|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều thách thức cho sản xuất điện

21:23 | 18/05/2022
Chia sẻ
Hiện có nhiều thách thức đặt ra cho cung ứng điện, trong khi đó, việc tham gia phát điện của các dự án điện gió còn hạn chế.

Chia sẻ tại toạ đàm: "Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng" do báo Kinh tế Đô thị tổ chức sáng 18/5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong quý I/2022, EVN gặp một số khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do vậy nhiều thách thức đặt ra cho cung ứng điện, trong khi đó, việc tham gia phát điện của các dự án điện gió còn hạn chế.

Áp lực trong cung ứng điện

Theo EVN, cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021, lượng thuỷ văn cũng có những suy giảm bất thường so với mọi năm; các thuỷ điện lớn trên sông Đà có sản lượng điện rất thấp.

Ngoài ra, vấn đề giá nhiên liệu cũng gây áp lực rất lớn cho sản xuất điện. Giai đoạn tháng 9/2021, giá than chỉ 90 USD/tấn, nhưng có thời điểm lên tới 200-400 USD/tấn, giá hiện tại khoảng 230 USD/tấn và dự báo giá than trong thời gian tới là 279 USD/tấn.

Đặc biệt, giá dầu thế giới cũng neo ở ngưỡng rất cao, trên 100 USD/thùng. "Chi phí đầu vào cho vận hành hệ thống điện tăng rất cao và đó là những thách thức rất lớn của chúng tôi trong việc sản xuất, cung ứng điện trong năm 2022", ông Võ Quang Lâm nói.

Theo ông Võ Quang Lâm, hiện nay, hệ thống điện có tới hơn 70.000 MW công suất; trong đó, năng lượng tái tạo chiếm tới 30%. Bên cạnh những thuận lợi là có thêm nguồn năng lượng điện đáp ứng cho hệ thống điện quốc gia, thì nguồn năng lượng mới này cũng có những bất ổn nhất định.

Hiện nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 78.000MW; trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.670 MW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Nhưng với những biến động của thời tiết, điện mặt trời lại không phát huy được hết công suất 17.000 MW. Trong khi đó, vào ngày 19/3, nguồn điện gió huy động chưa được 1%  (0,37%) trên tổng số 3.980 MW. Thời điểm này, toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW được phát trên hệ thống điện.

"Đây là một trong những điểm đặc biệt cho thấy sự bất định của năng lượng tái tạo. Cả giai đoạn vừa qua, năng lượng truyền thống đóng vai trò chủ chốt và quyết định đảm bảo cung ứng điện cho cả nước", ông Lâm khẳng định.

Theo lãnh đạo EVN, từ khi điện mặt trời và điện gió tham gia vào hệ thống điện, giờ cao điểm đã bị lệch so với thời điểm trước. Nếu như trước đây, giờ cao điểm trưa từ 11h-13h thì bây giờ, giờ cao điểm trưa lại lệch sang từ 14-16h. Đồng thời, xuất hiện thêm các giờ cao điểm từ 17h-19h và 20h30-22h. Sự chuyển dịch thay đổi như vậy dẫn đến việc tiêu thụ điện liên tục thiết lập kỷ lục mới.

Cũng theo ông Lâm, đối với điện gió, từ ngày 31/10/2021, loại hình năng lượng này với tham gia hệ thống điện với 3.600 MW, nhưng biểu đồ phát điện của điện gió trong những tháng vừa qua thì lại thấy sự bất ổn.

Thời điểm phát tốt nhất của điện gió vào các tháng 11 và 12 và tháng 1 tháng 2, còn những tháng phát thấp nhất lại là các tháng nóng (từ tháng 4 đến tháng 6). "Mọi người thường nghĩ điện gió phát đều, nhưng không phải. Vào những lúc cần điện gió nhất thì sản lượng điện gió lại thấp nhất", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.

 Nhân viên Điện lực Hà Nội kiểm tra vận hành lưới điện. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho mùa nắng nóng, ông Lâm cho rằng, EVN tập trung vào 2 giải pháp: Thứ nhất, trong quý IV/2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), các nhà máy điện thuộc tập đoàn thực hiện các giải pháp vận hành hợp lý; đề nghị các đối tác, nhà máy điện BOT, nhà máy điện lọc dầu rà soát, đảm bảo việc sửa chữa xong trong quý I/2022 để đảm bảo lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất. Đồng thời, rà soát lưới điện của các địa phương, đảm bảo được sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý I/2022.

Thứ hai, đối với nhóm nguồn điện bổ sung, trong bối cảnh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện: Kịch bản 1 ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỉ kWh;.Kịch bản 2 với mức tăng trưởng nhu cầu phụ tải ở mức cao 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỉ kWh. 

EVN cũng xây dựng các kịch bản để tìm kiếm thêm nguồn điện mới, đảm bảo cung ứng điện, nhất là ở miền Bắc, như: tăng cường hệ thống truyền tải Bắc - Nam, đảm bảo hành lang tuyến, không để xảy ra bất cứ sự cố gì trong mùa nắng nóng.

Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ mua điện từ nước bạn Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng. "Giữa tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã hoàn thành đường dây 220 kV nối lưới với nước bạn Lào; với các dự án nối lưới với Trung Quốc, chúng tôi cũng tăng cường giải toả công suất, để nhập khẩu thêm điện từ Trung Quốc", ông Lâm nói.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định: "Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng. Làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế".

Đức Dũng