|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng loạt vụ khách 'bom' trà sữa và cơm, bỏ mặc shipper gây xôn xao cộng đồng mạng đầu tháng 6

18:50 | 10/06/2019
Chia sẻ
Hai trường hợp khách không xuất hiện để nhận trà sữa và một vụ khách bỏ 10 suất cơm ở TP Hồ Chí Minh cho thấy rủi ro lớn mà tài xế công nghệ đối mặt khi giao thực phẩm, đồ uống.

Hai vụ "bom" hàng liên quan tới trà sữa

Ngày 8/6, hàng nghìn người chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn cùng lời "kêu cứu" của một shipper có tên Lâm Tú Ngân bị một cô gái ở TP Hồ Chí Minh "bùng" 1,2 triệu trà sữa hôm 7/6. Cô gái nhờ shipper mua và giao tới nhà 20 ly trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng.

Vì đơn hàng có giá trị lớn, shipper nhắn: "Sợ lắm lun. Sợ bom". Khách hàng đáp: "Mình là người đàng hoàng mà" và còn tỏ ra là người phóng khoáng với lời nhắn: "Tý nữa lấy mình đưa bạn thêm 100 nghìn nữa, 20 ly mệt lắm đúng không bạn".

Thấy khách trả lời, nói chuyện bình thường nên Ngân yên tâm mua hàng. Nhưng đến lúc giao, anh không thể liên hệ với khách. Người mua gửi tin nhắn "Thôi mình boom nha" cho anh. 

Hàng loạt vụ khách bom trà sữa và cơm, bỏ mặc shipper gây xôn xao cộng đồng mạng đầu tháng 6 - Ảnh 1.

Những hộp trà sữa Gongcha mà tài xế Lâm Tú Ngân không thể giao cho khách hôm 8/6 do khách không nhận hàng. Ảnh chụp màn hình

Ngân nhờ sự giúp đỡ của các hội nhóm và nhiều người ủng hộ anh. "Trường hợp đặc biệt của mình đã được Grab xem xét kĩ lưỡng và linh động, sẽ được bồi hoàn lại 100% số tiền đơn hàng đó", anh nói.

Cộng đồng mạng tỏ ra phẫn nộ trước hành vi này. Sau đó, họ tìm ra thông tin cá nhân, gia đình, trường học của Phạm Thư - nữ sinh liên quan đến vụ việc. Nhiều người đã gọi điện, nhắn tin cho Thư để "khủng bố", chửi bới, dọa dẫm. Tối 8/6, mẹ của Thư lên tiếng giải thích cho cô trên một video trực tiếp. Vị phụ huynh khẳng định con gái bà không phải là người đặt và hủy đơn hàng mà sự việc đáng tiếc do cậu con trai nhỏ tuổi gây ra. Nhưng cộng đồng mạng không tin vị phụ huynh nói đúng sự thật.

Ngày 10/6, trong phần bình luận dưới bài viết trên trang cá nhân ngày 10/6, Lâm Tú Ngân kể anh đã gặp gia đình của Phạm Thư và họ đã xin lỗi.

Hàng loạt vụ khách bom trà sữa và cơm, bỏ mặc shipper gây xôn xao cộng đồng mạng đầu tháng 6 - Ảnh 2.

Đơn hàng gồm 40 cốc trà sữa trị giá 1,6 triệu đồng mà khách "bùng" ở TP Hồ Chí Minh hôm 8/6. Ảnh chụp màn hình.

Ngay sau vụ việc của Lâm Tú Ngân, mọi người lại chia sẻ thông tin và hình ảnh về một vụ "bùng 40 cốc trà sữa Gongcha" ở TP Hồ Chí Minh trên các nhóm Facebook. Theo nội dung đơn hàng, tài xế nhận đơn hàng vào đầu chiều ngày 8/6. Số tiền mua trà sữa tại tiệm trên phố An Dương Vương là 1,6 triệu đồng và phí giao hàng là 18.000 đồng. Khi tới địa chỉ mà khách yêu cầu trên đường Võ Văn Kiệt, người giao hàng gọi hơn 10 cuộc nhưng khách không nghe máy và cũng không xuất hiện để nhận hàng.

Nữ shipper phải xử lí 10 suất ăn vì khách bỏ hàng

Hôm 9/6, các diễn đàn dành cho tài xế công nghệ chia sẻ câu chuyện của tài khoản Nguyễn Anh Tuấn về nữ đối tác Go--Viet bị khách bùng đơn hàng là 10 suất ăn. Nữ shipper đã nhận đơn mua 10 suất bánh hỏi, bún chả nướng với giá 49.000 đồng/suất và giao đến địa chỉ trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM.

Để phòng nguy cơ khách bỏ đơn hàng, trước khi mua 10 suất ăn, nữ tài xế đã gọi điện thoại cho người mua và nhắc nhở người đó không "bùng".

Hàng loạt vụ khách bom trà sữa và cơm, bỏ mặc shipper gây xôn xao cộng đồng mạng đầu tháng 6 - Ảnh 3.

Nữ tài xế Go-Viet với 10 suất ăn mà khách không nhận ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Khi giao hàng đến địa chỉ mà người mua yêu cầu, khách yêu cầu chị đợi khoảng 10 phút. Sau 10 phút, chị gọi lại nhưng đầu dây bên kia tắt máy và chặn số điện thoại của chị.

Tài khoản Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thay vì báo cáo với công ty để được bồi thường (vì thủ tục hoàn tiền khá mất thời gian), nữ tài xế đã chia 10 suất ăn cho những người mà chị gặp. Mỗi người trả nữ shipper 50.000 đồng để hỗ trợ chị.

Ý kiến của những người giao món ăn và khách hàng

Trung Dũng, một tài xế Grab, nói rằng anh không bao giờ nhận đơn hàng trên 1 triệu đồng để tránh nguy cơ khách bỏ hàng. 

"Công ty Grab hỗ trợ tài xế tối đa 1 triệu đồng nên tôi chỉ nhận đơn hàng tối đa 1 triệu đồng thôi", anh nói.

Nhiều tài xế khác khẳng định họ không bao giờ nhận những đơn hàng thực phẩm, đồ uống lớn như vậy.

"Rủi ro đối với những đơn hàng lớn rất cao. Một lần tôi nhận yêu cầu giao 20 suất cơm từ Gò Vấp tới quận 2. Tôi hủy luôn cho an toàn", Minh Hiếu, một tài xế ở TP Hồ Chí Minh, kể.

Đào Xuân Độ, một người dân ở TP Hồ Chí Minh, nói rằng tài xế nên ưu tiên những đơn hàng mà người mua thanh toán qua ví điện tử Moca để bảo đảm an toàn.

"Mỗi khi mua đồ uống hay thực phẩm, tôi thường thanh toán qua Moca để người giao hàng yên tâm", anh nói.



Luân Thường

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện mức tăng lợi nhuận trên 70%, thêm ngân hàng lãi tỷ đô
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.