|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Năng suất lao động thấp hơn nhiều nhưng ngành da giày Việt Nam vẫn cạnh tranh tốt với Trung Quốc

10:49 | 21/03/2019
Chia sẻ
Từ nay đến năm 2025, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cạnh tranh tốt cả về chi phí lao động, thu nhập trên đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu da giày Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới

Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày dệt may 2019 tổ chức tại TP HCM ngày 20/3. Hội nghị đã thu hút trên 300 nhà sản xuất, kinh doanh, cung cấp nguyên phụ liệu trong ngành da giày Việt Nam và thế giới tham dự.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), nhận định Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn 1 tỉ đôi các loại mỗi năm.

Xét về dài hạn từ nay đến năm 2025, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cạnh tranh tốt cả về chi phí lao động, thu nhập trên đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu.

"Do Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày, để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công da giày, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng cơ hội từ CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 31/12/2018 và EVFTA dự kiến ký kết và có hiệu lực trong năm 2019", ông Diệp phân tích.

Năng suất lao động thấp hơn nhiều nhưng ngành da giày Việt Nam vẫn cạnh tranh tốt với Trung Quốc - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị Quốc tế Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam 2019 diễn ra tại TP HCM ngày 20/3. Ảnh: Như Huỳnh

Mặt khác, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam và thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm nhằm tránh tác động xấu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đón đầu các Hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2019.

Việt Nam vẫn đứng thứ hai về sản lượng xuất khẩu giày dép vào Mỹ với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 10% trong năm 2018.

Xuất khẩu giày dép đạt hơn 5,2 tỉ USD, tăng 13,4% so 2017 và chiếm 35,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu túi xách đạt 1,2 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu túi xách

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc vào Mỹ, theo ông Kiệt, đã giảm đáng kể. 

"Vì thế, dù hiệu suất và năng suất lao động của Trung Quốc cao hơn Việt Nam 30-35% nhưng Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế canh tranh tốt với Trung Quốc", Phó chủ tịch Lefaso nhận định.

Tận dụng cơ hội từ CPTPP thực hiện mục tiêu xuất khẩu 21,5 - 22 tỉ USD năm 2019

Việt Nam đã kí nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) hoặc thỏa thuận kinh tế song phương, đa phương với nhiều nước thành viên thuộc CPTPP như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei. Do đó, về cơ bản doanh nghiệp đã hưởng ưu đãi thuế quan với nhiều nước. 

Mặc dù vậy, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), so với các FTA Việt Nam đã ký và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC; danh mục PSR được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể.

"Do đó, doanh nghiệp cần biết cách chọn mẫu C/O mang lại lợi ích thuế quan cao nhất, hoặc mẫu C/O nào giúp doanh nghiệp dễ chứng minh xuất xứ hàng hóa nhất, dễ cung cấp chứng từ nhất", bà Hiền khuyến nghị.

Năng suất lao động thấp hơn nhiều nhưng ngành da giày Việt Nam vẫn cạnh tranh tốt với Trung Quốc - Ảnh 2.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nói về tác động của những FTA đối với ngành da giày. Ảnh: Như Huỳnh

Theo Lefaso, tỉ lệ nội địa hóa trong ngành đã tăng nhanh, đạt ngưỡng 50%. Với tỷ lệ này, quy tắc xuất xứ không phải là trở ngại lớn với doanh nghiệp da giày trong nước. 

"Mặt hàng da giày có tỉ lệ cắt giảm thuế cao ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Hơn nữa, với những thuận lợi thương mại quy định trong hiệp định, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sang các thị trường trong khối dự kiến sẽ tăng khoảng 10 - 15% trong năm 2019", bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso chia sẻ bên lề Hội nghị.

Quan trọng hơn, những ưu đãi thuế quan hấp dẫn, CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn FDI vào lĩnh vực da giày. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất nguồn phụ liệu tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Lefaso, ngành da giày sẽ nỗ lực nội địa hoá sản phẩm với tỉ lệ 60%. Xuất khẩu da giày sẽ đứng thứ 4 và xuất khẩu túi xách sẽ đứng thứ 10, trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.

"Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày năm 2018 đạt gần 20 tỉ USD, tăng 8,3% so với năm 2017. Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày năm 2019 sẽ tăng 10% so với năm 2018 với mục tiêu xuất khẩu là 21,5 - 22 tỉ USD", đại diện Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam thông tin.


Amazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt bán hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giàyAmazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt bán hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày Mexico sẽ áp thuế nhập khẩu đến 30% với sản phẩm dệt may và da giàyMexico sẽ áp thuế nhập khẩu đến 30% với sản phẩm dệt may và da giày Tổng Thư kí Hiệp hội Da - Giày - Túi xách: Kỳ vọng cú hích CPTPP đưa kim ngạch xuất khẩu vượt 22 tỉ USDTổng Thư kí Hiệp hội Da - Giày - Túi xách: Kỳ vọng cú hích CPTPP đưa kim ngạch xuất khẩu vượt 22 tỉ USD

Như Huỳnh