|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gỡ khó cho sản xuất mía đường

07:45 | 23/03/2019
Chia sẻ
Hiện nay, ngành sản xuất mía đường cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đang gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm đường không tiêu thụ được do phải cạnh tranh khốc liệt với khu vực và thế giới. Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc với các ngành chức năng, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương để tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, yếu tố quyết định để vượt qua những khó khăn là cần cái “bắt tay” đồng thuận giữa công ty và người trồng mía.



Gỡ khó cho sản xuất mía đường - Ảnh 1.

Người dân thôn Đào Tiến, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: Hồng Lĩnh

Cây trồng chủ lực

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thành lập và đi vào hoạt động hơn 20 năm qua đã có những đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó tổng Giám đốc Công ty là người trưởng thành gắn liền với phong trào trồng mía của người nông dân khắp các miền quê trong tỉnh. Ông cho biết, từ khi thành lập đến nay, công ty nhiều lần rơi vào khủng hoảng do thiếu nguyên liệu, do những khó khăn từ thị trường tiêu thụ nhưng công ty đã “bắt tay” chặt chẽ với người trồng mía để khôi phục lại sản xuất, bảo đảm ổn định việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Công ty xác định, người trồng mía là bạn đồng hành, gắn liền với sự tồn tại phát triển của công ty nên công ty luôn tìm các giải pháp để người trồng mía yên tâm sản xuất. Cả vùng mía hơn 8 nghìn ha trong tỉnh đã mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người nông dân, nhiều hộ đã thoát nghèo từ trồng mía, có nhà cao cửa rộng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tại các vùng trồng mía trong tỉnh những ngày này bà con nông dân đang tích cực thu hoạch mía trong khung thời vụ. Chị Lê Thị Thu Phương đội sản xuất số 6, thôn Đào Tiến, xã Hào Phú (Sơn Dương) cho biết, chị làm nghề trồng mía được gần 20 năm rồi, cuộc sống đã đổi thay từ trồng mía. Thời gian qua, ngành sản xuất mía đường gặp khó khăn, giá mía giảm, thanh toán chậm, người trồng mía lo lắng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chị được biết, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với công ty để tìm cách tháo gỡ, với những cam kết công ty đưa ra, chị và bà con yên tâm sản xuất. Khó khăn nào cũng sẽ qua, niềm vui lại đến khi cả công ty và người trồng mía cùng nỗ lực.

Gỡ khó cho sản xuất mía đường - Ảnh 2.

Cán bộ khuyến nông huyện Sơn Dương (ngoài cùng bên trái) kiểm tra chất lượng mía thu hoạch tại thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên (Sơn Dương). Ảnh: Cao Huy

Gia đình chị có hơn 1 ha mía, trồng giống mía KK3 của Thái Lan cho năng suất hơn 100 tấn, mỗi vụ mía chị thu lãi hơn 80 triệu đồng. Giống mía này có ưu điểm là không trổ bông, chống chịu sâu bệnh tốt. Chị đã xây được ngôi nhà to thay cho ngôi nhà gỗ ngày trước. Còn ông Đặng Văn Hùng, năm nay 62 tuổi cũng ở thôn Đào Tiến đã trải qua nhiều nghề nhưng nghề trồng mía ông gắn bó lâu nhất vì mang lại cho gia đình ông cuộc sống ấm no. Ông có 4 người con đều trồng mía, giờ đều có nhà xây từ trồng mía. Cả thôn Đào Tiến có hơn 90% số hộ xây được nhà kiên cố từ trồng mía.

Nhiều hộ nông dân ở các xã vùng khó khăn trong tỉnh đã có cuộc sống khá hơn từ trồng mía. Anh Hà Kim Thình, thôn Nà Lá, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) có thâm niên 7 năm trồng mía. Anh bảo, đã làm nhiều nghề, trồng nhiều loại cây nhưng cây mía là cây trồng cho thu nhập ổn định nhất. Từ trồng mía, mới đây anh đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, đây là niềm mơ ước bao lâu nay của gia đình anh. Cũng ở Xuân Quang, nhiều hộ có thu nhập trên 150 triệu đồng từ trồng mía mỗi vụ, điển hình là gia đình ông Dương Đức Tày, thôn Nà Thoi trồng 2,5 ha mía, mỗi vụ thu trên 150 triệu đồng. Năm 2018, ông thực hiện thâm canh tăng năng suất mía, đạt 120 tấn/ha, năng suất vượt 30% so với cây mía trồng đại trà.

Cây mía thực sự là cây giảm nghèo, cây làm giàu của nhiều hộ nông dân trong tỉnh thời gian qua, do đó, việc tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng mía là yếu tố cốt lõi để ngành mía đường phát triển, tiếp tục góp phần giảm nghèo, làm giàu của địa phương.

Những cam kết từ nhà máy

Trước những khó khăn trong sản xuất mía đường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, trực tiếp làm việc với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và các ngành chức năng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Gỡ khó cho sản xuất mía đường - Ảnh 3.

Công nhân Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đóng gói sản phẩm đường. Ảnh: Quốc Việt

Theo đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá đường giảm mạnh, không tiêu thụ được do đường nhập lậu không kiểm soát được, dẫn đến lượng đường tồn kho của công ty lớn; thiếu kinh phí, chậm thanh toán cho người trồng mía. Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nhấn mạnh, công ty tiếp tục tìm kiếm thị trường, nỗ lực bán hàng và tích cực làm việc với các ngân hàng để có vốn thanh toán tiền mía trong thời gian nhanh nhất. Do còn khó khăn, công ty thực hiện thanh toán tiền mía theo từng đợt. Đối với đợt thu hoạch mía từ đầu vụ đến trước Tết Nguyên đán vừa qua, công ty thanh toán trong tháng 3 này; diện tích mía thu hoạch trong tháng 2 thanh toán trong tháng 4; diện tích mía còn lại thu hoạch đến hết vụ thanh toán trong tháng 5-2019.

Việc thanh toán tiền mía là trách nhiệm bắt buộc của công ty phải thực hiện. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tại các buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Minh, để ngành mía đường phát triển bền vững, công ty rất cần sự chia sẻ, đồng hành của người trồng mía để tháo gỡ khó khăn trước mắt. Chậm thanh toán là khó khăn trước mắt, nhiệm vụ có tính chiến lược là phải ổn định vùng nguyên liệu mía, nâng cao năng suất, chất lượng mía. Công ty đã triển khai xây dựng các mô hình giống mía mới năng suất đạt trên 100 tấn/ha như giống mía KK3, LK9211 của Thái Lan; QT, Quế đường 42 của Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục triển khai cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng mía để mía nâng cao năng suất, người trồng mía có thu nhập cao hơn trên một đơn vị diện tích mía.

Thời gian này, công ty đang xúc tiến ký kết lại hợp đồng thu mua mía nguyên liệu với người trồng mía với giá cam kết 800 đồng/kg, cao hơn giá thu mua mía bình quân của cả nước từ 100 đến 150 đồng/kg. Lãnh đạo công ty trực tiếp gặp gỡ người trồng mía để trao đổi về trách nhiệm thu mua mía, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, tránh những tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích của công ty và người trồng mía.

Với nhiều giải pháp tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, của công ty, sự đồng thuận, chia sẻ của người trồng mía, những khó khăn sẽ được giải quyết, để sản xuất mía đường sớm trở lại thời kỳ "vàng son" mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Hậu Giang: Nhà máy đường cam kết tiếp tục ký bao tiêu mía nguyên liệuHậu Giang: Nhà máy đường cam kết tiếp tục ký bao tiêu mía nguyên liệu Trợ cấp xuất khẩu đường của Ấn Độ bị cho là vi phạm quy tắc của WTOTrợ cấp xuất khẩu đường của Ấn Độ bị cho là vi phạm quy tắc của WTO Mía Quảng Ngãi tụt dốcMía Quảng Ngãi tụt dốc

Thành Công