|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xiaomi khai tử thương hiệu Mi

15:27 | 24/08/2021
Chia sẻ
Các sản phẩm Xiaomi trong tương lai sẽ không còn mang thương hiệu Mi.

Đầu năm nay, chỉ trong một thời gian ngắn, Xiaomi đã vươn lên trở thành một gã khổng lồ trong ngành sản xuất smartphone thế giới. Hiện hãng đang là nhà sản xuất smartphone hàng đầu toàn cầu, đi cùng triết lý kinh doanh "điện thoại cho tất cả mọi người, bất kể mức giá nào".

Để phân biệt các dòng sản phẩm với nhau, Xiaomi đã chia smartphone của mình thành nhiều thương hiệu con, trong đó đáng chú ý nhất là "Mi" - thường gắn với các mẫu flagship. Tuy nhiên, giờ đây, sau 10 năm kể từ khi chiếc điện thoại Mi đầu tiên mở bán trên thị trường, Xiaomi đã sẵn sàng thực hiện một cuộc thay đổi lớn: Loại bỏ Mi ra khỏi dải sản phẩm của mình.

Việc thay đổi thương hiệu này bắt đầu từ mẫu smartphone Xiaomi Mix 4 được phát hành gần đây. Đại diện công ty chia sẻ với XDA rằng tất cả các sản phẩm sắp tới của họ cũng sẽ không còn gắn với thương hiệu Mi.

Mặc dù Xiaomi được biết đến nhiều thông qua các mẫu smartphone giá rẻ cấu hình cao, song nhà sản xuất này cũng bán nhiều sản phẩm nằm trong danh mục nhà thông minh, laptop, TV, tủ lạnh, nồi chiên không dầu, đồng hồ, xe thông minh, robot,… Hầu hết các sản phẩm này cũng mang thương hiệu Mi. Nhưng từ nay, điều ấy sẽ thay đổi.

Xiaomi khai tử thương hiệu Mi - Ảnh 1.

Thương hiệu Mi sẽ chỉ còn là dĩ vãng. (Ảnh: Reuters).

Lịch sử thương hiệu Mi

Thực tế, sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Mi không phải là một chiếc smartphone mà chính là MIUI, hệ điều hành dựa trên Android và ngày nay là phiên bản MIUI 12.5.

Ngày đầu ra mắt, MIUI là một bản ROM tuỳ chỉnh hot nhất trên các diễn đàn công nghệ. Điều mà không có nhiều người nhận ra vào thời điểm ấy đó là các nhà phát triển MIUI có tham vọng lớn hơn nhiều việc tạo ra một bản sao của Android.

Cuối năm 2011, Xiaomi đã chính thức ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên của mình - Mi 1. Smartphone này sở hữu thông số cấu hình hàng đầu vào thời điểm đó, bao gồm con chip Snapdragon S3 của Qualcomm, RAM 1 GB và màn hình LCD 4 inch. Tất nhiên, nó được cài sẵn MIUI 2.3.

Trong những năm sau này, Xiaomi tiếp tục tung ra các mẫu điện thoại mới mang thương hiệu Mi và tất cả đều chỉ được mở bán tại Trung Quốc. Cuối năm 2013, Xiaomi chiêu mộ Hugo Barra từ Google, người lúc đó đang là Phó Chủ tịch mảng các sản phẩm Android.

Dưới sự lãnh đạo của Barra, Xiaomi đã từng bước mở rộng sang các thị trường khác tại châu Á bao gồm Singapore, Ấn Độ,… bằng hai sản phẩm Mi 3 và Redmi 2. Redmi sau này trở thành thương hiệu con của công ty, chuyên sản xuất các sản phẩm giá rẻ.

Việc mở rộng sang thị trường bên ngoài Trung Quốc là chìa khóa thành công cho Xiaomi sau này, trở thành yếu tố quan trọng đối với chiến lược toàn cầu của công ty. Sự ra mắt toàn cầu của Mi 3 và Redmi 2 đã mở ra vận hội mới và họ nhanh chóng xâm chiếm các thị trường khác, tung ra nhiều sản phẩm hơn.

Kể từ khi Barra rời Xiaomi vào năm 2017, đến nay, công ty đã vươn lên trở thành hãng điện thoại số 1 Ấn Độ và được cho là đã soán ngôi Samsung ở châu Âu. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công của Xiaomi, trong đó bao gồm sự suy yếu của Huawei và nguồn cung hạn chế vì COVID-19.

Tuy nhiên có một thực tế là không một phân khúc nào Xiaomi "ngán" cạnh tranh, từ smartphone giá rẻ tới điện thoại cao cấp, điện thoại có thể gập lại,…

Đồng sáng lập và CEO Xiaomi Lôi Quân từng nói về nguồn gốc thương hiệu Mi: Đây là viết tắt của hai thứ "Mobile Internet" và "Mission Impossible" (Tạm dịch: internet di động và nhiệm vụ bất khả thi - NV).

"Xiaomi tự coi mình là một công ty internet di động và luôn đặt ra mục tiêu để hoàn thành các nhiệm vụ bất khả thi", Lôi Quân nói rằng đó là những điều mà người dùng sẽ nghe thấy rất nhiều trong các buổi giới thiệu sản phẩm công ty.

Bản thân từ Xiaomi trong tiếng Trung có nghĩa là "kê", tức hạt gạo. Trong khi Xiao có nghĩa là nhỏ. Xiaomi có nghĩa là "hạt gạo nhỏ" - người đứng đầu công ty mong muốn họ có thể tập trung vào những điều nhỏ trước khi phát triển.

Giờ đây, Xiaomi đã trở thành thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới. Do đó có lẽ họ nghĩ rằng đã đến lúc khách hàng cần biết tới những sản phẩm của họ gắn liền với tên công ty hơn chỉ là một chữ Mi. Tại Trung Quốc, các sản phẩm mới ra mắt cũng đã bị loại bỏ thương hiệu Mi và dự đoán chiến lược này cũng sẽ sớm áp dụng trên phạm vi toàn cầu.

Thiên Trường

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.