Hòa Phát, ACB, Thế giới Di động, Vinhomes, FPT, ACV, Đất Xanh sẽ thu về bao nhiêu lợi nhuận trong năm 2021?
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa ra báo cáo nhận định triển vọng kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong quí cuối năm 2020 và trong năm 2021.
Đối với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), SSI Research cho rằng sự phục hồi trong hoạt động xây dựng nhờ đầu tư công và việc các lò cao thuộc giai đoạn 2 khu liên hợp Dung Quất dần đi vào hoạt động trong nửa cuối 2020 và 2021 sẽ là các động lực chính thúc đẩy cho sự tăng trưởng của công ty.
SSI Research dự báo lợi nhuận cả năm 2020 ở mức 12.300 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kì, trong đó lợi nhuận quí IV/2020 dự báo tăng trưởng 70% so với cùng kì.
Thép xây dựng dự kiến tăng 25% so với cùng kì lên 3,5 triệu tấn, sản lượng bán phôi thép đạt 1,85 triệu tấn, ghi nhận mức tăng ấn tượng 740% so với cùng kì.
Giả định giai đoạn 2 của Dung Quất sẽ sản xuất sản lượng HRC là 600.000 tấn vào năm 2020. Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty kì vọng tăng 19% so với cùng kì lần lượt lên 106.000 tỉ đồng và 14.500 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì nhờ đóng góp toàn bộ của giai đoạn 2 của Khu liên hợp Dung Quất.
CTCP FPT (Mã: FPT) đạt được kết quả kinh doanh (KQKD) 9 tháng đầu năm 2020 tích cực với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng trưởng lần lượt 8% và 7,8% so với cùng kì nhờ hai lĩnh vực đóng góp lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận là công nghệ và viễn thông tăng trưởng.
Với riêng khối công nghệ, mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài vẫn đóng vai trò trọng tâm, ghi nhận LNTT 9 tháng năm 2020 tăng 3,8%.
SSI Research cho rằng, tăng trưởng dương dự kiến được duy trì trong năm 2020 và cải thiện đáng kể trong năm 2021.
Động lực tăng trưởng KQKD của FPT đến từ nỗ lực gia tăng hợp đồng cung ứng dịch vụ CNTT nhờ chuyển dịch cách tiếp cận khách hàng qua kênh trực tuyến.
Bên cạnh đó, công ty gia tăng tỉ trọng dịch vụ chuyển đổi số giúp cải thiện biên LNTT của mảng CNTT nước ngoài và tăng trưởng ổn định từ lĩnh vực viễn thông trong bối cảnh mảng truyền hình (IPTV) đạt điểm hòa vốn sớm hơn dự kiến.
Theo Chứng khoán SSI, LNTT của FPT dự kiến tăng trưởng 10% trong năm 2020 và 14% vào năm 2021.
Kết thúc quí III vừa qua, FPT ghi nhận lượng tiền thuần 3.200 tỉ đồng cải thiện so với con số 2.600 tỉ đồng vào cuối quí II/2020, giúp doanh nghiệp có khả năng ứng phó với các rủi ro hoạt động, đặc biệt khi COVID-19 bùng phát trở lại.
Kết quả kinh doanh của CTCP Thế giới Di động (Mã: MWG) cũng cho thấy sự hồi phục sau những tác động của COVID-19. Lợi nhuận sau thuế (LNST) quí III công ty tăng trưởng 11% so với cùng kì nhờ các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng ở mức độ vừa phải và tùy khu vực khi làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát, giúp MWG hoạt động ổn định hơn.
Doanh thu Bách hóa Xanh tăng trưởng mạnh 86% so với cùng kì, bù đắp ảnh hưởng bởi doanh thu sụt giảm tại Thế giới di động và Điện máy Xanh. Biên lãi gộp cải thiện từ 19,7% quí III/2019 lên 22,4% quí III/2020.
SSI Research dự báo LNST của MWG trong năm 2020 đạt 3.870 tỉ đồng, tăng 1% so với cùng kì. Sang năm 2021, LNST ước tăng 36% so với cùng kì, đạt 5.300 tỉ đồng nhờ sự hồi phục của tiêu dùng không thiết yếu, gia tăng thị phần trong mảng ICT do ảnh hưởng của dịch bệnh và lợi nhuận mảng bách hóa cải thiện.
Với CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), doanh thu quí IV/2020 của dự kiến giảm 7% so với cùng kì do nhu cầu yếu ở thị trường Mỹ và EU trong bối cảnh các đợt bùng phát tiếp theo của dịch Covid-19 có thể xảy ra.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận quí cuối năm 2020 sẽ được cải thiện nhờ hòan nhập dự phòng do giảm giá hàng tồn kho. Vĩnh Hoàn có thể hoàn nhập một phần dự phòng đã trích lập trong quí III do giảm giá hàng tồn kho, giúp tỉ suất lợi nhuận gộp đạt 20% trong quí cuối năm.
Cả năm 2020, SSI Research ước tính doanh thu thuần Vĩnh Hoàn đạt 7.100 tỉ đồng, giảm 9,6% so với cùng kì và lãi ròng đạt 858 tỉ đồng, giảm 27,3%. Sang năm 2021, dự báo Vĩnh Hoàn có thể thu về 8.800 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 23,7% so với cùng kì và lợi nhuận ròng đạt 1.100 tỉ đồng, tăng 24,7%.
Các nhà phân tích SSI cũng dự báo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bất động sản dự báo sẽ hồi phục từ quí IV năm nay.
Đơn cử, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) mặc dù khó có thể đạt kế hoạch đầu năm đề ra do khoản lỗ lớn từ thoái vốn tại LDG và thiếu hụt khoản lợi nhuận được chia từ công ty này sau khi thoái vốn, song công ty có thể thoát lỗ trong quí IV/2020 nhờ ghi nhận một phần Gem Skyworld và dự án thấp tầng ở Uông Bí đã bán trước đây.
Trong năm 2021, công ty kì vọng đạt KQKD bật tăng tốt so với mức nền rất thấp của năm 2020 nhờ các dự án nổi bật như Opal Boulevard, Gem Skyworld và St Moritz bán khá tốt trong hai năm vừa rồi.
Tương tự, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) dự kiến bàn giao khoảng 11.000 sản phẩm từ các dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park trong quí IV/2020, kéo KQKD quí này tăng trưởng.
Ngoài ra, Vinhomes dự kiến có 373 ha đất cho thuê giai đoạn 2021 - 2022 tại khu công nghiệp tại Hải Phòng sẽ đóng góp vào lợi nhuận từ năm 2021.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực khu công nghiệp như CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) có quĩ đất cho thuê lũy kế đến cuối năm 2019 đạt 436 ha đất khu công nghiệp và 5.600 m2 đất nhà xưởng.
Trong năm 2019, Sonadezi Châu Đức đã kí 7 hợp đồng với tổng diện tích cho thuê là 55 ha. Diện tích đất sẵn sàng cho thuê đến quí III/2020 lên đến 700 ha, đã được giải phóng mặt bằng và đền bù xong.
Theo SSI, quĩ đất sạch lớn sẽ là lợi thế giúp Sonadezi Châu Đức có được khách hàng mới nhanh hơn so với các KCN khác tại Bình Dương và Đồng Nai đã được lấp đầy với tỉ lệ cao.
Hưởng lợi từ chi phí giải phóng mặt bằng và đền bù thấp, tỉ suất lợi nhuận gộp của mảng KCN của Sonadezi Châu Đức đạt trên mức 50%. Ngoài ra, với xu hướng tăng giá thuê đang diễn ra, tỉ suất lợi nhuận của SZC sẽ được duy trì ở mức trên 62% vào năm 2020.
Năm 2020, dự báo tổng diện tích công ty cho thuê mới sẽ đạt 50 ha; năm 2021 đạt 80 ha.
Trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 từ 11,75% lên 14,75%.
Do đó, SSI Research dự báo LNTT năm 2020 và 2021 lần lượt 8.200 tỉ đồng và 9,500 tỉ đồng, tăng lần lượt tăng 9,2% và 15,5% so với năm liền trước (chưa bao gồm khoản phí trả trước của thỏa thuận độc quyền bancassurance).
Ngân hàng vẫn đang đàm phán về một thỏa thuận bancassurance độc quyền. Hiện ACB đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho Manulife, AIA, FWD. Theo ban lãnh đạo của ACB, các sản phẩm của AIA đang bán tốt nhất trong số ba công ty bảo hiểm nhân thọ.
ACB cũng đã nộp hồ sơ chuyển sàn sang HOSE, dự kiến hoàn tất vào đầu tháng 12/2020.
Một doanh nghiệp khác cũng đặt kì vọng vào việc chuyển niêm yết cổ phiếu sang HOSE là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV). Trong ngắn hạn, công ty kì vọng phương án quản lí khu bay có thể được chấp thuận, như vậy quá trình cổ phần hóa có thể được hoàn tất trong quí I/2021, mở đường cho việc chuyển niêm yết sàn HOSE.
Bên cạnh đó, ACV có thể phản ứng với các thông tin tích cực về việc phê duyệt dự án sân bay Long Thành.
Mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, ACV vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh có lãi (LNTT 156 tỉ trong quí III/2020) nhờ khả năng kiểm soát chi phí và số dư tiền mặt lớn.
Dự báo LNST của ACV giảm 83% trong năm 2020, và kì vọng sẽ phục hồi tăng mạnh 177% trong năm 2021. Theo SSI, ACV vẫn là cổ phiếu tốt trong ngành, nhờ ưu thế độc quyền về quản lí sân bay và tình hình tài chính tốt, sẵn sàng hưởng lợi khi có các tín hiệu phục hồi về đường bay quốc tế.