|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hình bóng Shark Liên cùng những ẩn số về chất lượng tài sản tại Bảo hiểm Viễn Đông

12:09 | 12/11/2019
Chia sẻ
Madam Liên của chương trình Shark Tank Việt Nam dự kiến sẽ là nhà đầu tư góp thêm 63 tỉ đồng để tăng vốn tại CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) trong thời gian tới.
1865422

Shark Liên tại sự kiện ra mắt ứng dụng bảo hiểm LIAN (Ảnh: VnReview)

Từng được mệnh danh là "Nữ hoàng trong ngành bảo hiểm", trong vài tháng trở lại đây, tên tuổi của bà Đỗ Thị Kim Liên được công chúng biết đến nhiều hơn khi trở thành nhà đầu tư chính trong chương trình truyền hình thực tế - Thương vụ bạc tỉ (Shark Tank Việt Nam).

Shark Liên được giới thiệu là người sáng lập của ứng dụng bán bảo hiểm tự động LIAN, giúp các cá nhân có thể dễ dàng đăng ký các gói bảo hiểm của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), và chiều ngược lại được thanh toán một cách nhanh chóng.

Hình bóng Shark Liên tại Bảo hiểm Viễn Đông

Theo tìm hiểu, dù không nắm giữ trực tiếp cổ phần cũng như vị trí trong HĐQT và Ban điều hành, Shark Liên vẫn có mối liên hệ mật thiết với công ty Bảo hiểm Viễn Đông, thậm chí có những giao dịch mua bán tài sản lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Tính đến thời điểm 30/9/2019, cổ đông lớn nhất tại VASS là CTCP Thủ phủ Tre (Bamboo Capital), sở hữu 52% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Bamboo Capital chỉ là công ty nhận ủy thác đầu tư từ bà Đỗ Thị Minh Đức, là em gái của Shark Liên. Bà Minh Đức hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT tại Bảo hiểm Viễn Đông.

Các cổ đông khác tại VASS đều là cổ đông cá nhân, trong đó bao gồm những cái tên đang là thành viên cốt cán tại doanh nghiệp do bà Liên là người sáng lập. 

Viễn Đông 4

BM tổng hợp

Bảo hiểm Viễn Đông vốn điều lệ 500 tỉ đồng, đang có kế hoạch phát hành tăng lên 700 tỉ đồng. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, VASS đã thông qua danh sách nhà đầu tư được chào bán cổ phần. 

Đáng chú ý, người được quyền mua nhiều nhiều nhất không phải ai xa lạ chính là bà Đỗ Thị Kim Liên, với 6,3 triệu đơn vị.

Viễn Đông 5

Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ VASS

Nguồn vốn mà Shark Liên và các nhà đầu tư rót vào, có thể giúp cải thiện tình hình vốn chủ sở hữu, khả năng thanh toán và thực hiện chi trả bồi thường bảo hiểm của công ty Viễn Đông…

Cơ cấu sở hữu của VASS cũng sẽ có sự thay đổi khi công ty này thông qua việc cho phép cổ đông lớn giao dịch mà không cần chào mua công khai.

Trong đó hai giao dịch của CTCP Bamboo Capital bán cho Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus, tổng 14 triệu cổ phiếu; giao dịch của ông Tạ Bình Nguyên và bà Trương Ngô Sen cho CTCP Đầu tư Một Trăm, mỗi bên 4,5 triệu cổ phiếu.

Được biết Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus do bà Đỗ Thị Kim Liên là người đại diện pháp luật, còn CTCP Đầu tư Một Trăm do em gái Shark Liên - bà Đỗ Thị Minh Đức là người đại diện pháp luật, cả hai công ty đều đặt trụ sở tại số 19 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP HCM.

Theo kế hoạch, các giao dịch nói trên dự kiến được thực hiện trong quí III, nhưng thực tế chưa được hoàn thành. 

Lợi nhuận ngày càng "mỏng", chưa thoát lỗ luỹ kế

Theo số liệu thống kê, kết quả kinh doanh của Bảo hiểm Viễn Đông bắt đầu tăng trưởng ấn tượng từ năm 2016. Doanh thu của công ty bảo hiểm này tăng hơn hai lần so với năm trước đó, đạt 1.621 tỉ đồng; cùng với đó số lỗ cũng giảm một nửa từ 418 tỉ đồng xuống còn hơn 200 tỉ đồng.

Đỉnh cao của Bảo hiểm Viễn Đông là vào năm 2017, khi doanh thu của công ty đạt 2.951 tỉ đồng, tăng 82% và lãi sau thuế 249 tỉ đồng. Đây chính là kết quả kinh doanh kỷ lục của doanh nghiệp có liên quan đến Shark Liên trong nhiều năm.

Viễn Đông 1

BM tổng hợp

Nhưng cũng từ đây, doanh thu của Bảo hiểm Viễn Đông bắt đầu đi xuống và lợi nhuận sau thuế sụt giảm nhanh chóng.

Trong quí III/2019, Bảo hiểm Viễn Đông dù đạt doanh thu 911 tỉ đồng, tăng hơn hai lần, nhưng lỗ gần 23 tỉ đồng. Khoản lỗ này kéo lợi nhuận 9 tháng của công ty xuống còn chưa đầy 30 tỉ đồng dù doanh thu vẫn tương đối cao, đạt 2.337 tỉ đồng.

Trong năm 2019, Bảo hiểm Viễn Đông đặt kế hoạch doanh thu bảo hiểm thuần 2.000 tỉ đồng và lợi nhuận ròng 182 tỉ đồng. Như vậy doanh thu đã vượt nhưng lợi nhuận còn kém xa mục tiêu đặt ra.

Lưu ý, mặc dù báo lãi trong gần 3 năm, nhưng Bảo hiểm Viễn Đông vấn chưa thể xóa hết phần lỗ lũy kế là hậu quả của các khoản đầu tư thua lỗ của những năm trước đó. Tại thời điểm 30/9/2019, lỗ lũy kế của VASS 456 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ còn lại hơn 46 tỉ đồng. 

Lý giải cho việc lợi nhuận ròng của Bảo hiểm Viễn Đông sụt giảm đến từ việc chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày một tăng cao. Qua nhiều năm, chi phí mua ngoài luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của công ty. Cùng với đó, các loại chi phí cho hoa hồng bảo hiểm, chi phí nhân công cũng tăng nhanh.

Đi kèm với tăng trưởng doanh thu, chi phí khen thưởng đại lý mới phát sinh từ năm 2017 giờ đây trở thành loại chi phí thường niên mỗi năm ngốn của Bảo hiểm Viễn Đông trên 200 tỉ đồng.

Viễn Đông 2

Dấu hỏi lớn về quản trị rủi ro và chất lượng tài sản của đơn vị kinh doanh bảo hiểm

Đối với hầu hết các đơn vị kinh doanh bảo hiểm thì hoạt động đầu tư tài chính được xem như là một "át chủ bài", quyết định sự an toàn và hiệu quả đồng vốn. Nhưng với Bảo hiểm Viễn Đông, hoạt động này cho thấy những vấn đề về quản trị rủi ro.

Tại thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản của Bảo hiểm Viễn Đông đạt gần 1.300 tỉ đồng. Trong đó, các khoản tiền mặt ghi nhận 63 tỉ đồng; đầu tư ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng 71 tỉ đồng. Đây là một con số quá nhỏ so với các công ty bảo hiểm lớn khác trên thị trường, khoảng 40-50% tổng tài sản.

Trong khi đó, tài sản phân bổ của đơn vị này chủ yếu nằm ở các khoản phải thu khác (194 tỉ đồng, chủ yếu là các khoản tạm ứng); ngoài ra, các khoản phải thu lớn từ các cá nhân cũng đặt ra nhiều nghi ngại về chất lượng lài sản.

Phải thu

Nguồn: BCTC Bảo hiểm Viễn Đông quí III

Đáng chú ý, Bảo hiểm Viễn Đông có nhiều khoản đầu tư dài hạn vào công ty con, công ty liên kết lỗ mất vốn hay phải trích lập dự phòng quá nửa. 

Bảo hiểm Viễn Đông đang đầu tư hơn 54 tỉ đồng vào CTCP Chứng khoán Viễn Đông nhưng công ty này đã giải thể năm 2016 (trích lập gần như toàn bộ); đầu tư gần 14 tỉ đồng vào CTCP Dịch vụ Đầu tư LIAN (mới thành lập tháng 5/2019). Đầu tư 73 tỉ đồng vào CTCP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14, mua lại từ bà Đỗ Thị Minh Đức nhưng đang bị Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi do đầu tư chưa phù hợp qui định.

Các khoản đầu tư dài hạn khác của Bảo hiểm Viễn Đông trị giá hơn 102 tỉ đồng đang phải dự phòng hơn 15 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào CTCP Bột mì Bình An và CTCP Luyện Cán Thép Phú Thọ lỗ mất vốn toàn bộ.

Một số khoản đầu tư có hiệu quả hiếm hoi của Bảo hiểm Viễn Đông bao gồm CTCP An Phú (46 tỉ đồng), CTCP Gạch Đồng Tâm (30,5 tỉ đồng) và CTCP Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP HCM (hơn 10 tỉ đồng).

Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính mỗi năm của công ty có liên quan đến Shark Liên chỉ vỏn vẹn tài tỉ đồng. 

Một điểm rất đáng chú ý trong chuyển dịch cơ cấu tài sản của Bảo hiểm Viễn Đông trong năm nay. Báo cáo tài chính của Bảo hiểm Viễn Đông cho thấy một trong những giao dịch mua tài sản lớn nhất của công ty này trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, Bảo hiểm Viễn Đông đã chi ra khoảng 380 tỉ đồng để mua lại dự án bất động sản tại địa chỉ 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đakao, quận 1, TP HCM từ chính Shark Liên. Đây là tòa nhà 5 tầng, 2 tầng hầm, được xây dựng trên diện tích 292 m2, diện tích mặt sàn 1.584 m2; như vậy giá mua gần 240 triệu đồng/m2 sàn.

Trong bối cảnh doanh nghiệp bảo hiểm đang lỗ luỹ kế, đặc biệt là cần vốn để cân đối tài sản và đảm bảo thanh khoản cho người mua bảo hiểm, việc Bảo hiểm Viễn Đông chuyển tiền mua bất động sản có giá trị lớn của chính Shark Liên đặt ra những dấu hỏi lớn về công tác quản trị rủi ro của những lãnh đạo của công ty bảo hiểm này.

Bạch Mộc