|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ đông 'họ Louis' đang chờ 'cú nảy con mèo chết'?

08:00 | 28/09/2021
Chia sẻ
Trong tâm lý hoang mang khi cổ phiếu đã liên tục giảm sàn, nhà đầu tư có thể sử dụng mô hình hai đỉnh để xác định sớm tín hiệu đảo chiều hoặc chờ nhịp hồi phục từ "cú nảy con mèo chết" để có thể cắt lỗ.

Sau nhịp tăng phía phi mã, nhóm penny bước vào nhịp điều chỉnh sâu và nhiều nhà đầu tư cho rằng cổ phiêu đầu cơ đã hết "sóng". Ghi nhận những phiên giao dịch gần đây, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ với mức tăng hàng chục lần đã quay đầu giảm sàn la liệt, đơn cử như "họ Louis" (TGG, SMT, BII, APG, VKC) hay nhiều mã penny khác như JVC, FTM, SJF.

Tình trạng trên khiến nhà đầu tư không khỏi hoang mang, đua nhau đặt lệnh bán tháo để thoát hàng, điều này khiến cổ phiếu càng thêm rớt thảm. Khối lượng bán giá sàn ngày một lớn trong khi cầu mua không có khiến tình trạng mất thanh khoản nặng nề hơn.

Trong tình huống này, nhà đầu tư có thể tận dụng một số mô hình kỹ thuật sau để có thể "thoát hàng", tránh gây thiệt hại nặng nề. Nếu may mắn, cổ phiếu có thể tăng trở lại tạo thành mô hình hai đỉnh. Với kịch bản xấu hơn, một "cú nảy con mèo chết" là cơ hội để nhà đầu tư có thể cắt lỗ. Vậy hai mô hình này có thể áp dụng như thế nào? 

Sử dụng mô hình hai đỉnh để xác định sớm tín hiệu đảo chiều

Mô hình hai đỉnh (Double top) là mô hình giá xuất hiện trong một xu hướng tăng, báo hiệu tín hiệu đảo chiều từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm. Việc sử dụng mô hình hai đỉnh sẽ giúp nhà đầu tư phát hiện tín hiệu đảo chiều sắp xảy ra.

Trong xu hướng tăng, khi giá cổ phiếu đi lên gặp vùng kháng cự mạnh không vượt qua được, thị trường yếu đi khiến giá tạo một nhịp giảm và hình thành nên đỉnh giá đầu tiên. Sau nhịp giảm, cổ phiếu có xu hướng quay lại vùng đỉnh lần nữa. Tuy nhiên giá tiếp tục không phá được vùng đỉnh và giảm trở lại.

Đường neckline (đáy trung tâm) được hình thành tại mức giá thấp nhất giữa hai đỉnh. Khi giá giảm xuống dưới đường neckline, mô hình 2 đỉnh được xác nhận và giá bắt đầu giảm sâu hơn nữa.

Nhà đầu tư nên làm gì khi thị trường lao dốc - Ảnh 1.

Mô hình 2 đỉnh gồm: đỉnh thứ nhất, đường neckline, đỉnh thứ hai. (Nguồn: Finashark).

Khi nhận thấy một mô hình hai đỉnh đã hình thành, nhà đầu tư sử dụng đường neckline để làm mức cắt lỗ, thoát vị thế.

Cụ thể, nhà đầu tư có thể vào lệnh bán ngay sau khi giá cổ phiếu phá vỡ đường neckline và xác nhận xu hướng giảm. Nếu muốn bảo toàn lợi nhuận tốt hơn, nhà đầu tư có thể thực hiện chốt lời hay cắt lỗ ngay khi giá phá vỡ đường xu hướng đi qua đáy. Tuy vậy khi đó mô hình hai đỉnh chưa được xác nhận nên vẫn tồn tại rủi ro NĐT đã thoát vị thế quá sớm.

Áp dụng với trường hợp cổ phiếu "họ Louis", nhà đầu tư có thể sử dụng mô hình hai đỉnh để có thể thoát vị thế khỏi mã DDV của DAP-Vinachem. Song, một nhân viên môi giới cho rằng quyết định cắt lỗ cổ phiếu thường khó khăn với nhà đầu tư bởi họ luôn kỳ vọng giá cổ phiếu có thể đi ngưỡng cao hơn để giảm thiệt hại.

Cổ đông 'họ Louis' đang chờ 'cú nảy con mèo chết'? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu DDV. Ảnh: TradingView.

Chờ nhịp hồi từ "cú nảy con mèo chết"

Mô hình kỹ thuật thứ hai được gọi cú nảy con mèo chết (Dead Cat Bounce – DCB). Đây là một mô hình giá cổ phiếu hồi phục trong thời gian ngắn giữa một chu kì giảm mạnh, trước khi tiếp tục "đổ đèo" không phanh. Thuật ngữ này dựa trên quan điểm một con mèo chết sẽ nảy lên nếu như nó rơi ở một độ cao vừa đủ và tốc độ nhanh vừa đủ.

Nhà đầu tư nên làm gì khi thị trường lao dốc - Ảnh 3.

Minh họa về mô hình “Cú nảy con mèo chết” của cổ phiếu HSG năm 2017. (Nguồn: VnRebates).

Trong giai đoạn đầu của mô hình DCB, giá cổ phiếu giảm mạnh do tác động tiêu cực của một "sự kiện gây giảm giá". Đó có thể là một tin tức tiêu cực liên quan đến doanh nghiệp như báo cáo tài chính không lành mạnh.

Giai đoạn thứ hai, giá cổ phiếu tăng trở lại hay còn gọi là “hồi lại”. Cú nảy này thường tăng trung bình bằng 28% mức độ của đợt giảm trước đó. Tỷ lệ hồi phục có thể cao hơn, thấp hơn tỷ lệ trên bởi còn phụ thuộc vào lực cầu mua vào. Tuy nhiên, không phải tất cả các "sự kiện gây giảm giá" đều có cú nảy này.

Trong giai đoạn thứ ba, giá cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh và xuống mức thấp hơn mức đáy đã được tạo lập của đợt giảm trước. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, "cú nảy con mèo chết" thường được thấy ở những cổ phiếu penny (cổ phiếu thị giá nhỏ).

Một số trường hợp cũng gặp phải "cú nảy mèo chết" ở những cổ phiếu thị giá lớn do tác động mạnh của thông tin khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo.

Việc áp dụng mô hình DCB có thể giúp các nhà đầu cơ ngắn hạn kiếm tìm lợi nhuận từ đà hồi phục trong ngắn hạn này. Đối với một số nhà đầu tư, đây là cơ hội mở vị thế bán "thoát hàng" ngay khi giá cổ phiếu hồi phục.

Lịch sử giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, những "cú nảy con mèo chết" mỗi khi cổ phiếu giảm sàn thường xảy ra. Sau giai đoạn liên tục giảm sàn, các cổ phiếu có nhịp hồi phục trong 1 - 2 phiên sau đó lại tiếp tục lao dốc.

Theo quan điểm của một nhân viên môi giới, những "cú nảy con mèo chết" thường sẽ không đủ T+, nghĩa là nhà đầu tư bắt đáy có thể ghi nhận mức lãi 13 - 14%, thậm chí 20 - 30% trong phiên. Nhưng đây thường là nhịp mua không đủ T+2 để cổ phiếu về tài khoản. Do đó, đây được xem như cơ hội tốt hơn để nhà đầu tư có thể bán căt lỗ cổ phiếu.

Trong tình huống này, một số cổ phiếu "họ Louis" đã giảm sàn trong 3 - 4 phiên và mất giá 30 - 40% giá trị. Khi đó một "cú nảy con mèo chết" có thể là cơ hội để các cổ đông có thể thoát vị thế, giảm mức lỗ của mình?

Cổ đông 'họ Louis' đang chờ 'cú nảy con mèo chết'? - Ảnh 4.

Cú nảy con mèo chết xuất hiện với cổ phiếu APC. Ảnh: Hoàng Linh.

Thảo Bùi