|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hạnh phúc của nhân viên tỷ lệ nghịch với sự độc quyền của cấp trên: Bí quyết để tìm thấy hài lòng trong công việc

19:30 | 10/09/2021
Chia sẻ
Để cảm thấy hạnh phúc, chúng ta không nhất thiết phải luôn là một nhân viên ưu tú hay kiếm thật nhiều tiền. Đừng quan trọng ta đang làm "cái gì", mà hãy cố gắng trả lời câu hỏi mình đang làm việc "cho ai", "vì ai", "với ai" và "tại sao".
Bí quyết để luôn hài lòng và hạnh phúc trong việc - Ảnh 1.

Sự hài lòng trong công việc xuất phát từ yếu tố con người, cảm giác hoàn thành và những giá trị khác. (Ảnh: Theatlantic).

Một bài viết của Arthur C. Brooks.

Tỷ lệ "hoàn toàn hài lòng" về công việc của người trưởng thành tại Mỹ trong cuộc khảo sát của Gallup đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua, từ 41% lên 55% (năm 2001 - 2019). Vào năm 2020, bất chấp hình thức làm việc từ xa, 89% trong số họ vẫn thể hiện thái độ tích cực. 

Song nhiều người cho rằng, 89% là một tỷ lệ không tưởng. Họ đặt ra tiêu chuẩn về năng lực, đam mê và tài chính rằng chỉ khi một người có thể cân bằng được ba yếu tố này, họ mới đạt được sự hài lòng thật sự. Nhưng đây không phải là sự hài lòng mang đến hạnh phúc.

Để cảm thấy hạnh phúc, chúng ta không nhất thiết phải luôn là một nhân viên ưu tú, khai thác toàn bộ tiềm năng hay kiếm thật nhiều tiền. Đừng quan trọng ta đang làm "cái gì", mà hãy cố gắng trả lời câu hỏi mình đang làm việc cho "ai", vì "ai", với "ai" và "tại sao". Bởi lẽ, sự hài lòng trong công việc xuất phát từ yếu tố con người, cảm giác hoàn thành và những giá trị khác.

Khối lượng công việc không ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc

Trên thực tế, bất kỳ công việc nào cũng có thể khiến chúng ta hạnh phúc và thất nghiệp là một trong những mất mát lớn nhất của con người. Theo dữ liệu của các cuộc Khảo sát xã hội vào năm 2018, tỷ lệ mất việc ở Mỹ luôn ở mức khá cao. Và nghiên cứu cho thấy mức độ thất nghiệp luôn tỷ lệ thuận với số lượng người tự tử của các quốc gia.

Trớ trêu thay, các yếu tố hình thành sự hài lòng của một người có nghề nghiệp ổn định lại không liên quan đến khối lượng công việc của họ. Tạp chí Tâm lý học ứng dụng của Mỹ từng đăng tải một nghiên cứu về một cặp song sinh. Theo đó, khoảng 30% sự hài lòng trong công việc là do di truyền. 

Ngoài ra, tăng lương cũng được các nhà các nhà kinh tế liệt kê vào danh sách quyết định sự hài lòng ngắn hạn vì theo thời gian, loại động lực tài chính này sẽ dần biến mất. Và những đợt tăng lương nhỏ nhưng thường xuyên sẽ khiến nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn.

Tầm quan trọng của lãnh đạo và đồng nghiệp

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự hài lòng trong công việc phụ thuộc vào cảm giác hoàn thành, sự công nhận và mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Làm việc nhóm luôn giữ vai trò cốt lỗi trong các nền văn hóa chuộng chủ nghĩa tập thể, và ít tác động hơn đối với những nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân. 

Nhà tâm lý học quá cố Richard Hackman cho rằng, hạnh phúc của nhân viên tỷ lệ nghịch với sự độc quyền của cấp trên. Và lịch sử đã chứng minh rằng, "phù hợp" chính là chìa khoá của hạnh phúc. Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta chia sẻ cùng hệ tư tưởng với đồng nghiệp và tìm được điểm chung giữa những giá trị mà mình và người lãnh đạo đang theo đuổi. Đặc biệt là những giá trị về đạo đức và tinh thần. 

Bảng xếp hạnh công việc hạnh phúc và kém hạnh phúc nhất

CareerBliss từng công bố kết quả khảo sát về "công việc hạnh phúc nhất" và "công việc không hạnh phúc nhất" được đánh giá bởi chính những người làm nghề (không liên quan đến học vấn và thu nhập). Theo đó, trợ giảng, chuyên gia phân tích chất lượng, nhà phát triển mạng và chuyên gia tiếp thị là những công việc đứng đầu bảng xếp hạng. Trong khi kế toán, nhân viên bảo vệ, thủ quỹ và giám sát viên lại nhận được ít sự yêu thích nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì diễn ra vào năm 2018. 

Các công việc hạnh phúc nhất của ba năm về trước chưa chắc vẫn giữ được vị trí của mình ở thời điểm hiện tại. Có bao nhiêu người mơ ước trở thành trợ giảng, chuyên gia phân tích chất lượng, nhà phát triển mạng và chuyên gia tiếp thị? Điều cần thiết nhất ta cần làm là tìm ra một công việc có mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với sở thích của mình. Nhưng hãy luôn nhờ rằng, làm việc vì tiền thực sự có thể giết chết đam mê của bạn.

Sức mạnh của cảm giác hoàn thành và giá trị nhân văn

Nhà tâm lý học Martin Seligman từng ví cảm giác hoàn thành như nguồn gốc của sự hạnh phúc giúp thúc đẩy con đường sự nghiệp. Cảm giác hoàn thành xuất hiện khi đạt được mục tiêu đề ra. Nó khiến ta tự tin về hiệu quả bản thân, gia tăng sự hài lòng và gắn kết với nghề. 

Bên cạnh đó, những phản hồi, góp ý, khen thưởng của cấp quản lý cũng tác động đến cảm giác hoàn thành của một nhân viên. Thật may mắn nếu bạn được làm việc với một người luôn rành mạch trong nguyên tắc và quan điểm.

Bên cạnh đó, giá trị cộng đồng, nhăn văn cũng giúp chúng ta có được hạnh phúc. Hãy luôn tạo động cơ tích cực sau mọi nhiệm vụ của bạn và suy nghĩ đến những giá trị mà công việc của mình có thể giúp ích cho xã hội, cộng đồng, gia đình và thậm chí là bạn bè. Khi đó, cảm giác nhẹ nhàng và tự hào sẽ khiến cuộc sống văn phòng trở nên vui vẻ hơn.

Tạm kết

Hạnh phúc và sự hài lòng trong công việc phần lớn phụ thuộc vào các tiêu chí khá vô định như yếu tốt con người, cảm giác hoàn thành, giá trị nhân văn thay vì nhiệm vụ hay tiền bạc. Vì vậy, chúng ta khó chắc chắn được rằng công việc hiện tại sẽ gắn bó hoặc mang đến hạnh phúc trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời. 

Nhưng nếu bạn tìm được điểm chung giữa mình với lãnh đạo và nhóm đồng nghiệp; hay luôn nhận thấy được sự hiện diện của cảm giác hoàn thành và các giá trị nhân văn thì có nghĩa là bạn đang có một công việc hạnh phúc.

Quỳnh Hoa