|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo doanh nghiệp không đứng ngoài sóng đầu cơ cổ phiếu, có người thu hàng trăm tỷ đồng

11:40 | 05/10/2021
Chia sẻ
Tranh thủ lúc giá cổ phiếu tăng cao, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cùng người thân đã bán ra hàng triệu cổ phiếu. Có người lãi chục tỷ đồng sau thời gian ngắn "lướt sóng", cũng có người thu về hàng trăm tỷ đồng, vượt mức lãi ròng công ty.

Kể từ nhịp điều chỉnh của thị trường vào cuối tháng 7, tỷ trọng giá trị giao dịch hàng ngày của các cổ phiếu bluechips trong nhóm VN30 đã giảm đáng kể. Trong khi đó các cổ phiếu penny và mid-cap lại thu hút sự chú ý lớn trên thị trường.

Theo thống kê từ Fiintrade trong phiên 23/9, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đã giảm xuống mức thấp nhất năm, chỉ chiếm 32% giá trị giao dịch tại HOSE. Cùng lúc đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa nhỏ VNSmallcap tạo đỉnh mới 23,57%, còn tỷ trọng tại nhóm VNMidcap cũng đạt 36,29%.

Hiện tượng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tranh thủ bán khi cổ phiếu penny dậy sóng tăng bằng lần - Ảnh 1.

Tỷ trọng giá trị giao dịch của các nhóm vốn hóa tính đến hết ngày 1/10/2021. (Nguồn: Fiintrade).

Dòng tiền đầu cơ sôi động đẩy hàng loạt cổ phiếu chứng kiến đà tăng phi mã. Không ít cái tên đã chứng kiến mức tăng hàng chục phần trăm chỉ trong một tháng trở lại đây như "họ Louis", ASP của CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (tăng 113% từ 7.460 đồng/cp lên mức 15.900 đồng/cp), TDG của CTCP Đầu tư TDG GLOBAL tăng 63% lên mức 7.440 đồng/cp, SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương tăng 58% lên mức 7.420 đồng/cp,...

Cũng từ đây, tranh thủ thời điểm giá cổ phiếu tăng cao lên đỉnh nhiều năm, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cùng người thân bán ra hàng triệu cổ phiếu, có người thu về hàng trăm tỷ đồng. Không ít trường hợp, tiền bán cổ phiếu còn vượt mức lãi trong năm của công ty.

Chủ tịch Khoáng sản Á Cường muốn bán hết khi giá cổ phiếu tăng gấp 3

Những thương vụ điển hình, ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Mã: ACM) đã đăng ký bán ra toàn bộ 9,81% vốn công ty, tương đương hơn 5 triệu cp ACM từ ngày 30/9 - 29/10/2021. Lý do thoái sạch vốn khỏi Á Cường được ông Thanh đưa ra là nhằm mục đích phục vụ công việc cá nhân.

Trên thị trường, cổ phiếu ACM đã tăng gấp gần 3 lần từ mức 1.200 đồng/cp lên mức 3.400 đồng/cp đóng cửa phiên 4/10. Ước tính tại mức giá trên, vị lãnh đạo sẽ thu về hơn 17 tỷ đồng sau khi bán hết lượng cổ phần sở hữu.

Tuy nhiên diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường lại không phản ảnh tình hình kinh doanh cốt lõi của công ty. Năm 2020, ACM không có doanh thu do đó lỗ ròng gần 54 tỷ đồng. Tình trạng này vẫn kéo dài đến nửa đầu năm 2021. 

Theo giải trình của Á Cường, công ty không ghi nhận doanh thu do dịch bệnh COVID-19 khiến các chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam để thực hiện chạy máy và lưu thông hàng hóa. Mặc dù không có doanh thu, công ty vẫn phải chịu các chi phí vân hành khiến khoản lỗ ròng bán niên 2021 là 7,8 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. 

Tại thời điểm 30/6/2021, công ty lỗ lũy kế 145,5 tỷ đồng, bằng hơn 28% giá trị vốn góp của các cổ đông.

Hiện tượng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tranh thủ bán khi cổ phiếu penny dậy sóng tăng bằng lần - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu ACM thời gian qua. (Người viết tổng hợp).

Giá lên cao kỷ lục, lãnh đạo lãi trăm tỷ đồng từ mua bán lại cổ phiếu

Ông Nguyễn Thanh Hải, cổ đông lớn tại CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc đồng thời là anh rể của Phó Tổng Giám đốc Dương Văn Điệp vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 11,7 triệu cp AAV từ 28/9 đến 22/10/2021. Với việc giá cổ phiếu đã liên tục tăng lên vùng 31.000 đồng trong thời gian gần đây, ông Hải có thể thu về khoảng 360 tỷ đồng.

Trước khi bị miễn nhiệm ngày 10/9, ông Hải khi đó là Chủ tịch HĐQT đã mua vào 960.000 cp từ ngày 12/5 đến ngày 25/5 với giá bình quân 14.050 đồng/cp, nâng tỷ lệ sở hữu từ 9,2 triệu đơn vị lên 10,2 triệu đơn vị.

Một vị lãnh đạo khác là ông Nguyễn Trọng Điều, Úy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc bán ra toàn bộ 575.000 đơn vị trong ngày 14/9 tại mức giá khoảng 22.800 đồng/cp. Phần lớn số cổ phiếu này được ông Điều mua vào từ ngày 11/5 đến ngày 24/5 với giá bình quân 13.700 đồng/cp. Như vậy, vị này đã lãi đến 5,2 tỷ đồng, tương đương 66% nhờ việc mua đi - bán lại cổ phiếu công ty.

Trước đó trong ngày 16/9, ông Dương Văn Điệp đã bán toàn bộ 661.250 cp AAV, chiếm tỷ lệ 1,8%. Cùng ngày, bà Đỗ Thị Thu Hà - Trưởng Ban kiểm soát cũng bán ra 185.150 cp.

Loạt giao dịch lớn của ban lãnh đạo diễn ra ngay khi giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm. Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, AAV đã tăng 38% với khối lượng giao dịch bình quân hơn 1,2 triệu cp/phiên.

Nhiều lãnh đạo tranh thủ bán khi cổ phiếu penny dậy sóng tăng bằng lần - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu ACM thời gian qua. (Người viết tổng hợp).

Về kết quả kinh doanh, sau 6 tháng đầu năm, AAV lãi sau thuế 15,3 tỷ đồng, tăng 6,6 lần so với cùng kỳ và vượt kết quả thực hiện năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty nhận được cổ tức được chia từ công ty con dẫn tới doanh thu tài chính tăng mạnh lên 12,2 tỷ đồng trong 2021. Đồng thời doanh thu bán hàng cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu lao dốc sau khi ban lãnh đạo liên tục xả hàng

Trở lại câu chuyện đầu cơ cổ phiếu, một hiện tượng được quan tâm nhất những tháng gần đây phải kể đến sự xuất hiện của "họ Louis". Sau khi được Louis Holding và Louis Capital lên kế hoạch đầu tư, cổ phiếu của các doanh nghiệp lọt vào tầm ngắm đồng loạt ghi nhận mức tăng phi mã bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan, thậm chí lỗ lũy kế.

Kể từ đầu tháng 8, cổ phiếu SMT của CTCP Sametel đã liên tục tăng trần sau khi Louis Capital thông báo kế hoạch thâu tóm. Đến 21/9, mã này đã tăng hơn 486% lên mức giá đỉnh kể từ khi niêm yết là 44.000 đồng/cp. Kèm theo đó, khối lượng giao dịch cũng "phình to" gấp chục lần lên bình quân 46.500 đơn vị mỗi phiên, đỉnh điểm 443.000 đơn vị được mua bán trong phiên 17/9.

Giữa lúc giá cổ phiếu liên tục tăng, không ít lãnh đạo đã báo cáo giao dịch mua bán lượng lớn sổ cổ phần đang sở hữu tại SMT. Ông Nguyễn Lê Văn - thành viên HĐQT đã có động thái "lướt sóng" cổ phiếu khi mua vào 100.000 cp vào cuối tháng 8 với mức giá trung bình 11.350 đồng/cp, sau đó tiếp tục đăng ký bán thỏa thuận 80.000 cp trong tháng 9 tại mức giá tạm tính là 37.700 đồng/cp. Như vậy, ông Văn lãi khoảng 232%, tương đương 2,1 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 1 tháng.

Bên cạnh đó, nhiều vị lãnh đạo cũng có động thái thoái vốn như ông Phạm Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐQT bán ra 180.000 đơn vị từ 27/8 đến ngày 17/9. Con gái ông Tuấn là bà Phạm Ngọc Thúy Anh đang ký bán ra 25.100 cp từ 20/9 đến ngày 15/10 để giải quyết tài chính cá nhân. Với mục đích tương tự, ông Nguyễn Kim Tuyến, chồng của Tổng Giám đốc Nguyễn Thiện Cảnh cũng đăng ký bán 56.003 đơn vị từ 17/9 đến 15/10.

Cuối tháng 9, Chủ tịch HĐQT cùng nhiều thành viên ban lãnh đạo đồng loạt nộp đơn từ nhiệm khỏi Sametel. Trên thị trường, giá cổ phiếu cũng lao dốc không phanh sau khi thiết lập đỉnh đánh mất gần như toàn bộ xung lực tăng trước đó.

Cũng nằm trong "tầm ngắm" của Louis Holdings, cổ phiếu VKC của CTCP Cáp - Nhựa Vĩnh Khánh đã tăng bằng lần sau chuỗi tăng trần chục phiên. Sau khi Chủ tịch HĐQT là ông Lâm Quy Chương đăng ký bán ra hơn 90% số cổ phiếu đang nắm giữ, nhiều bị lãnh đạo đồng loạt "nối gót" Chủ tịch bán ra hàng triệu cổ phiếu sở hữu tại công ty.

Động thái này khiến giá cổ phiếu "gãy gập" sau khi tạo đỉnh. Tương tự như SMT, cổ phiếu VKC đã nằm sàn nhiều phiên và đánh mất hơn 50% thị giá, từ mức 28.000 đồng/cp về 13.500 đồng/cp trong phiên sáng 5/10.

Nhiều lãnh đạo tranh thủ bán khi cổ phiếu penny dậy sóng tăng bằng lần - Ảnh 4.

Cổ phiếu SMT và VKC đồng loạt lao dốc sau khi ban lãnh đạo và cổ đông lớn liên tiếp thoái vốn. (Nguồn: TradingView).

Thảo Bùi