Muôn kiểu bán hàng thời giãn cách của VinMart, Bách Hoá Xanh, Big C
Sau những lúng túng trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đến nay, các nhà bán lẻ lớn tại TP HCM đa phần đã tìm được hướng tiếp cận với người tiêu dùng.
Đó có thể là bán theo combo như Central Retail, bán bằng xe lưu động như Aeon, đi chợ hộ như VinMart hay đặt hàng qua Zalo như Bách Hoá Xanh,… Những hình thức này cho thấy bước đầu các đơn vị bán lẻ đã chủ động tìm phương cách tháo gỡ khó khăn trước khi đợi cơ quan chức năng có những hỗ trợ cụ thể.
Đang sở hữu hệ thống gần 2.500 siêu thị/cửa hàng VinMart/VinMart+, đại diện VinCommerce cho biết mặc dù lượng người mua trực tiếp giảm hẳn so với những ngày trước đó, song đơn đặt hàng trực tuyến lại tăng lên đáng kể. Công ty đã ngay lập tức liên hệ với các phường, tổ dân phố để tìm phương án giao hàng đến nhân dân cũng như kết nối với chương trình "đi chợ hộ" của địa phương.
Hiện các kênh đặt hàng trực tuyến của VinCommece như website https://vinmart.com/ và https://dicho.winmart.vn/, dịch vụ "đi chợ hộ" qua điện thoại đã sẵn sàng. Người dân có thể đặt mua hàng dạng combo (đã được soạn sẵn) gửi tới UBND các phường, sau đó siêu thị cung ứng theo dạng combo.
Về công tác chuẩn bị hàng hoá, phía VinCommerce nói rằng riêng tại TP HCM đơn vị đang có 8 kho tổng bao gồm kho đông lạnh và kho hàng khô, kho hàng trái cây, rau củ quả, đảm bảo tăng cường lượng dự trữ hàng hóa cho khu vực này trong bối cạnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hiện nay, lượng dự trữ hàng hóa của VinCommerce tại khu vực TP HCM đã tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ trong thành phố đã tăng gấp 4 – 5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với thời điểm đầu tháng 8.
"Các siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ có mặt ở tất cả các quận, phường của thành phố. Mỗi phường đều có ít nhất một cửa hàng VinMart+ với khả năng cung ứng hàng trăm đơn hàng mỗi ngày", phía VinCommerce khẳng định.
Tương tự, Central Retail - đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ GO!, Big C và Topsmarket cho hay hiện doanh nghiệp đã làm việc chính quyền địa phương về phương án đặt hàng, giao hàng cho người dân.
Các đại siêu thị như GO!, Big C sẽ cung ứng hàng hoá bằng xe tải đến các ban ngành, đoàn thể. Trong khi Topsmarket sẽ phân phối hàng hoá đến các phường và đại diện cán bộ phường sẽ giao đến các hộ dân sinh sống trên địa bàn.
Nhà bán lẻ này cũng đang cung ứng hàng hóa thiết yếu theo các combo khác nhau, chia thành nhóm dinh dưỡng, vitamin, rau, củ thịt cá... Người dân có thể đặt mua hàng dạng combo (đã được soạn sẵn) gởi tới UBND các phường, sau đó Big C, Topsmarket, GO! cung ứng theo dạng combo. Hiện đang có 6 loại combo khác nhau với mức giá dao động từ 100 ngàn đồng/combo, 300 ngàn đồng, đến 1 triệu đồng/combo.
Đối với siêu thị AEON, công ty đã phối hợp với đầu mối phụ trách tại các phường/tổ dân phố, sẵn sàng nhận đơn hàng từ người dân. Các combo hàng hóa đã có sẵn, với đa dạng từ thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá,… đến thực phẩm khô và hóa mỹ phẩm. Hệ thống này nhận xét, với cách mua hàng mới sẽ cần có thêm thời gian để cơ quan chức năng địa phương và khách hàng có thể làm quen, cũng như thống nhất cách làm việc.
Trong khi đó, sở hữu hệ thống bán lẻ rộng khắp, chuỗi Bách Hoá Xanh mới đây đã triển khai bán hàng qua Zalo tại 600 điểm bán ở TP HCM và việc giao hàng sẽ được phối hợp với địa phương để triển khai.
Trước đó, trao đổi với người viết, phía Bách Hoá Xanh cho biết đã được cơ quan chức năng chấp thuận cho đơn vị giao hàng. Cách đây 1 tháng, Bách Hoá Xanh cũng đăng tuyển 1.000 shipper với mức lương tăng gấp 5 lần khi nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng đột biến 400% - 500%.
Nói về các phương thức cung ứng hàng hoá mới trong giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại TP HCM, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh phải cố gắng thiết lập hệ thống phân phối để bảo đảm cho người dân có đủ thực phẩm đến ngày 15/9.
"Để dập được dịch, phải bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Muốn "ai ở đâu ở đó", không di chuyển để cắt đứt chuỗi lây nhiễm bệnh thì người dân phải được cung cấp hàng hóa thiết yếu, không phải ra chợ, đi làm, tới nơi tập trung đông người", ông Thành nói.
Về phía TP HCM, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND cho biết, thành phố sử dụng hệ thống bán lẻ thương mại để lấy hàng từ các tỉnh, đây cũng là nơi tập kết hàng hóa. Từ đó, các đơn vị chức năng sẽ dùng để phân phối đến các phường.
Đến nay, xe chở hàng về thành phố lưu thông thông suốt. Khi tới cấp phường, các tổ hậu cần nắm nhu cầu của người dân trên địa bàn để phát túi an sinh cho các hộ khó khăn. Đối với các hộ có điều kiện hơn, tổ hậu cần sẽ "đi chợ thay" (người dân trả tiền).