Hậu hợp nhất, đại gia mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa đón bước đại nhảy vọt?
Lãnh đạo liên tiếp mua cổ phiếu
Trong tháng 8 liên tiếp xuất hiện các giao dịch mua cổ phiếu của lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công – Biên Hòa (Mã: SBT) với khối lượng trung bình 1 triệu cp/người.
Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư Thành Thành Công cũng đăng ký mua 16 triệu cổ phiếu trong vòng một tháng. Tuy nhiên, ở diễn biến ngược lại, CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre bán 20 triệu cổ phiếu SBT vào ngày 22/8.
Nguồn: NH tổng hợp |
Cổ phiếu SBT rơi xuống ngưỡng 14.000 đồng/cp cuối tháng 5 trước khi bật tăng 40% lên 19.750 đồng/cp phiên 24/8.
Ngoài ra, liên quan đến thông tin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, giá cổ phiếu SBT kỳ vọng được hỗ trợ từ dòng vốn đầu tư từ các đối tác chiến lược trong giai đoạn 2018 – 2019.
Diễn biến cổ phiếu SBT trong 6 tháng qua. (Nguồn: VNDirect) |
Kết quả kinh doanh chuyển biến giai đoạn 2017 – 2018 sau hợp nhất với Đường Biên Hòa
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (Mã: PHS), doanh thu chính của SBT đến từ mảng bán đường (chiếm 86% trong tổng doanh thu). Trong đó, kênh bán hàng công nghiệp lớn (MNC) chiếm lớn nhất với tỷ trọng 45%/tổng doanh thu. Theo sau là xuất khẩu với đóng góp 16% đến từ các thị trường chính như Trung Quốc, Sri Lanka, Myanmar, Singapore và Mỹ.
(Cơ cấu doanh thu chi tiết - Nguồn: Báo cáo PHS) |
Trước giai đoạn hợp nhất với CTCP Đường Biên Hòa (BHS), trong thời gian 2013-2017, doanh thu Đường Tây Ninh duy trì mức tăng trưởng bình quân đạt 27%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng 12%/năm. Sau hợp nhất, SBT ghi nhận doanh thu tăng mạnh 130% so với giai đoạn trước và lợi nhuận sau thuế tăng 61% với sản lượng tiêu thụ cũng nhảy vọt hơn 190%.
Nguồn: Báo cáo PHS |
Đến giai đoạn 2018 – 2019, với kỳ vọng về sự hồi phục của giá đường thế giới, PHS dự báo hoạt động kinh doanh của SBT tiếp tục tăng trưởng với doanh thu ước tính 14.636 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 775 tỷ đồng (tăng 42%) cùng kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tăng 48%.
(EAT: Lợi nhuận sau thuế, Nguồn: Báo cáo PHS) |
Doanh thu SBT hầu như dùng để chi trả cho chi phí hoạt động của công ty (tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/doanh thu xấp xỉ 93%), trong đó giá vốn chiếm cao nhất trong cơ cấu chi phí với 92%.
Tuy nhiên, khoản phải thu sau hợp nhất của SBT tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Trong đó, các giao dịch nội bộ chiếm trên 30% khoản phải thu công ty, chủ yếu thông qua các hoạt động thương mại (chiếm 20% doanh thu). Bên cạnh đó, tại mục hàng tồn kho, giá trị tồn kho thành phẩm, hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 68% và tăng mạnh hơn 50%.
Ngoài ra, trong năm, công ty có tiến hành nhập nguyên vật liệu đường giá rẻ, nâng tỷ trọng tồn kho nguyên vật liệu từ 12% lên 22%.
Chi phí tài chính tăng cao sau hợp nhất, giá trị vay nợ của SBT lên tới 10.383 tỷ đồng gồm khoản vay nợ ngắn và dài hạn, gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu, nâng chi phí lãi vay gần 709 tỷ đồng.
(GVHB: Giá vốn hàng bán, QLDN: Quản lý doanh nghiệp - Nguồn: Báo cáo PHS) |
Tăng năng suất nhà máy TTCS – Tây Ninh và nhà máy Biên Hòa – Ninh Hòa
Sau thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) với Đường Biên Hòa, SBT nâng thị phần đường trong nước và là doanh nghiệp đường đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ với đơn hàng khoảng 29 tấn.
Sau M&A, SBT sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu một loạt doanh nghiệp mía đường lớn khác như Đường Biên Hòa – Ninh Hòa, Mía đường Phan Rang, Mía đường Tây Ninh, Mía đường TTC Attapeu,… Từ đó nâng thị phần nội địa của SBT lên 40%. Hiện tại, SBT đã hoàn tất hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đường Việt Nam tại 2 sàn giao dịch hàng hóa New York và London.
Sở hữu nền tảng sản xuất với 9 nhà máy, SBT là một trong số ít doanh nghiệp có thể luyện đường từ đường thô. Tính đến hiện tại, công suất luyện đường từ đường thô và mía đạt 48.600 tấn/ngày, tương đương với khả năng sản xuất 620.000 tấn đường/năm.
SBT sở hữu 3 trung tâm luyện đường thô lớn là Nhà máy TTCS – Tây Ninh, Nhà máy Biên Hòa – Ninh Hòa và nhà máy Biên Hòa – Đồng Nai, từ đó nâng tỷ trọng đường sản xuất từ đường thô lên 40% và sản xuất từ mía là 60%.
Đứng trước khả năng hội nhập của ngành đường khi hiệp định ATIGA có hiệu lực, đòi hỏi doanh nghiệp đường trong nước phải hạ giá thành sản phẩm. Trong khi nguyên liệu mía đầu vào của Thái Lan rẻ hơn từ 8 – 15 USD/tấn so với thu mua mía tại Việt Nam, vì vậy với việc nhập đường thô để tinh luyện sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ.
Hiện công ty có kế hoạch đầu tư nâng năng suất nhà máy TTCS – Tây Ninh từ 180.000 tấn đường/năm lên 300.000 tấn/năm, nhà máy Biên Hòa – Ninh Hòtừ 100.000 tấn đường/năm lên 180.000 tấn/ năm, tổng vốn đầu tư của 2 dự án khoảng 400 tỷ đồng.
Mặt khác, SBT sở hữu vùng nguyên liệu với diện tích hơn 54.000 ha, chiếm 1/4 nguyên liệu cả nước và khả năng tiếp tục tăng. Công ty dự kiến mở rộng diện tích sản xuất đường Organic tại Lào, sau đó nâng năng suất lên 70 tấn/ha, tăng 21% sau 5 năm, cân bằng được sản lượng đường sản xuất từ đường thô và đường sản xuất từ cây mía.
SBT đa dạng hóa sản phẩm đường, tập trung khai thác nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đường organic, đường tinh luyện cao cấp. Ngoài ra, SBT còn khai thác sản phẩm liên quan (chiếm 14% tổng doanh thu) như mật rỉ (nguyên liệu để sản xuất cồn sinh học dùng để sản xuất xăng ethanol E5), điện thương phẩm, phân vi sinh hữu cơ và nước đóng chai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xem thêm |