6 tháng đầu năm có mang lại ‘vị ngọt’ cho doanh nghiệp mía đường?
Doanh nghiệp mía đường đang là 'con nợ' của người trồng mía |
Cạnh tranh gay gắt với đường nhập lậu
Theo báo cáo từ Hiệp hội Mía – Đường Việt Nam, lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/7/2018, các nhà máy đường đã ép được hơn 15 triệu tấn mía, sản xuất được 1,4 triệu tấn đường. Sản lượng đường tinh luyện từ đường thô nhập khẩu là 154.661 tấn.
Thị trường tiêu thụ vẫn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt khi giá đường nhập lậu từ Thái khá rẻ, từ 10.000 – 10.700 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường trong nước (bán buôn) cũng từ 10.500 – 13.200 đồng/kg (gồm VAT).
Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, gây mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tiêu thụ đường trong tháng 7 rất chậm, tồn kho từ các nhà máy đường là 663.381 tấn.
Đơn vị: Tỷ đồng (Nguồn: NH tổng hợp - Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Trước tình hình trên, nhiều nhà máy đường sẽ vào vụ 2018/2019 muộn hơn mọi năm do tác động xấu của thời tiết ảnh hưởng tới việc trồng mía, tồn kho ở mức cao cũng tác động đến khởi vụ. Hiệp hội mía đường dự báo giá đường trong các tháng tới vẫn ở mức thấp và nhu cầu đường có thể tăng.
Trong văn bản gửi Chính Phủ đầu tháng 7, tỉnh Phú Yên cho rằng thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do các hộ sử dụng đường có tâm lý đợi giá giảm để được mua đường rẻ. Thậm chí, doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần sử dụng nhiều đường làm nguyên liệu cũng có xu hướng chuyển sang sử dụng các chất tạo ngọt khác để thay thế đường.
Tại thời điểm 30/6, lượng hàng tồn kho của một số doanh nghiệp mía đường vẫn còn khá lớn. Trong đó, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (Mã: SBT) đạt mức cao nhất, khoảng 3.899 tỷ đồng; CTCP Đường Kon Tum (Mã: KTS) chỉ hơn 10 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng, cổ phiếu chưa bứt phá
Thống kê kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường 6 tháng đầu năm cho thấy, SBT đứng đầu về doanh thu thuần, chủ yếu là doanh thu bán đường (chiếm 82%). Ruý IV (niên độ 2017-2018), doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi cùng kỳ lên 119 tỷ đồng nhờ thanh lý các khoản đầu tư. Tuy nhiên, các khoản như chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 149,6 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) lỗ lũy kế 6 tháng khoảng 9 tỷ đồng. Riêng quý IV (niên độ 2017-2018) ghi nhận giá vốn tăng hơn 46 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 61% lên 21 tỷ đồng khiến công ty lỗ sau thuế hơn 11 tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng (Nguồn: NH tổng hợp - Click vào ảnh để xem chi tiết) |
CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) cũng báo lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 15% nhờ tỷ suất lợi nhuận ở cả hai mảng chính là đường và sữa đậu nành cải thiện. Trong kỳ, giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ do công ty ổn định sản xuất, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi còn ghi nhận nguồn thu khác nhờ Nhà máy Điện Sinh khối An Khê hoạt động từ cuối 2017. Công ty thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 150% lợi nhuận cả năm.
Theo báo cáo từ CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), doanh thu mảng đường tăng 7,5% lên 1.173 tỷ đồng nhờ sản lượng mía trong vụ ép tăng 50% so với cùng kỳ lên 214.000 tấn. Đường Quảng Ngãi cho biết diện tích trồng tại An Khê đã được mở rộng từ 25.000 ha (2017) lên 30.000 ha (2018).
Bên cạnh đó, giá mía giảm theo xu hướng của giá đường thế giới. 6 tháng đầu năm 2017, Đường Quảng Ngãi đã mua mía với giá 1,1 triệu đồng/tấn trong khi năm nay giảm xuống 800.000 - 900.000 đồng/tấn. Tỷ lệ chuyển đổi từ mía sang đường tăng từ 9,5% lên 10,5% trong vụ ép này. Nhà máy điện sinh khối dự báo sẽ có đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn hơn từ năm sau. HSC dự báo doanh thu thuần Đường Quảng Ngãi đạt 8.606 tỷ đồng năm 2018 và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.303 tỷ đồng, tăng tương ứng 7% và 12,5%.
Diễn biến cổ phiếu doanh nghiệp mía đường trong 25 phiên. (Nguồn: VNDIRECT) |
6 tháng qua, hầu hết cổ phiếu mía đường đều đồng loạt đi xuống theo đà giảm của thị trường.
Cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La “bay” hơn 53% giá trị, CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) chỉ giảm nhẹ. Tuy nhiên, thanh khoản của QNS vẫn thấp cơ cấu cổ đông cô đặc. Giao dịch bình quân 25 phiên gần đây khoảng 166.000 cp/ngày. Hiện ban điều hành và các bên liên quan sở hữu hơn 30% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Ngoài ra, VinaCapital cũng nắm 4,98% vốn cổ phần của Đường Quảng Ngãi.
Diễn biến khác, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) và 5 người con đã đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu từ ngày 13/8 - 11/9/2018 khi thị giá LSS giảm 36% nửa năm qua.
Từ 18/4 – 17/5/2018, Thành Thành Công – Biên Hòa đăng ký mua lại 83,5 triệu cp làm cổ phiếu quỹ nhưng thị trường không thuận lợi nên chỉ mua được 61 triệu cp. Đáng nói, SBT mới bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) nhắc nhở do đặt lệnh mua hơn 11.000 cp vượt giá trần khoảng 2%.
Gần đây, Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - ASEAN Trade in Goods Agreement) được chấp thuận giãn thêm 2 năm đến năm 2020. Có thể nói, đây là cơ hội cho ngành mía đường Việt Nam nói chung.
Việc giãn hiệp định sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nông dân trồng mía và lao động trong ngành kịp thích ứng với cạnh tranh hội nhập. Đồng thời, ngành đường Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nếu kinh tế tăng trưởng như dự kiến (GDP đạt 6,8% năm 2018), cơ cấu dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần có biện pháp cụ thể để tồn tại và phát triển bằng việc tái cơ cấu giống cây trồng, thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành mía nguyên liệu, thúc đẩy sản phẩm tiêu thụ ra thị trường.