|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

GS. Võ Tòng Xuân: Thứ hạng xuất khẩu không phải tất cả, quan trọng là doanh nghiệp bán được gạo giá cao

07:59 | 11/10/2022
Chia sẻ
GS. Võ Tòng Xuân cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đi theo hướng giảm lượng, tăng giá trị. Do vậy thứ hạng xuất khẩu gạo lớn thứ 2 hay thứ 3 thế giới về sản lượng không phải tất cả, quan trọng là giá gạo cao, nông dân thoát nghèo.

Thứ hạng xuất khẩu không còn quá quan trọng

Trên đường đua xuất khẩu gạo vài năm trở lại đây, Việt Nam và Thái Lan thay nhau giữ vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới. Năm 2021, Việt Nam giữ vị trí này với sản lượng 6,5 triệu tấn gạo, còn đối thủ Thái Lan đứng ngay sau và bám rất sát.

(Số liệu: Statista, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Bước sang năm 2022, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,3-6,5 triệu tấn gạo. Còn Thái Lan kỳ vọng xuất khẩu gạo đạt 7,5 triệu tấn và giành lại vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới từ Việt Nam.

Nói với Reuters, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan tin tưởng rằng xuất khẩu gạo năm 2022 của nước này có thể chạm tới con số 8 triệu tấn do đồng Baht suy yếu và Ấn Độ tăng thuế xuất khẩu gạo.

Cho đến thời điểm này, Thái Lan vẫn đang chạy đua cho mục tiêu này. Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (Bộ Công Thương) cho biết, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 4,75 triệu tấn, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với con số này, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã vượt qua con số hơn 4 triệu tấn của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, tương đương 52% kế hoạch năm.

Trao đổi với người viết, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng nếu thị trường và giá gạo không có nhiều biến động so với hiện tại, việc Thái Lan vượt Việt Nam về sản lượng gạo xuất khẩu có thể xảy ra.

“Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đi theo hướng giảm lượng, tăng giá trị. Do vậy thứ hạng xuất khẩu gạo lớn thứ 2 hay thứ 3 thế giới về sản lượng không phải tất cả, quan trọng là giá gạo cao, kim ngạch xuất khẩu đi lên” GS. Võ Tòng Xuân nhận định.

Còn theo quan điểm của ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Intimex thời điểm này còn quá sớm để nói về thứ hạng xuất khẩu gạo năm 2022. Bên cạnh đó, những con số mà Việt Nam và Thái Lan đưa ra chỉ là dự kiến về sản lượng xuất khẩu, còn thị trường và giá cả sẽ còn biến động trong những tháng cuối năm.

Nói về triển vọng xuất khẩu quý IV, ông Nam cho biết: “Sau lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam hưởng lợi về cả thị trường và giá. Bản thân Intimex cũng dự kiến sản lượng xuất khẩu gạo năm 2022 tăng 20% lên 700.000 tấn”.

Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với Thái Lan về sản lượng

Câu chuyện Việt Nam hay Thái Lan sẽ giữ vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2022 sẽ cần ít nhất 3 tháng mới rõ được. Chuyên gia Võ Tòng Xuân cho rằng Việt Nam vẫn còn khả năng cạnh tranh với Thái Lan về sản lượng xuất khẩu, song nước ta duy trì sản lượng 6-6,5 triệu tấn với nhiều lý do.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 5,4 triệu tấn (bằng 84% kế hoạch năm), thu về 2,6 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Bàn về điều này, GS. Võ Tòng Xuân nói: “Việt Nam vẫn còn dư địa cho xuất khẩu gạo nhưng cái khó là thị trường và giá. Châu Phi có nhu cầu mua gạo lớn, nếu muốn tập trung vào sản lượng xuất khẩu mà bán giá thấp thì nông dân ngàn đời cứ nghèo hoài”.

Thực tế với năng suất và sản lượng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với Thái Lan về sản lượng gạo xuất khẩu.

Theo số liệu của công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, niên vụ 2022-2023, diện tích lúa của Việt Nam ước đạt 7,3 triệu ha, năng suất khoảng 7 tấn/ha, đặc biệt nước ta sản xuất 3 vụ lúa/năm, sản lượng gạo có thể lên tới 27,4 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, Thái Lan chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm với tổng diện tích khoảng 10,7 triệu ha, năng suất ước đạt 2,8 triệu tấn/ha, sản lượng khoảng 19,8 triệu tấn/năm.

Theo định hướng, nông dân sẽ bỏ bớt diện tích lúa để chuyển sang trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao hơn. Khi diện tích lúa ít đi, nhu cầu vẫn ổn định hoặc cao hơn thì giá gạo mới cao được.

Còn nếu cứ đâm đầu vào sản xuất, không biết ai sẽ mua, mua giá thế nào thì nông dân sẽ mãi không giàu được”, GS. Võ Tòng Xuân nói.

Đây cũng là lý do trong 5 năm gần đây, Việt Nam duy trì sản lượng xuất khẩu gạo ở mức 6-6,5 triệu tấn và tập trung ở phân khúc gạo thơm để giữ giá gạo ở mức cao, góp phần ổn định giá lúa trong nước và cải thiện đời sống nông dân. 

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ 

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 5/10 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu với loại gạo 5% tấm và 25% tấm.

Cụ thể gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán với giá 428 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 9 và tăng 35 USD/tấn so với ngày 8/9, thời điểm Ấn Độ áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 422 USD/tấn; gạo Ấn Độ 378 USD/tấn; gạo Pakistan khoảng 388 USD/tấn.

Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam có giá 408 USD/tấn, tăng 5 USD so với cuối tháng 9 và tăng 30 USD so với thời điểm trước ngày 8/9. Gạo 25% tấm Thái Lan ở mức 406 USD/tấn; gạo Ấn Độ 363 USD/tấn; gạo Pakistan khoảng 371 USD/tấn.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, Việt Nam có thể cạnh tranh được với Thái Lan về sản lượng xuất khẩu, tuy nhiên về xây dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường thì nước ta vẫn còn yếu.

Từ trước đến nay, Thái Lan khá đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, khách hàng đặt mã hàng nào sẽ nhận được sản phẩm y như cam kết. Nhờ đó, các doanh nghiệp Thái Lan đã xây dựng uy tín trên thị trường và có mạng lưới khách hàng lớn.

Trong khi Việt Nam chưa thực sự chú trọng vào khâu truy xuất nguồn gốc, một số doanh nghiệp Việt vẫn còn tư duy chuyến hàng, xuất gạo không đúng với thương hiệu, làm giảm uy tín gạo Việt.

Nhìn từ việc thương hiệu gạo ST25 bị đăng ký bản quyền hoặc làm giả “xác ST25, nhưng hồn không phải”, Giáo sư cho rằng Việt Nam cần học cách Thái Lan làm thương hiệu cho gạo Hom Mali để nâng tầm những sản phẩm gạo quý như ST25 nói riêng và gạo Việt nói chung.

Phạm Mơ