Bài 1: Vai trò của ông Đỗ Thành Nhân, ai mới thực sự đứng sau Louis Holdings?
Như thường lệ, các thương vụ M&A luôn là một trong những thông tin được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, với kỳ vọng giá cổ phiếu của bên được mua lại sẽ tăng giá mạnh.
Nhiều tháng gần đây, thị trường chứng khoán nóng lên bởi nhóm cổ phiếu “họ Louis" xoay quanh câu chuyện M&A một loạt các doanh nghiệp chỉ trong vài tháng.
Chỉ trong vòng nửa năm, Louis Holdings đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái trải dài từ lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, bất động sản tới cáp điện, viễn thông.
Điểm chung của các doanh nghiệp gia nhập hệ sinh thái của Louis Holdings đều là các doanh nghiệp có quy mô vốn hoá nhỏ trên thị trường, hoạt động kinh doanh không nổi bật hoặc thậm chí từng "có vấn đề".
Chẳng hạn như Louis Land, tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Bidico), từng được cho là “cùng nhà” với CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (Mã: KSA) - doanh nghiệp từng gây chấn động thị trường trong vụ án thao túng giá cổ phiếu năm 2016.
Còn Thuduc House cũng đang đối mặt với cáo buộc trốn thuế lớn nhất trên sàn chứng khoán với số tiền lên tới hơn 450 tỷ đồng.
Dù vậy, sau khi về cùng mái nhà của Louis Holdings, các cổ phiếu đều tăng vọt một cách bất thường. Đặc biệt, có cổ phiếu đã tăng giá 13 lần chỉ trong vòng ba tháng (tính tới ngày 22/9).
Có thể thấy thị trường chứng khoán từ trước tới nay chưa có thương vụ M&A nào có sức lan toả và ghi nhận tới 9 mã cổ phiếu trong hệ sinh thái tăng bằng lần ngay khi Louis Holdings góp mặt.
Cơn điên họ cổ phiếu Louis khiến thị trường đồn thổi có nghi án thao túng giá cổ phiếu. Mới đây, phía Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã lên tiếng về việc sẽ "giám sát, theo dõi chặt chẽ" bất kỳ cổ phiếu nào có dấu hiệu bất thường.
Sức ảnh hưởng của nhóm Louis lớn tới nỗi trên thị trường chứng khoán cứ hễ có cổ phiếu nào tăng trần lại được nhà đầu tư mổ xẻ và đưa ra thuyết âm mưu rằng liệu có phải Louis Holdings sắp thâu tóm.
Vai trò của ông Đỗ Thành Nhân là gì?
Hệ sinh thái Louis xoay quanh ông Đỗ Thành Nhân (1981), vị Chủ tịch của Louis Holdings. Đây cũng là cái tên được nhà đầu tư nhắc tới nhiều nhất và được coi là "siêu anh hùng" giúp cổ phiếu họ Louis liên tục leo hết đỉnh này tới đỉnh khác.
Nhìn vào hệ sinh thái Louis, có thể thấy ông Nhân chỉ đang góp mặt ở vị trí thành viên HĐQT của các doanh nghiệp như Louis Capital, Angimex.
Ông Nhân từng là cổ đông lớn của Louis Land nhưng tới giữa tháng 6 thì chính thức giảm sỡ hữu đồng thời rút khỏi HĐQT. Ông chia sẻ, dù thoái vốn nhưng các công ty được gọi là "đối tác chiến lược" của ông vẫn đang sở hữu để kiểm soát và điều hành công ty.
Ông Nhân góp mặt trên thị trường chứng khoán một vài năm gần đây nhưng tên tuổi của ông ít được nhắc tới cho tới khi cổ phiếu họ Louis bùng nổ.
Trong một bài viết chia sẻ trên facebook ngày 5/10, ông Nhân tự nhận mình không phải dân tài chính, cũng không biết gì về chứng khoán và là một F0 mới bước vào thị trường. Thậm chí ông còn tự nhận rằng "không biết thị trường chứng khoán là những con số nhảy múa khốc liệt".
Dù bản thân ông chia sẻ là một F0 đích thực, ông Nhân được nhiều nhà đầu tư cá nhân gọi là "nhà tiên tri".
Đầu tháng 9, ông Nhân tiên tri trên facebook cá nhân rằng: "Từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái" hay "Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X, TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 2X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng [chứng]".
Sau bài đăng của ông Nhân, cổ phiếu họ Louis chứng kiến những phiên tăng trần liên tục cho tới tận ngày 22/9. Chưa cần phải chờ tới cuối năm, chỉ hai tuần sau bài đăng trên facebook của ông này, loạt cổ phiếu họ Louis đều đã đạt và vượt dự đoán của ông Nhân. Từ đó, nhà đầu tư liên tục theo dõi sát sao "nhất cử nhất động" của ông Nhân trên các mạng cộng đồng.
Tuy nhiên, sau thông tin UBCKNN đánh tiếng sẽ theo dõi sát nhóm cổ phiếu tăng bất thường bao gồm cả họ Louis, các cổ phiếu trong hệ sinh thái Louis đồng loạt lao dốc không phanh, liên tục nằm sàn.
Ngoài hoạt động ở facebook cá nhân, ông Đỗ Thành Nhân còn lập riêng nhóm có tên gọi Louis Family trên facebook với mục đích là "nơi trao đổi và chia sẻ của Chủ tịch và các cổ đông Louis Group".
Chỉ sau một tháng thành lập, nhóm Louis Famlily có tới hơn 12.900 thành viên. Đa phần nội dung trong nhóm đều xoay quanh triển vọng, viễn cảnh tươi sáng trong câu chuyện M&A của Louis Holdings, những màn khoe lãi thậm chí "hò" nhau cùng đỡ giá cổ phiếu khi nhóm Louis lao dốc.
Đáng lưu ý, trong ngày 5/10, sau bài chia sẻ cuối cùng giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Nhân còn có ý định xoá nhóm Louis Family với lý do "để tập trung vào công việc chính là phát triển doanh nghiệp" và ông còn khẳng định thêm "kết quả kinh doanh và thời gian sẽ trả lời tất cả".
Sức ảnh hưởng của ông Nhân không chỉ thể hiện ở khả năng "tiên tri" mà còn bộc lộ ở khả năng "đỡ giá" cổ phiếu. Ngay trong ngày 29/9, chỉ bằng hành động chia sẻ thông tin tích cực về ngành phân bón thì lập tức cổ phiếu AGM và DDV ở mảng nông nghiệp, phân bón của Louis tăng trần bất chấp phần còn lại của nhóm Louis tiếp tục bám sàn.
Có thể nói hiện ông Nhân là người đại diện cho tiếng nói của nhóm Louis thậm chí là cầu nối giữa nhóm này và cổ đông. Nhưng, ai mới thực sự sở hữu Louis Holdings - đơn vị được coi là công ty mẹ quản lý các công ty trong hệ sinh thái?
Ai sở hữu Louis Holdings?
Louis Holdings từng có tên là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Louis Rice, thành lập tháng 6/2012. Chỉ trong vài tháng, công ty liên tục đổi tên từ CTCP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Louis Rice thành CTCP Tập đoàn Louis Argo và tiếp tục đổi thành CTCP Louis Holdings vào cuối tháng 6 năm nay. Tại ngày 26/4, Louis Holdings có vốn điều lệ 650 tỷ.
Ông Vũ Ngọc Long (1985) đang là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Louis Holdings còn ông Nhân đang ngồi ghế Chủ tịch HĐQT. Ông Long từng giữ ghế Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của Louis Holdings cho tới giữa tháng 5 thì đổi qua chức Tổng Giám đốc.
Ngày 29/3/2018, Công ty TNHH MTV Louis Holding chuyển toàn bộ 84% cổ phần Louis Holdings sang cho ông Vũ Ngọc Long. Bên cạnh đó, một cá nhân là Võ Trịnh Ngân Giang nắm 16% vốn.
Cập nhật tới ngày 8/4/2019, ông Vũ Ngọc Long sở hữu 85%, bà Trịnh Thị Thuý Linh và bà Võ Trịnh Ngân Giang nắm lần lượt 10% và 5% vốn Louis Holdings.
Trong đó, bà Giang đang là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Lương thực Louis Rice còn bà Linh là đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Thương mại Louis Trade Center, Công ty TNHH Smart Will Viet Nam (đã giải thể), CTCP Năng lượng Xanh Phúc Lâm.
Ngoài Louis Holdings, ông Long còn là người đại diện pháp luật của 7 doanh nghiệp khác thuộc họ "Louis Rice" - đơn vị chuyên xuất nhập khẩu gạo.
Bên cạnh đó, ông Long từng là cổ đông lớn sở hữu 5,2% cổ phần Louis Land đầu tháng 2 năm nay sau đó giảm sở hữu chỉ còn 4,6% một tháng sau đó.
Điểm đáng lưu ý, Công ty TNHH MTV Louis Holding (tên mới là Công ty TNHH Lương thực Phú Mễ) thuộc sở hữu của CTCP Xuất nhập khẩu Vạn Phát Lợi.
CTCP Xuất nhập khẩu Vạn Phát Lợi (đã đổi tên thành CTCP Xuất nhập khẩu Vạn Tín Phát) từng do ông Lê Quang Nhuận, bà Nguyễn Thị Mai sở hữu 47,36% và 10,53% vốn cùng một cá nhân khác là Trần Thị Thu Phương nắm 42,11%.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Mai là vợ của ông Nguyễn Văn Dũng, cổ đông sáng lập và cựu Chủ tịch của Bảo Thư (nay là Louis Land) đồng thời từng là Chủ tịch và CEO của KSA. Ông Dũng đang sở hữu 5,2% vốn Louis Land và vừa xin rút khỏi HĐQT của Louis Land giữa tháng 9.
Còn ông Lê Quang Nhuận từng giữ vị trí CEO rồi Chủ tịch của Louis Land nhưng cũng vừa xin rút khỏi HĐQT trong tháng 9 và đang sở hữu hơn 5% vốn của Louis Land.
Qua đó có thể thấy Louis Holdings và nhóm liên quan Bảo Thư (nay là Louis Land) đã từng có quan hệ khá khăn khít với nhau nhiều năm trước.