Thời tới không cản nổi của Xiaomi sau nhiều năm tăng trưởng ì ạch và cơ hội vàng từ cú hụt chân từ Huawei
Lệnh cấm vận từ phía Mỹ đã nhấn chìm mảng kinh doanh smartphone của Huawei. Thế nhưng, một thương hiệu Trung Quốc khác thì lại đang được hưởng lợi.
Từ Châu Âu, Đông Nam Á cho tới Trung Quốc, Xiaomi đang lấp đầy khoảng trống mà Huawei để lại. Xiaomi làm điều này bằng cách tương tự như cách nhiều công ty smartphone Trung Quốc khác đang áp dụng: mang đến thị trường những thiết bị với hiệu năng tương tự đối thủ nhưng với mức giá thấp hơn khá nhiều.
Trong tháng 6, Xiaomi vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất bán được nhiều smartphone nhất trên thế giới, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research. Trong quý 2 năm nay, Xiaomi cũng vượt qua Apple để lần đầu tiên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 trên thế giới.
Ở Châu Âu, Xiaomi đang nắm vị trí số 1 với thị trường tăng mạnh lên mốc 24% so với một năm trước đó. Ở các thị trường nhạy cảm về giá như Tây Ban Nha, có 5 điện thoại bán ra trong quý 2/2021 thì có 2 chiếc máy do Xiaomi sản xuất, theo Counterpoint Research. Xiaomi cũng dẫn đầu tại Đan Mạch, Bỉ, Ukraine và Nga.
Munza Mushtaq, một phóng viên tự do ở Sri Lanka, đã đổi chiếc điện thoại Huawei cô đang dùng lấy một chiếc Xiaomi hồi tháng 5. Lý do cô thực hiện điều này là bởi các thiết bị của Huawei không còn được truy cập nhiều dịch vụ, tính năng mà Google cung cấp.
John Michael Ausejo, một công dân Philippines, cũng bỏ dùng Huawei năm ngoái. Khi tìm mua điện thoại mới, anh thấy nhiều mẫu máy quá đắt. Vì thế, anh chọn chiếc Xiaomi Remi Note 9 với nhiều tính năng hấp dẫn nhà sản xuất đưa ra như pin dùng 2 ngày không cần sạc và bốn camera sau. Vì thân máy điện thoại này làm từ nhựa thay vì kim loại, anh mua thêm một chiếc ốp lưng để tăng độ bền.
Chiếc máy có giá khoảng 200 USD. "Mọi thứ đều có ở đây", anh Ausejo, một nhà khoa học địa chất, nói với WSJ.
Trong khi các doanh nhân công nghệ Trung Quốc thường khá kín tiếng, ông Lei Jun, CEO Xiaomi, lại không ngần ngại chia sẻ về tham vọng toàn cầu của mình. Ông cho biết ông hài lòng với vị trí số 2 ở thời điểm hiện tại nhưng sẽ vượt qua Samsung trong vòng 3 năm tới để chính thức nắm vị trí nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi đạt đến vị trí dẫn đầu ở Châu Âu – đây là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc làm được điều này", ông Lei nói trong một sự kiện ở Bắc Kinh hồi đầu tháng. Ông tự tin nhấn mạnh trở thành nhà sản xuất dẫn đầu thế giới nằm trong tầm tay của ông.
Thế đang lên của Xiaomi xuất hiện sau nhiều năm tăng trưởng ì ạch. Năm 2013, Xiaomi là nhà sản xuất dẫn đầu thị trường Trung Quốc cho tới khi một làn sóng các đối thủ nội địa xuất hiện, bao gồm Huawei.
Giống Huawei, Xiaomi cũng lọt vào tầm ngắm các lệnh hạn chế về tài chính dưới chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu năm nay. Dù vậy, công ty này đã hành động kịp thời và thành công ngăn chặn điều này, theo WSJ.
"Cú hụt chân" của Huawei rõ ràng là một món quà cho Xiaomi. Chỉ một năm trước, Huawei vẫn là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với thị phần toàn cầu trên dưới 20%. Dù vậy, các lệnh cấm vận từ phía Mỹ đã cắt đi nguồn cung chip và phần mềm quan trọng của hãng này. Doanh số của Huawei trong quý 2 năm nay đã giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nhà mạng và nhà bán lẻ Châu Âu đơn giản chỉ đưa Huawei ra và đưa Xiaomi vào", ông Neil Mawston, một nhà nghiên cứu ngành di động tại công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, nói.
Mặc dù ra mắt nhiều thiết bị cao cấp hơn thời gian gần đây, Xiaomi vẫn là một hãng điện thoại tập trung vào phân khúc giá thấp.
Ví dụ, chiếc Xiaomi M11 Ultra có nhiều đặc điểm tương tương chiếc Samsung Galaxy S21 song có giá bán thấp hơn tới 400 USD, ông Neil Shah, một nhà phân tích của Counterpoint nói. "Xiaomi đang đạt đến tầm cao của Samsung", ông nhận định thêm.
Một trong những thị trường quan trọng mà Xiaomi vẫn chưa thể chinh phục là Mỹ. Xiaomi hiện đã bán một số sản phẩm như máy chiếc hay xe scooter tại đây. Dù vậy, Xiaomi chưa có quan hệ hợp tác với một nhà mạng Mỹ nào để có thể bán ra điện thoại thành công.
Các nhân sự cấp cao của Xiaomi từ lâu luôn giữ tham vọng có thể "Mỹ tiến". Ông Xiang Wang, chủ tịch công ty, nói với các nhà đầu tư vào đầu năm nay rằng Mỹ "luôn rất, rất hấp dẫn với tất cả mọi người". Dù vậy, ông cho rằng công ty đang tập trung nguồn lực và Châu Âu và chưa có khung thời gian cụ thể để thâm nhập nước Mỹ.
"Có thể khi chúng tôi được chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi sẽ tới Bắc Mỹ", ông nói thêm.