|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giới tài phiệt Trung Quốc sắp đón một cuộc chuyển giao lớn khi các lão làng đến tuổi xế chiều

08:30 | 02/02/2022
Chia sẻ
Bước sang tuổi nghỉ hưu, các nhà tài phiệt từng tung hoành ngang dọc tại Trung Quốc đang sắp sửa trao lại khối tài sản khổng lồ cho con cháu quản lý.

Chuyện gia tộc họ Zhang

Zhang Shiping là một trong 16 thanh niên được cử đến vùng nông thôn trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Đây là phong trào chính trị - xã hội diễn ra trong giai đoạn 1966 - 1976 và tác động sâu rộng lên mọi mặt đời sống ở Trung Quốc.

Hàng thập kỷ sau, vị đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tận dụng triệt để các cải cách thị trường do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng để xây dựng nên hai doanh nghiệp tầm cỡ thế giới: một công ty dệt may và một doanh nghiệp luyện nhôm.

Giới tài phiệt Trung Quốc sắp đón một cuộc chuyển giao lớn khi các lão làng đến tuổi xế chiều - Ảnh 1.

Ông Zhang Shiping trong một cuộc phỏng vấn năm 2013. (Ảnh: AP).

Sau khi ông Zhang qua đời vào năm 2019 ở tuổi 73, các con của ông đã tiếp quản hai công ty trên và "thổi" cơ ngơi của gia đình lên con số 14 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Zhang Bo (52 tuổi), con trai của ông Zhang Shiping, trở thành Chủ tịch của công ty luyện nhôm China Hongqiao Group. Em gái ông, Zhang Hongxia (50 tuổi) làm Chủ tịch công ty dệt may Weiqiao Textile.

Tài sản của hai anh em nhà Zhang đã tăng vọt trong năm qua. Hiện tại, gia tộc này đang tăng cường đầu tư vào nền kinh tế xanh như một nguồn cơ hội mới.

Hai người đã mở rộng sang các mảng kinh doanh phụ tùng xe hơi hạng nhẹ cũng như thiết lập quan hệ đối tác với các công ty như Tesla và BYD, truyền thông địa phương cho hay.

Họ Zhang cũng trở thành gia tộc đầu tiên tại Trung Quốc đại lục lọt vào bảng xếp hạng các gia đình giàu nhất châu Á của Bloomberg, đồng thời mở ra kỷ nguyên chuyển giao khối tài sản khổng lồ từ các nhà tài phiệt lớn tuổi sang những người thừa kế.

Bảng xếp hạng của Bloomberg chỉ bao gồm những gia tộc có ít nhất hai thế hệ. Ở những khu vực như Hong Kong, Ấn Độ và Đông Nam Á, khối tài sản của gia đình thường được truyền qua 3 hoặc 4 đời. Một số gia tộc quyền lực bậc nhất ở châu Âu thậm chí còn chuyển giao tài sản cho con cháu đến hàng thế kỷ.

Giới tài phiệt Trung Quốc sắp đón một cuộc chuyển giao lớn khi các lão làng đến tuổi xế chiều - Ảnh 2.

Tỷ phú Zhang Bo, thế hệ tài phiệt thứ hai của gia tộc nhà họ Zhang. (Ảnh: AP).

Bước ngoặt của giới tài phiệt Trung Quốc

Tại Trung Quốc hiện giờ, một chuyển biến chưa từng có đang diễn ra. Các ông trùm đứng sau một số tập đoàn lớn nhất đất nước đang "ngồi" trên khối tài sản gần 1.100 tỷ USD, chờ trao tay người thừa kế.

Ông Hao Gao, một nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa, cho hay: "Chúng tôi thấy ngày càng nhiều tài phiệt thế hệ đầu ở Trung Quốc đang chuyển giao cơ ngơi cho con cháu khi họ sắp đến tuổi nghỉ hưu".

Trung bình, 80 tỷ phú Trung Quốc giàu nhất trên Bloomberg Billionaires Index đang ở độ tuổi ngoài 50. Điều đó cho thấy một số có thể sẽ bắt đầu trao lại quyền lực cho người thừa kế trong thập kỷ tới.

Các nhà sáng lập của công ty kinh doanh phụ tùng xe hơi Wanxiang Group, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi New Hope Liuhe và hai công ty xây dựng Country Garden Holdings cùng Hopson Development Holdings đã đều truyền lại công việc kinh doanh cho con cái của họ.

Bà Yang Huiyan, hiện là đồng Chủ tịch của Country Garden, đã trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á sau khi cha bà chuyển nhượng phần cổ phần của ông cho bà vào năm 2015, Bloomberg cho hay.

Mặc dù Trung Quốc đã bắt tay vào thực hiện chiến dịch "thịnh vượng chung" để rút ngắn chênh lệch giàu nghèo, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa áp dụng thuế thừa kế dù hàng năm các quan chức vẫn liên tục đề cập đến vấn đề này. Một số người lo ngại rằng thuế thừa kế sẽ khuyến khích người giàu chuyển tiền ra nước ngoài.

Phó giáo sư luật Angela Zhang tại Đại học Hong Kong nhận xét: "Bắc Kinh vẫn chưa tính tới thuế thừa kế". Ngoài ra, bà Zhang cũng cho biết thêm rằng hầu hết tỷ phú công nghệ của Trung Quốc đều đã cất giữ tài sản ở các thiên đường thuế ở nước ngoài.

"Điều này giải thích một phần nguyên nhân tại sao chính phủ Trung Quốc đang cố khuyến khích các nhà tài phiệt đóng góp từ thiện và tài trợ cho những dự án xã hội hơn…", vị phó giáo sư nhấn mạnh.

Đối với các tỷ phú Trung Quốc khác, cuộc trấn áp thời gian gần đây của chính phủ đối với các ngành như công nghệ, bất động sản và giáo dục đã làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ.

Theo ông Gao của Đại học Thanh Hóa, điều đó có thể đẩy nhanh việc lập kế hoạch kế nhiệm của những vị tỷ phú này. "Hiện tại, các khu vực tư nhân của Trung Quốc đang phải đối mặt với những thay đổi lớn, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để thế hệ thứ hai phát triển nhanh hơn".

Khả Nhân