|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CPTPP chỉ là cơ hội lớn với doanh nghiệp hiểu luật chơi

16:13 | 26/03/2019
Chia sẻ
Ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, mở ra những cơ hội rất lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng nó, doanh nghiệp cần hiểu biết sâu rộng về "luật chơi" và các tiêu chuẩn trong giao thương trên thị trường quốc tế.

CPTPP giúp doanh nghiệp mở cửa thị trường hàng hóa

Tại hội thảo "CPTPP – Cơ hội từ một Hiệp định mới – Chất lượng cao" do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 26/3, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, việc CPTPP chính thức có hiệu lực đã tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường xuất khẩu.

Từ ngày 14/1/2019, nước thành viên CPTPP sẽ xóa tới 78 - 95% số dòng thuế dành cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tiếp theo, với lộ trình khoảng 5 -10 năm, số dòng thuế các nước phải giảm lến đến 97-100%.

"Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận từ các hiệp định thương mại tự do  đã có hiệu lực. Ở chiều ngược lại, Việt Nam loại bỏ ngay 65% số dòng thuế. Đến năm thứ 11 chúng ta sẽ xóa 97,8% số dòng thuế cho các đối tác", bà Trang phát biểu.

CPTPP chỉ là cơ hội lớn với doanh nghiệp hiểu luật chơi - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích về cơ hội của CPTPP và những lưu ý đối với doanh nghiệp. Ảnh: Như Huỳnh

Phân tích cụ thể những cơ hội mà CPTPP mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay: "Những cam kết của CPTPP rất "mở", tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, lâm thủy sản và nhóm hàng công nghiệp. Các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là dệt may, da giày, gỗ, thực phẩm, đồ uống..."

Bà Trang nêu ví dụ, mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện trung bình trên 10%. Từ ngày 14/1/2019, các sản phẩm dệt may Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP.

Bên cạnh đó, CPTPP còn tạo điều kiện tiếp cận các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu tiềm năng. Bởi trong số 11 quốc gia tham gia CPTPP thì có 3 quốc gia ký kết FTA với Việt Nam lần đầu. 3 quốc gia này đều cam kết cắt giảm thuế quan cho hàng hóa Việt Nam với tỉ lệ rất cao, với tỷ lệ lần lượt là 94% với Canada, 81% với Peru và 77% với Mexico. 

"Đó chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường mới, với những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn", bà Trang chia sẻ.

Bên cạnh cơ hội thị trường, cơ hội giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh từ việc nhập khẩu máy móc, công nghê, nguyên phụ liệu "tốt" hơn, cùng cơ hội phát triển kênh phân phối như mở rộng hoạt động thương mại điện tử, mở cửa các dịch vụ phân phối cũng là những lợi ích cụ thể mà doanh nghiệp Việt có thể nhận thấy và tận dụng từ CPTPP.

"Với những cam kết sâu rộng về thuế quan, CPTPP hứa hẹn tạo thêm cú hích đẩy mạnh xuất khẩu cho nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp của Việt Nam", Giám đốc VCCI nhấn mạnh.

Hàng hóa phải "có xuất xứ" theo CPTPP

Đây là yêu cầu quan trọng để những cơ hội trên được đi vào thực tế. Theo các chuyên gia, để có thể hưởng ưu đãi thuế quan như cam kết, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy tắc về xuất xứ nội khối của hàng hóa.

Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế – Trọng tài thuộc VCCI chi nhánh TPHCM, cho biết, so với các FTA khác, quy tắc xuất xứ hàng hóa của CPTPP có một số điểm "mới" - gồm quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC (hàm lượng giá trị khu vực của hàng hóa).

Bên cạnh đó, danh mục quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể (PSR) quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể. CPTPP cũng đưa ra quy định "De Minimis", điều khoản quy định tỉ lệ "linh hoạt" cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc "chuyển đổi mã số hàng hóa" ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa.

Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ cũng chính là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước bên ngoài CPTPP như: Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó được hưởng ưu đãi thuế.

CPTPP chỉ là cơ hội lớn với doanh nghiệp hiểu luật chơi - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo "CPTPP – Cơ hội từ một Hiệp định mới – Chất lượng cao" do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 26/3. Ảnh: Như Huỳnh.

Ngoài quy tắc xuất xứ, Luật sư Hưng còn lưu ý các doanh nghiệp về việc lựa chọn các ưu đãi phù hợp. Theo ông Hưng, trong 11 nước tham gia CPTPP, mỗi nước đều có những cam kết riêng, cắt giảm thuế quan cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên giảm dần theo từng năm. 

Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, so sánh các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định mà Việt Nam đã có trước đó để có sự lựa chọn đúng đắn nhất.

"Mọi hiệp định đều có những lộ trình thuế quan. Nếu doanh nghiệp xuất hàng từ Việt Nam qua Nhật Bản, họ có thể lựa chọn giữa việc đáp ứng yêu cầu trong CPTPP hay các yêu cầu trong các Hiệp định mà Việt Nam đang thực hiện. Hay nếu Việt Nam đã thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và tận dụng ưu đãi thuế đã bằng 0%, mà CPTPP cao hơn thì họ nên chọn AANZFTA", ông Vũ Thành Hưng phân tích.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại "sân nhà".

"Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm không cạnh tranh trực tiếp, phân khúc thị trường không giống nhau và ưu thế trong việc hiểu thị hiếu người tiêu dùng vẫn là những lợi thế của doanh nghiệp nội địa", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhắn nhủ doanh nghiệp.

Xung đột Mỹ - Trung tăng cao, doanh nghiệp không thể lơ là phòng vệ thương mạiXung đột Mỹ - Trung tăng cao, doanh nghiệp không thể lơ là phòng vệ thương mại Thủy sản Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa những lợi ích từ CPTPPThủy sản Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa những lợi ích từ CPTPP Doanh nghiệp cần tranh thủ lợi thế từ CPTPPDoanh nghiệp cần tranh thủ lợi thế từ CPTPP


Như Huỳnh