Hà Nội thí điểm mô hình 'Chợ đêm trên mây', hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ngày 24/8, đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho biết đang tiếp nhận đơn đăng ký tham gia khóa tập huấn online, livestream thứ ba. Ngoài ra, đơn vị đang xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình "Chợ đêm trên mây", hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), theo Bộ Công Thương.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và cấp sao trong chương trình OCOP sẽ được các giảng viên Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN hỗ trợ phổ biến kiến thức bán hàng trực tuyến. Mô hình "Chợ đêm trên mây" được xây dựng để tạo điều kiện cho các thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội thực hành sau khi kết thúc khóa học trực tuyến.
Bên cạnh đó, đây là thời điểm để các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tiêu thụ nội bộ, tiêu thụ chéo giữa các nhóm hàng hoá của nhau. Đồng thời, các chủ thể cũng có thể giới thiệu và bán sản phẩm cho khách mời tham dự các sự kiện tiêu thụ online tổ chức được tổ chức hàng tuần.
Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội yêu cầu các chủ thể khi tham gia phải có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn chứng minh chất lượng để đảm bảo tính hiệu quả cho mô hình. Không những vậy, các chủ thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các sản phẩm được bày bán.
Đại diện Văn phòng hiện đã tổng hợp đăng ký của 30/30 quận, huyện, thị xã triển khai chương trình OCOP với hơn 2.300 sản phẩm trong giai đoạn 2021 – 2025 thuộc nhiều nhóm ngành hàng khác nhau. Trong đó, tính riêng năm 2021 đã có gần 550 sản phẩm đăng ký đánh giá và phân loại.
Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội giao chỉ tiêu cho Văn phòng Điều phối, phấn đấu đạt 400 sản phẩm từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao; phát triển mới 30 – 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ 1.054 sản phẩm/255 chủ thể đã được thành phố phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng cấp thành phố tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo xuất hiện trên thế giới. Tại Việt Nam, bên cạnh mô hình "Chợ đêm trên mây", còn có những mô hình khác xuất hiện khi nhu cầu mua sắm của người dân thay đổi. Những mô hình như "mang chợ ra phố", "đưa chợ ra không gian thoáng", "chợ di động", "chợ 0 đồng", "chợ một giá", "chợ cư dân" hay "đi chợ hộ", "bán hàng theo combo"... lần lượt ra đời, đáp ứng mọi yêu cầu cấp bách của người dân.
Theo các siêu thị, đáng chú ý là nhu cầu mua hàng online người dân tự đặt lại tăng mạnh. Do hạn chế về nhân lực nên có điểm bán chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Cách thức mua hàng online, mua hàng không tiếp xúc sẽ hạn chế rất nhiều nguy cơ lây chéo dịch bệnh.