Chứng khoán Viễn Đông chưa thu được 135 tỷ đồng ủy thác đầu tư cho Kinh Đô
Theo quyết định của UBCKNN, CTCP Chứng khoán Viễn Đông (VDSE) bị đình chỉ hoạt động từ ngày 12/01 đến 12/07/2016 do không đáp ứng các quy định về an toàn tài chính và biện pháp xử lý.
Trong biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2016 của VDSE vừa được UBCKNN công bố, Công ty cho hay sẽ tìm đối tác chuyển nhượng hoặc dừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với số phận các khoản công nợ và khoản phải thu tại VDSE sẽ có người thu hồi thay hoặc xem như mất trắng.
Thiệt hại nhiều nhất là phải thu các cá nhân liên quan tới hợp đồng ủy thác mua cổ phần mục tiêu cho Tập đoàn Kinh Đô (KDC) gần 135 tỷ đồng, kế đến là phải thu Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) về hợp tác đầu tư 35,5 tỷ đồng.
Các khoản phải thu khác của VDSE theo BCTC kiểm toán 2015 |
Ngoài ra còn có khoản tạm ứng phải thu liên quan đến bà Bùi Thị Phượng Hằng hơn 9 tỷ đồng, khoản tài sản thiếu chờ xử lý liên quan tới khoản phải thu của ông Phan Thiên Hậu (đang bị phạt tù) 5,9 tỷ đồng.
Tổng giá trị nêu trên bằng 129% tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2015. Liên quan đến hợp đồng ủy thác mua cổ phần KDC vẫn chưa có câu trả lời nào được đưa ra.
Ngay cả Công ty kiểm toán AISC cũng cho rằng mình không thể kiểm tra tính đúng đắn và đầy đủ các khoản nợ trên với các tài liệu hiện có.
Vào tháng 1/2016, UBCKNN đã có yêu cầu VDSE tất toán hợp đồng môi giới liên quan đến công nợ phải trả KDC 135 tỷ đồng và khoản phải thu các cá nhân theo hợp đồng ủy thác mua cổ phần mục tiêu cho KDC.
Tuy nhiên, đến thời điểm lập BCTC kiểm toán 2015 (30/3/2016), các khoản nợ vẫn chây ỳ. Tính đến 31/12/2015, Công ty lỗ lũy kế 133 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1,8 tỷ đồng.
Trong biên bản đại hội 2016 đã nhiều câu hỏi của các cổ đông lớn như Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Á Châu, CTCP Thế kỷ 21 xoáy vào các khoản phải thu liên quan đến Tập đoàn Kinh Đô, Bảo hiểm Viễn Đông.
Theo ý kiến của VietABank, Ngân hàng đề nghị HĐQT VDSE có phương án giải trừ các nội dung còn tồn tại trong BCTC nhằm tìm kiếm nhà đầu tư mới hoặc chuyển nhượng Giấy phép hoạt động. ACB đề nghị VDSE thu xếp lịch làm việc với kế toán trưởng.
Trong khi đó, CTCP Thế kỷ 21 (C21) đề nghị HĐQT xem xét đóng cửa, ngừng hoạt động Công ty nhằm tránh thất thoát tài chính, bảo về quyền lợi cho cổ đông hoặc cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, nhân sự.
Bà Ngô Trương Sen - Chủ tịch HĐQT VDSE cho hay, trong thời gian tới Công ty có hai hướng, một là tiếp tục hoạt động thường ngày cơ bản nhằm tìm kiếm nhà đầu tư mới, đối tác nhận chuyển nhượng; hai là dừng hoạt động ngay.
Đối với các khoản phải thu khó đòi, VDSE đã làm việc với Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Tuy nhiên do VASS khó khăn về tài chính, vốn chủ sở hữu bị âm nên HĐQT đang thu hồi khoản này bằng cách cấn trừ vào chi phí thuê nhà phải trả hằng tháng.
Trụ sở hiện nay của VDSE được thuê lại từ VASS với chi phí 120 triệu đồng/tháng gồm chi phí thuê nhân sự, thuê điểm đặt server và quản trị, bảo dưỡng định kỳ với máy chủ, server. Các nhân sự thực hiện công việc hằng ngày của VDSE đều là nhân sự của VASS kiêm nhiệm. Được biết, vào cuối năm 2015, VDSE chỉ có khoảng 5 nhân viên làm việc.
Trong năm 2015, VASS đạt doanh thu 797 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Tuy nhiên chi phí hoạt động lên đến 943 tỷ đồng, kết quả Công ty lỗ 418 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015 thì lỗ lũy kế lên gần 635 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 332 tỷ đồng. Kế hoạch 2016 vẫn là bức màu tối với dự kiến lỗ 300 tỷ đồng.
Đại diện VDSE cho biết, HĐQT hiện tại không hề biết về cam kết thanh toán năm 2013 của VASS. Nhân sự mới không nhận được bàn giao từ nhân sự đã nghỉ việc liên quan đến nội dung này.
Theo đó, HĐQT sẽ làm việc với VASS. Trường hợp đòi được các khoản phải thu khác, HĐQT sẽ tự nguyện không nhận phần của mình mà sử dụng toàn bộ để trả cho cổ đông.
Bà Sen cho hay, trước 31/8/2016, kế toán trưởng VDSE sẽ cung cấp giải trình các nội dung của BCTC 2015 và BCTC bán niên 2016. Giữa tháng 9/2016, Công ty sẽ họp ĐHĐCĐ để biểu quyết phương hướng cụ thể.