa quan trọng là sự giao tiếp và giữ uy tín, nếu không sẽ tự đào thải khỏi thị trường", người đại diện Creed Group khẳng định.
Bí quyết gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, cho biết, theo nghiên cứu của Bain & Company, một Công ty nghiên cứu về quản lý trên thế giới, dự đoán rằng trong vòng 3-5 tới tổng vốn đầu tư vào thị trường Đông Nam Á sẽ đạt tới 70 tỷ USD, trong đó 90% dòng vốn của các nhà đầu tư trên thế giới xác định Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến quan trọng nhất.
"Hai trong số ngành nghề sẽ thu hút tới 70% số tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam và Indonesia sẽ nằm trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ hoặc sử dụng công nghệ để thay đổi các ngành chủ chốt", ông Khanh thông tin.
Tương tự, nghiên cứu của HSBC cũng nhận định rằng trong vòng 12 năm tới, khoảng 300 tỉ USD giá trị được tạo ra từ những thay đổi số hóa về công nghệ ở trên thị trường Việt Nam. Đây là những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, thị trường và tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.
Để gọi vốn thành công từ quĩ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, ông Trần Nhật Khanh cho rằng tiêu chí đầu tư của quỹ này rất đơn giản: "Đó chính là thị trường, sản phẩm đủ lớn hay không? Nếu thị trường đủ lớn, thì sản phẩm của doanh nghiệp có mang tính cách mạng không, sao chép theo nước ngoài không? Sản phẩm tạo ra có mang lại giá trị xã hội hay không? Và điều quan trọng nhất là tiềm năng để nhân rộng sản phẩm của doanh nghiệp ra khỏi biên giới Việt Nam ra sao?"
Bên cạnh đó, VinaCapital Ventures cũng rất quan tâm đến tiêu chí đánh giá về con người, đội ngũ sáng lập của doanh nghiệp có tầm nhìn và có khả năng thực thi tầm nhìn của mình.
"Chúng tôi thích những doanh nghiệp khởi nghiệp mà mỗi người trong đó một kỹ năng khác nhau về tài chính, về công nghệ, số hóa, cách bán hàng hơn là những công ty mà chỉ có một người giỏi để điều hành tất cả mọi thứ", ông Khanh nói.
Từng bước "vươn ra biển lớn"
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài, Thủ Đức House đã có 5 dự án tại TP HCM và Hà Nội. Ông Nguyễn Ngọc Trương Chinh, Phó Tổng giám đốc Thuduc House cho biết, điểm mấu chốt trong chiến lược kinh doanh của Thuduchouse là quốc tế hóa về vốn, địa bàn đầu tư và cả nhân lực.
Doanh nghiệp đã đầu tư sang Mỹ, hợp tác với các đối tác Hàn Quốc… và đã tạo nhiều kết quả tốt đẹp với khoảng 30% lợi nhuận từ việc đầu tư. "Thuduc House có kế hoạch niêm yết ra thị trường nước ngoài trong vòng 3-5 năm tới để mở rộng thêm kênh huy động vốn để thực hiện kế hoạch phát triển của công ty", Chinh chia sẻ.
Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, "vươn ra biển lớn" không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp, nhất là với hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Bởi thách thức rất lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay khi tham gia đầu tư trong nước là thủ tục hành chính.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên, cũng cho rằng, thực tế khi các doanh nghiệp Việt muốn hội nhập với các đối tác kinh tế có uy tín trên thương trường quốc tế, bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bộ ngành trung ương, địa phương.
Các doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện "vươn ra biển lớn" không hề đơn giản. Ảnh: Như Huỳnh
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư, năm 2019 TP HCM đã chọn là năm "cải cách hành chính".
Tại Sở KHĐT nhiều thủ tục được đơn giản hóa, 3 trong 1, 4 trong 1, nhiều thủ tục doanh nghiệp chỉ đầu đi 1 lần là hoàn thành. Ngoài ra TP HCM cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo làm cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Không chỉ tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, các Ngân hàng thương mại thời gian qua cũng tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tham gia nhiều chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nói rằng hệ thống ngân hàng thương mại tại thành phố năm nay sẵn sàng cung cấp nguồn vốn 500.000 tỉ đồng.
"Hệ thống ngân hàng có khả năng cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp, không thiếu vốn cho bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào. 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao", ông Minh nhấn mạnh.