|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận để lại khoảng trống lớn trong quy hoạch điện VII

13:03 | 09/08/2018
Chia sẻ
Cuối năm 2016, Quốc hội quyết định dừng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do nợ công và điều kiện kinh tế, điều này để lại một khoảng trống lớn trong quy hoạch điện VII và không dễ gì bù đắp.
hai nha may dien hat nhan o ninh thuan de lai khoang trong lon trong quy hoach dien vii Hà Nội lo ngại thảm hoạ nếu nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc rò rỉ

Điện hạt nhân để lại lỗ hổng lớn trong quy hoạch điện VII

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đang phụ thuộc vào điện hạt nhân như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, chủ trương phát triển điện hạt nhân từ rất sớm.

Năm 2007, khi phê duyệt kế hoạch chiến lược điện quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu tỷ trọng điện hạt nhân đạt khoảng 20% vào năm 2050. Ngắn hạn hơn, đến năm 2030, sản lượng điện hạt nhân đạt tỷ trọng 10,7% tổng sản lượng điện quốc gia, tương đương 4 tổ máy với tổng công suất đạt 4.600 MW.

hai nha may dien hat nhan o ninh thuan de lai khoang trong lon trong quy hoach dien vii
Diễn đàn Năng lượng Việt Nam. (Ảnh: Đức Quỳnh).

Trong quá trình thực hiện các dự án điện hạt nhân có nhiều thay đổi lớn. Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ trình Quốc hội thông qua Luật năng lượng nguyên tử và xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau sự cố sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, nhiều quốc gia e ngại về vấn đề điện hạt nhân trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, mặc dù quá trình khảo sát cho thấy việc phát điện hạt nhân thuận lợi nhưng trước nguy cơ an toàn, các nhà máy phải nâng cấp từ tiêu chuẩn 2+ lên 3 và 3+. “Điều này khiến giá thành điện hạt nhân đội lên nhiều đến mức các nhà máy không chịu nổi”, ông Quân thông tin.

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2030, có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành, chưa bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo chưa ghi rõ tên hoặc chưa lập dự án. Trong đó, 43 dự án thủy điện, 57 dự án nhiệt điện, 11 dự án năng lượng tái tạo, 3 dự án thủy điện tích năng và 2 dự án điện hạt nhân.

Sau 2 năm thực hiện, Quốc hội thông qua chủ trương dừng thực hiện dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600 MW). Hai nhà máy nhiệt điện khác là nhiệt điện Bạc Liêu (1.200 MW) và nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440 MW) cũng phải dừng triển khai. Ngoài ra, dự án điên Vũng Áng 3 (2.400 MW) cũng có thể phải dừng thực hiện theo đề nghị của các địa phương.

Cuối 2016, Quốc hội quyết định dừng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do nợ công và điều kiện kinh tế, để lại một khoảng trống lớn trong quy hoạch điện VII và không dễ gì bù đắp, nguyên Bộ trưởng nhận định. Bộ Công Thương có nhiều định hướng để bù đắp khoảng trống này như đẩy mạnh các loại điện truyền thống và điện tái tạo. Tuy nhiên, ngay cả các loại điện này đến nay cũng chưa đạt được mục tiêu quy hoạch điện VII.

Nguy cơ thiếu điện

Theo ông Ngô Xuân Hải - Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), dự báo đến 2030 nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 là 10,3 - 11,3%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8 - 8,5%/năm.

Giai đoạn 2019 - 2020 cung cấp điện có thể đảm bảo. Đến 2021 - 2023 gần như các nguồn điện được huy động hết trong đó có cả các nguồn điện được sản xuất từ nguồn nguyên liệu có giá thành đắt như dầu thô và có khả năng thiếu điện. Ông Hải cho hay, giá thành sản xuất điện bằng dầu thô cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với giá thành sản xuất điện bằng than và khí.

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất điện còn ẩn chứa nhiều rủi ro như thiếu nước tại các đập thủy điện. Các nguồn khí cung cấp cho các nhà máy ngày một hạn chế trong khi các nguồn khí thay thế khác lại khó khai thác. Giá khí đốt đang có xu hướng tăng.

Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giá khí hiện trung bình là 6 USD/mmBtu. Đến năm 2023 có thể tăng lên 10 - 12 USD/mmBtu và 2035 là 10 - 16 USD/mmBtu. Đến năm 2021, nguy cơ Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu khí và năm 2035 thiếu hụt 9 tỷ mét khối khí đốt.

Mặt khác, nhiều nhà máy điện khu vực phía Nam đang chậm tiến độ. “Nếu tính trung bình công suất mỗi dự án chậm tiến độ là 1.000 - 1.200 MW thì khả năng thiếu điện lên tới 7,5 tỷ kWh/năm”, ông Hải cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Xem thêm

Đức Quỳnh