Hệ lụy sau cơn cuồng cổ phiếu 'họ Louis': Cổ đông lớn bỏ tiền đỡ giá, NĐT hò nhau ngừng xả giá sàn
Công thức: Cứ doanh nghiệp "họ Louis" mua cổ phần là tăng trần nhiều phiên
Kể từ tháng 8, cổ phiếu "họ Louis" trở thành mối quan tâm lớn của thị trường với đà tăng phi mã. Hiện tượng các cổ phiếu có liên quan đồng loạt tăng kịch trần chỉ trong ít giờ đầu phiên giao dịch khiến nhà đầu tư không khỏi tò mò về "game" nhóm doanh nghiệp này.
Bắt đầu chuỗi tăng giá của nhóm đó là hai cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital và BII của CTCP Louis Land. Đây là hai doanh nghiệp niêm yết trước đó và có đặc điểm chung là giá cổ phiếu lao dốc mạnh về vùng đáy 1.000 - 2.000 đồng/cp trong những năm gần đây. Tiền thân của Louis Capital là CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang. Còn tên gọi cũ của Louis Land là CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư.
Từ chỗ là nhóm cổ phiếu giá "trà đá, cọng hành", BII và TGG tăng giá hàng chục lần đẩy vốn hóa lên hàng nghìn tỷ đồng. Thoạt đầu, không ai hiểu vì sao các cổ phiếu này tăng giá mạnh đến vậy, bất chấp kết quả kinh doanh, cấu trúc tài chính.
Song, công thức cổ phiếu tăng mạnh sau khi doanh nghiệp "họ Louis" thực hiện M&A, mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn được nhân rộng. Mỗi khi thị trường đón nhận thông tin Louis Capital hay Louis Land ngỏ ý mua cổ phần, ngay lập tức cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu tăng lại tăng nóng.
Theo quan sát, những cổ phiếu tăng phi mã khi vào tầm ngắm M&A của "họ Louis" có APG của Chứng khoán APG, DDV của CTCP DAP - VINACHEM, SMT của CTCP SAMETEL, VKC của CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh.
Gần đây nhất, cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức cũng có chuỗi tăng trần 10 phiên trong khoảng thời gian Louis Land công bố thông tin trở thành cổ đông lớn.
Hiện tượng nhiều cổ phiếu đồng loạt tăng trần trong nhiều phiên liên tiếp đẩy cụm từ "Louis" nóng hơn bao giờ hết. Nó xuất hiện ở hầu hết các nhóm, diễn đàn, mạng xã hội.
Cao điểm, cứ mỗi khi cổ phiếu nào trên thị trường có dấu hiệu tăng trần nhiều phiên, nhà đầu tư lao đi tìm kiếm mối quan hệ, đồn thổi về việc nhóm Louis sẽ mua cổ phần. Ví dụ, một cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng trên 100% khi Chứng khoán APG công bố trở thành cổ đông lớn, cùng thời điểm Louis Capital mua vào cổ phần của APG.
Thậm chí, để ôm mộng "ăn bằng lần", không ít nhà đầu tư còn lao đi tìm kiếm những thông tin, săn lùng những doanh nghiệp có thể là mục tiêu của "họ Louis". Bởi lẽ đó, không quá khi nói rằng NĐT đã chìm trong cơn cuồng phong cổ phiếu "họ Louis" giai đoạn vừa qua.
Nhà đầu tư vỡ mộng, kêu gọi và động viên nhau trong cơn bão giảm sàn
Giữa lúc bữa tiệc đang sôi động, cổ phiếu "họ Louis" bất ngờ đảo chiều giảm sàn hàng loạt kể từ giữa tháng 9. Kể từ vùng đỉnh, hầu hết mã giảm giá 20 - 40%. Điển hình, cổ phiếu DDV giảm từ vùng đỉnh 42.000 đồng/cp xuống còn 31.500 đồng/cp. Mã BII cũng giảm từ 33.800 đồng/cp xuống còn 21.900 đồng/cp, mất giá hơn 35%.
Ghi nhận trong phiên 24/9, loạt cổ phiếu giảm sàn và dư bán gia sàn như BII, TGG, APG, SMT, VKC và TDH. Mã DDV giảm giá gần 6% xuống còn 31.500 đồng/cp.
Trong bão giảm sàn, các NĐT nắm giữ cổ phiếu "họ Louis" đón nhận thông tin đỡ giá từ Louis Holings - cổ đông lớn của Louis Capital. Theo công bố, Louis Holdings đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu TGG trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến ngày 27/10. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và thỏa thuận.
Sau khi lao dốc từ vùng đỉnh 77.400 đồng/cp, thị giá cổ phiếu TGG còn 64.800 đồng/cp tại ngày 24/9. Ước tính với mức giá này, Louis Capital sẽ chi ra hơn 120 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Đó là hành động của cổ đông lớn, còn với những nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu này, họ đang gửi đi những lời động viên nhau trong những ngày cổ phiếu giảm sàn, kêu gọi nhau ngừng bán giá sàn hay bắt đáy tại mức giá sàn.
Những lời động viên được những nhà đầu tư đăng tải trong một hội nhóm những cổ đông nắm giữ cổ phần "họ Louis". Ảnh chụp màn hình.
Trở lại câu chuyện cổ phiếu "họ Louis", quyết định nắm giữ hay bán ra vào thời điểm này nằm ở chính quan điểm đầu tư, những đánh giá. Việc cổ phiếu có thể hồi phục với tin đăng ký mua vào hay tiếp tục lao dốc vì lực bán áp đảo vẫn còn là một dấu hỏi. Nhưng với góc nhìn của một chuyên gia trên thị trường, dù câu chuyện M&A đang được hệ sinh thái này thiết lập thì tính hiệu quả vẫn phải cần nhiều thời gian để trả lời.
Còn trong ngắn hạn, hiện tượng cổ phiếu liên tục tăng trần giảm sàn đi vùng với khối lượng tăng đột biến là tín hiệu cảnh báo với nhà đầu tư. Lúc này NĐT phải giao dịch thận trọng hơn bởi không có doanh nghiệp nào có thể thay đổi các yếu tố cơ bản như tình hình tài chính, kinh doanh, lợi nhuận nhanh đến vậy đẩy giá cổ phiếu liên tiếp tăng kịch trần.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/