USDA: Sản lượng gạo toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 7 năm
Sản lượng giảm lần đầu tiên kể từ niên vụ 2015-2016
Trong báo cáo tháng 9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 508 triệu tấn xay xát, giảm 4,4 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 7 triệu tấn (1,4%) so với niên vụ 2021-2022. Đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ niên vụ 2015-2016.
Sự sụt giảm này chủ yếu là do sản lượng thấp hơn tại Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka và Mỹ. Trong đó, USDA đã cắt giảm mạnh dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan do thời tiết khắc nhiệt, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng làm giảm diện tích thu hoạch cũng như năng suất dự kiến.
Vụ mùa tại Mỹ cũng được dự báo giảm dựa trên ước tính không mấy khả quan về diện tích thu hoạch và năng suất theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Nông nghiệp Quốc gia Mỹ (NASS). Trong khi đó, Sri Lanka cũng đối mặt với vụ mùa sản lượng thấp hơn do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào trầm trọng, đặc biệt là phân bón và nhiên liệu phục vụ sản xuất.
Với sự điều chỉnh này, tổng nguồn cung toàn cầu (gồm sản lượng và tồn kho) trong niên vụ 2022-2023 dự báo đạt 692,9 triệu tấn, giảm 1,5%, tương ứng 10,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Đây là sự sụt giảm nguồn cung gạo lần đầu tiên kể từ vụ 2004-2005 nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử.
Sản lượng của Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới dự kiến sẽ giảm tổng cộng 5,8 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023. Trong đó Ấn Độ giảm 3,8 triệu tấn và Trung Quốc giảm 2 triệu tấn so với niên vụ trước.
Sản lượng của Pakistan và Mỹ dự kiến giảm 0,9 triệu tấn và 0,8 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng dự kiến sẽ giảm ít nhất 100.000 tấn trong niên vụ 2022-2023 tại Bangladesh, Brazil, Liên minh châu Âu, Ghana, Hàn Quốc, Philippines và Tanzania.
Tuy nhiên, sản lượng dự báo sẽ tăng tại Myanmar, Ai Cập, Indonesia, Iran, Nigeria và Thái Lan. Riêng vụ mùa của Ai Cập tăng mạnh nhất, tăng 0,4 triệu tấn lên 3,3 triệu tấn do diện tích thu hoạch lớn hơn. Bên cạnh đó, Campuchia và Nepal dự kiến sẽ thu hoạch vụ mùa kỷ lục trong niên vụ 2022-2023.
Tiêu thụ dự báo đạt kỷ lục
Trái ngược với sự sụt giảm về nguồn cung, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 519,3 triệu tấn, tăng 0,6 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.
Trong tháng này, tiêu thụ gạo của Ấn Độ dự kiến tăng gần 1,8 triệu tấn so với dự báo trước lên 109,2 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn so với kỷ lục 109,5 triệu tấn của niên vụ 2021-2022. Điều chỉnh này chủ yếu dựa trên việc Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục thu mua lượng lớn lúa mì và gạo để trợ cấp cho người dân có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, tiêu thụ cũng được dự báo tăng tại Bangladesh, Nepal, Nigeria, Philippines và Thái Lan.
Tồn kho giảm trong năm thứ hai liên tiếp
Tiêu thụ tăng trong khi sản lượng giảm đã dẫn đến tồn kho gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 tiếp tục giảm trong năm thứ hai liên tiếp xuống còn 173,6 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 11,3 triệu tấn (6%) so với vụ 2021-2022. Đây cũng là lượng tồn kho thấp nhất kể từ niên vụ 2017-2018.
Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn sự sụt giảm tồn kho gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023, một phần là do dự báo vụ mùa nhỏ hơn và nhu cầu tiêu thụ của Ấn Độ tăng.
Tồn kho tại Trung Quốc ước tính giảm 5,8 triệu tấn so với niên vụ trước, xuống còn 107,2 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2016-2017. Còn tại Ấn Độ, tồn kho cuối vụ 2022-2023 dự báo đạt 33,7 triệu tấn, giảm gần 8%, tương ứng giảm 2,8 triệu tấn so với niên vụ trước.
Thương mại dự báo giảm do các biện pháp hạn chế của Ấn Độ
Theo USDA, thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 dự báo đạt 53,7 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 1% so với năm 2022. Đây là sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2019.
Xuất khẩu của Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ giảm xuống còn 20,3 triệu tấn trong năm 2022 và 20 triệu tấn trong năm 2023 so với mức 21,2 triệu tấn năm 2021. Dự báo này được đưa ra sau khi Ấn Độ thông báo siết chặt xuất khẩu để ổn định nguồn cung trong nước.
Ngày 8/9, Bộ Tài chính Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với thóc, gạo lứt và các loại gạo trắng khác trừ gạo đồ, gạo Basmati. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 9/9. Lí đo được Chính phủ đưa ra là lo ngại sản lượng gạo niên vụ 2022-2023 giảm bởi tình hình thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến nguồn cung nội địa.
USDA cho rằng sự sụt giảm của Ấn Độ sẽ được bù đắp phần nào bởi sự gia tăng tại Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu của Thái Lan dự báo tăng từ 6,1 triệu tấn năm 2021 lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và 8 triệu tấn năm 2023. Xuất khẩu của Việt Nam cũng được dự báo tăng từ 6,3 triệu tấn của năm 2021 lên 6,7 triệu tấn năm 2022 và 6,8 triệu tấn năm 2023.
Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2023 dự báo giảm 500.000 tấn so với dự báo trước và giảm 200.000 tấn so với năm 2022, xuống còn 5,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ.
Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với 3,3 triệu tấn trong năm 2023, tăng 200.000 tấn so với dự báo trước nhưng thấp hơn 100.000 tấn so với năm 2022.
Ngoài ra, Australia, Bangladesh, Benin, Campuchia, Costa Rica, Ai Cập, Guinea, Iraq, Madagascar, Mali, Senegal, Sri Lanka và Việt Nam dự kiến nhập khẩu gạo ít hơn vào năm 2023.
Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở một số nước như Afghanistan, Bờ Biển Ngà, Cuba, Ecuador… Đặc biệt, EU và Mỹ dự kiến nhập khẩu kỷ lục vào năm 2023.