|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình lặng lẽ của 'vua cúc áo' Tôn Thạnh Nghĩa

10:49 | 02/09/2018
Chia sẻ
Tôi tình cờ gặp Tôn Thạnh Nghĩa, một doanh nhân vừa từ Bình Dương ghé qua Hà Nội trong một chuyến công du xuyên Việt. Có lẽ, tôi cũng như nhiều người, còn ít biết đến tiếng tăm của Tôn Thạnh Nghĩa. Trò chuyện trong cuộc rượu thân tình giữa những người bạn cũ lại phát hiện ra một câu chuyện làm ăn khá lý thú.

Tôn Thạnh Nghĩa nhìn bề ngoài giống như một mẫu cán bộ mẫn cán ở huyện, với gương mặt đầy dấu ấn nắng gió, nói chuyện rủ rỉ, hồn hậu, chạm chén rượu là uống, không nề hà. Khi bàn về văn hóa văn nghệ, nói đến cái đẹp thì anh sôi nổi, hào hứng, tinh tế.

Để làm quen với nhau, anh Nghĩa đưa cho tôi cái "danh thiếp đặc biệt" mà tôi chưa thấy ở đâu bao giờ. Đó là một cái thìa cỡ ngón tay thanh tú của phụ nữ, hình dáng gần giống như cái thìa nhựa mà ta hay dùng để ăn sữa chua vậy. Chiếc thìa được chế tác tinh xảo từ vỏ trai hay vỏ ốc gì đó. Trên một mặt dọc theo cán thìa là họ tên của anh Nghĩa cùng số điện thoại di động, mặt kia là địa chỉ trang web công ty của anh www.tonvanshellbuttons.com.vn. Các dòng chữ được khắc chìm màu xanh sóng biển đậm trên nền trắng ngà bóng của chất liệu như khảm trai.

hanh trinh lang le cua vua cuc ao ton thanh nghia
Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa.

Đưa cho tôi rồi, anh giải thích: "Cái này để xuất sang châu Âu. Người ta dùng nó để xúc trứng cá hồi, trứng cá tầm, trứng cua biển xanh, đen. Các loại đồ đặc sản đắt đỏ ấy dùng thìa này xúc ăn, thì như là cộng hưởng thêm hương vị của biển khơi sông hồ vào đấy. Sang tới bên ấy, nó có giá 1 USD/cái".

Thế là tôi hiểu. Một cái vỏ trai vứt đi, qua chế tác thế này, thu về ngoại tệ cỡ mấy chục USD. Thế là từ đồ bỏ đi biến thành tiền ngoại tệ mạnh rồi. Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn của anh Nghĩa với quy mô chừng hơn trăm nhân công hiện nay ở Bình Dương, chuyên chế tác các loại cúc áo từ vỏ ốc, vỏ sò để xuất đi nước ngoài, trong đó có những thị trường cực kỳ khó tính như Hong Kong, Nhật Bản, châu Âu. Doanh số thu về cỡ 1,5 triệu USD/năm.

Tôi vào trang web công ty Tôn Văn, có thành tố con sò (shell) mà một hãng xăng nổi tiếng lâu đời trên thế giới lấy làm biểu tượng, thấy hàng loạt các mẫu cúc áo như Agoya, Rivshell, Tamagai, Mop, Trocas… làm từ vỏ sò, vỏ ốc, vỏ trai biền, rồi các loại cúc áo làm từ gáo dừa, cho đến các loại mặt hàng lưu niệm, trang sức, đồ chế tác bằng laser trên các loại chất liệu… Tôn Văn với thông điệp: “Đưa thiên nhiên vào thời trang” đã được coi là một nhà sản xuất cúc áo vào cỡ hàng đầu của thế giới.

Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một công ty của Nhật làm cúc áo từ vỏ sò, vỏ ốc biển, chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Anh Nghĩa làm phiên dịch cho họ, giúp họ “chạy” các thủ tục, gặp các lãnh đạo ở Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước ngoài. Công ty của Nhật được cấp phép đầu tư, thành lập năm 1993.

Bốn năm sau, năm 1997, sau khi phục vụ các ông chủ Nhật, được họ yêu mến và đã tiếp nhận được công nghệ từ họ, anh Nghĩa bắt đầu tự làm ông chủ. Khởi nghiệp với một tổ sản xuất có 6 người trong căn phòng mấy chục mét vuông, đến giờ Công ty Tôn Văn đã là một nhà máy sản xuất trên mặt bằng hơn 10.000 m2 với 150 công nhân. Doanh thu thì tính bằng số triệu USD, gấp mấy lần công ty của ông chủ cũ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Tôn Thạnh Nghĩa bảo: “Tôi thật lòng biết ơn chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước ta. Chính sách ấy đã tạo cơ hội cho những người như tôi tiếp cận được nhanh nhất công nghệ và kinh nghiệm làm ăn. Đến bây giờ, càng rõ ra điều ấy hơn”. Nói rồi anh Nghĩa chia sẻ mục đích của chuyến đi xuyên Việt các anh đang tiến hành.

Một công ty của Nhật ký hợp đồng với Tôn Văn, chuyển đến các loại vỏ hàu biển, đặt hàng Tôn Văn gia công đục lỗ, xâu thành từng dây rồi tái xuất cho họ làm giá thể cung cấp cho ngư dân nuôi hàu ở Nhật. Đã thấy ở nhiều vùng biển, người ta dùng vỏ lốp ô tô, dùng tôn cũ làm giá thể nuôi hàu, không đảm bảo chất lượng, nên anh Nghĩa đang cùng với anh em trong công ty nghiên cứu mặt hàng này để cung cấp cho ngư dân ta. Cùng với ý tưởng ấy là việc nghiên cứu nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, vừa khai thác ngọc mỹ nghệ trang sức, vừa có vỏ trai cung cấp cho nhu cầu sản xuất cúc áo.

Anh Nghĩa, cháu Tôn Văn con trai anh, người đã đi du học ở Mỹ, nay trở về làm quen công việc để sẽ hướng đến tiếp quản cơ nghiệp của cha, anh Hiệp là anh trai anh Nghĩa, và một người bạn nữa, bốn người lặng lẽ lên một chiếc xe bán tải, từ Bình Dương xuất phát làm chuyến xuyên Việt nghiên cứu cho kế hoạch mở rộng sản xuất. Cả đoàn đã đi qua các vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết, Cam Ranh, lên các vùng hồ thủy điện ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, đến hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên… Về Hà Nội dừng chân, rồi đích sắp tới hướng đến là vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh.

Từ một hành trình tìm kiếm lặng lẽ này của anh Nghĩa, tôi hình dung ra, bây giờ đang có bao nhiêu những kiếm tìm lặng lẽ của các doanh nhân, doanh nghiệp khác. Những hành trình mở ra những hướng làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Xem thêm

Vũ Thiện Phong